Hiệp hội Bất động sản TP HCM: Vụ xây 'lụi' 110 biệt thự ở phố nhà giàu Sài Gòn lộ rủi ro doanh nghiệp nhà đất dễ phá sản

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng từ trường hợp của Hưng Lộc Phát bị đình chỉ xây dựng 110 căn biệt thự tại quận 7, TP HCM, các doanh nghiệp bất động sản đang lộ nhiều nguy cơ, không loại trừ chuyện phá sản.

Dù cơ quan chức năng khẳng định doanh nghiệp bị đình chỉ xây 110 biệt thự tại quận 7 do chưa có quyết định giao đất, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) lại có văn bản đề nghị UBND TP HCM hỗ trợ, giải quyết hồ sơ xin sử dụng đất tại phường Phú Mỹ, quận 7 của Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát, và giải quyết các trường hợp tương tự của các dự án xen cài đất.

Hưng Lộc Phát là chủ đầu tư dự án Green Star Sky Garden rộng 52.648,6 m2, gồm 110 biệt thự, 900 căn hộ nằm tại phường Phú Mỹ, vừa bị quận 7 đình chỉ thi công trong 60 ngày, do dự án chưa có quyết định giao đất của UBND TP HCM và chưa chuyển mục đích sử dụng đất.

anh-1-15607643935991550380427-2

Dự án Green Star Sky Garden do Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư rộng 52.648,6 m2, gồm 110 biệt thự, 900 căn hộ chưa có quyết định giao đất đã xây "lụi" 110 căn biệt thự. (Ảnh: Nguyên Hà).

Trong văn bản gửi UBND TP HCM, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng Quyết định 276/QĐ-UBND do UBND quận 7 ban hành ngày 19/1/2018 về duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu nhà ở tại phường Phú Mỹ, quận 7 do Công ty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư, là đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Xây dựng.

Ngoài ra, theo HoREA, khu nhà liên kế gồm 110 căn biệt thự do Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư, thuộc trường hợp được miễn Giấy phép xây dựng theo Điều 89 của Luật Xây dựng. Chỉ nhà chung cư cao tầng của dự án thì mới phải có giấy phép xây dựng.

Trong văn bản "xin" TP HCM giải quyết hồ sơ, thủ tục để Hưng Lộc Phát được cấp quyền sử dụng đất, "hợp thức hóa" dự án, HoREA còn cho rằng Công ty Hưng Lộc Phát đã nỗ lực thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được UBND TP HCM giao đất. Hiệp hội đề nghị UBND TP xem xét, chấp thuận cho Công ty Hưng Lộc Phát được sử dụng khu đất 52.648m2 để thực hiện dự án tại phường Phú Mỹ, quận 7.

Từ trường hợp của Hưng Lộc Phát, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP HCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động, nhất là rủi ro về pháp lí.

Cụ thể, văn bản "xin" của HoREA nói rằng chủ đầu tư đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, nhưng không thể hoàn thành thủ tục pháp lí hoặc triển khai dự án, mà lỗi không phải do chủ đầu tư.

Nguyên nhân của việc này có thể đến từ cơ quan có thẩm quyền không nhận hồ sơ thẩm duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500? Dự án xen cài đất ở, đất nông nghiệp, đất rạch đường thuộc diện Nhà nước quản lí phải thực hiện quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất cho chủ đầu tư. 

anh-2-15607644358111295078030-2

HoREA cũng đề nghị UBND TP HCM giải quyết trường hợp tương tự tại các dự án xen cài đất như Hưng Lộc Phát. (Ảnh: Nguyên Hà).

Có trường hợp nhiều dự án bị rắc rối chỉ vì quy trình, thủ tục thẩm duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kĩ thuật và cấp giấy phép xây dựng cho các công trình trên 24 tầng. Hoặc nhiều dự án bị rơi vào diện rà soát hồ sơ pháp lí, bị thanh tra hoặc bị tạm ngừng thực hiện.

Ngoài các rủi ro pháp lí, theo HoREA, các doanh nghiệp bất động sản còn rủi ro về tài chính, tín dụng, do đã bỏ chi phí rất lớn để giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, trả lãi vay, trả nợ và các chi phí quản lí.

"Do vậy, doanh nghiệp sẽ lâm vào hoàn cảnh cực kì khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản nếu dự án không hoàn tất các thủ tục pháp lí, không triển khai thực hiện được, hoặc bị dừng triển khai", HoREA cho biết.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng cho rằng uy tín của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng từ những bất cập này và bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Hưng Lộc Phát khẳng định làm đúng luật

Dự án nhà ở Green Star Sky Garden nằm tại phường Phú Mỹ, quận 7 do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư. Theo giới thiệu, dự án rộng 52.648,6 m2, gồm 110 biệt thự, 900 căn hộ cùng cảnh quan phụ cận khác như mảng xanh, hồ điều hòa, đường giao thông.

Dự kiến từ tháng 7/2019, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà.

Tuy nhiên, ngày 22/5 và 14/6/2019, Phòng Quản lý đô thị quận 7 đã tiến hành kiểm tra công tác thi công xây dựng và lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng thi công trong 60 ngày, do dự án chưa có quyết định giao đất của UBND TP HCM và chưa chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo cơ quan chức năng quận 7, việc đình chỉ thi công để chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lí về chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất của dự án.

Phía Hưng Lộc Phát cho rằng doanh nghiệp làm đúng luật. Doanh nghiệp đưa giấy tờ pháp lí gồm văn bản của thành phố công nhận doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án, phê duyệt 1/500 của dự án do UBND quận 7 cấp.

Theo Hưng Lộc Phát, Điểm e, Khoản 1, Điều 89 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định công trình được miễn phép xây dựng khi "nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".

Vì vậy, doanh nghiệp cho rằng trường hợp 110 biệt thự bị cơ quan chức năng quận 7 tạm đình chỉ thi công trong 60 ngày là không phù hợp, khi doanh nghiệp được miễn giấy phép xây dựng.

HoREA cũng đồng tình quan điểm này và kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo giải quyết các văn bản của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đối với dự án. Đồng thời, HoREA cũng đề nghị UBND TP HCM xem xét, chấp thuận cho Hưng Lộc Phát được sử dụng khu đất 52.648,6 m2 để thực hiện dự án trên.

Tuy nhiên, theo chính quyền quận 7, chủ đầu tư chưa được giao đất thì chưa có quyền sử dụng đất và chưa được xây dựng.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.