Hình ảnh cầu Đuống mới sau 8 tháng khởi công

Dự án cầu Đuống mới nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội) khởi công tháng 7/2023 với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Vị trí xây dựng cầu Đuống mới.

Sáng 22/7/2023, Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công hạng mục cầu đường sắt và đường bộ cắt qua tuyến vận tải thủy sông Đuống với tổng mức đầu tư 1.848 tỷ đồng. Theo quy hoạch, cầu Đuống hiện hữu sẽ được tháo dỡ để thay thế bằng 2 cây cầu mới tại cùng vị trí. Các cây cầu mới sẽ được xây dựng với tĩnh không lớn hơn để đảm bảo thông thuyền trên luồng vận tải sông Đuống.  

 Trong đó, hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn dài 1 km; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1. 

 Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn gồm tuyến chính dài 700 m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100 m về phía hạ lưu. 

 Cầu đường bộ vượt sông Đuống có chiều dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp dây văng. Bề rộng cầu là 18,5 m. 

Theo ghi nhận, sau hơn nửa năm khởi công, cầu Đuống mới hiện đã xây dựng một trụ cầu đường bộ và ba trụ cầu đường sắt.

 Cầu đường bộ và đường dẫn có điểm đầu tại nút giao cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc quận Long Biên; điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, huyện Gia Lâm.

Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, cầu Đuống mới chỉ triển khai ở khu vực ngoài đê sông. Các khu vực nhà dân hai bên sông thuộc diện giải phóng mặt bằng hiện chưa di dời.

Trong đó, bên phía huyện Gia Lâm, khu vực ngoài đê sông mới đang chuẩn bị mặt bằng phục vụ xây dựng trụ cầu.

 Cầu đường sắt mới thuộc dự án gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280 m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm; tốc độ thiết kế 80 km/h. 

Cầu đường sắt có yĩnh không thông thuyền 7 m, giai đoạn hoàn thiện là 9,5 m. Cầu có bố trí đường người đi bộ.  

Cầu Đuống hiện nay là cây cầu kết hợp đường bộ và đường sắt bắc qua sông Đuống, trên quốc lộ 1A cũ, nối phường Đức Giang thuộc quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cầu này được người Pháp xây vào cuối thế kỷ 19, thông xe vào năm 1902, có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ. Trụ chính đỡ nhịp giữa cầu có thể xoay được, giúp tàu bè qua lại. Trong chiến tranh, cầu đã hư hỏng nặng, chỉ còn lại những mố cầu ở hai đầu. Sau đó, cầu được xây lại ở vị trí cũ và thông xe vào năm 1981, không còn các trụ số 2, 4, chỉ còn 3 trụ để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại.
 

 Hạn chế của tuyến đường thủy này là cầu Đuống có tĩnh không 2,8 m; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa 26 m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan chở container sức chở 24 Teu mới lưu thông được qua cầu khi nước xuống.