Nhớ lại buổi họp báo trước trận tứ kết giữa Việt Nam và Nhật Bản, một phóng viên xứ hoa anh đào về bí quyết thành công của Việt Nam liệu có đến nhiều từ các học viện bóng đá trẻ? Câu trả lời của ông Park là Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để phát triển bóng đá trẻ bền vững.
Đó là sự thật khó nghe, nhất là trong những ngày tuyệt vời này. Nhưng vì thế thì càng phải nói vì nhìn vào kết quả và đặc biệt là màn trình diễn của U.19 Việt Nam ở giải Đông Nam Á vừa qua cho thấy chúng ta vẫn chỉ chủ yếu trông chờ vào quá ít trung tâm bóng đá.
Chúng ta may mắn có một thế hệ tài năng, được bầu Đức tạo cú hích từ sự cay cú, muốn dẹp bỏ cái dớp "sợ Thái", và đầu tư để lứa tài năng trẻ này đi tập huấn dày đặc liên tục. Cùng sự góp sức của các lò Hà Nội, PVF, Viettel.
Nhưng không thể chỉ trông vào mỗi một lứa đó, chừng đó lò!
HLV Park Hang-seo nhìn lại: "Một năm qua, chúng ta đã trải qua hành trình thật khó tưởng tượng. Tôi nghĩ điều đó sẽ đem đến những kết quả tốt cho Việt Nam.
Đó là một năm kỳ diệu. Tôi nghĩ các cầu thủ đã xây được niềm tin rất lớn Việt Nam có thể chơi tốt thế nào ở giải đấu đẳng cấp như Asian Cup, tự tin có thể chơi tốt, chiến đấu và đánh bại mọi đối thủ".
Nhìn lại, Việt Nam vẫn là nước kém phát triển, từ yếu tố sống còn là hệ thống đào tạo trẻ, các giải trẻ, giải vô địch quốc gia, truyền thông, tài trợ, dinh dưỡng...
Vậy mà chúng ta đã vào đến tứ kết. Nhìn lại trong số 8 đội mạnh nhất châu Á, Việt Nam giống cô bé "Lọ Lem" giữa vũ hội xa hoa của những đại gia quý tộc. "Lọ Lem" quá tuyệt vời, nhưng chính vì thế cô ấy xứng đáng được quan tâm hơn.
HLV Park Hang-seo thẳng thắn: "Tất nhiên sẽ không dễ để Việt Nam có thể bắt kịp trình độ phát triển của Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Iraq... Nhưng tôi nghĩ những trận đấu với các đội bóng mạnh ở Asian Cup sẽ giúp các cầu thủ trưởng thành và học được rất nhiều.
Để đạt tới đẳng cấp như Nhật Bản, chúng ta cần phải tổng hợp sức mạnh của cả Việt Nam. Cần có những sự ủng hộ tổng lực để làm sao cơ sở vật chất, chính sách đào tạo trẻ... được đồng bộ cải thiện".