Hoà Bình điều chỉnh quy hoạch khu du lịch 800 tỷ của Lạc Hồng

Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình do Lạc Hồng làm chủ đầu tư sẽ được lập điều chỉnh quy hoạch trên diện tích khoảng 151 ha, trong đó gần 50 ha đất rừng sẽ được chuyển đổi để xây dựng các công trình.

Một góc hồ Hoà Bình. (Ảnh: Tổng cục Du lịch).

Vừa qua, UBND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Đơn vị tổ chức lập quy hoạch là CTCP Đầu tư Lạc Hồng.

Dự án sẽ lập quy hoạch trên diện tích khoảng 151 ha, trong đó diện tích đất rừng chuyển mục đích sử dụng để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình là gần 50 ha; 101 ha còn lại có nguồn gốc lâm nghiệp, mặt nước giữ nguyên làm cảnh quan dự án.

UBND tỉnh yêu cầu Lạc Hồng trong quá trình lập quy hoạch cần rà soát, đánh giá kỹ phần đất ở hiện trạng, hạ tầng kỹ thuật hiện có. Thời gian khảo sát lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không quá 6 tháng kể từ ngày phê duyệt.

Theo phê duyệt ban đầu, Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình do Lạc Hồng làm chủ đầu tư có quy mô 161,5 ha, bao gồm 4 phân khu chính: Khu trung tâm; khu du lịch văn hóa; khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao; khu nhà ở lưu trú phục vụ du lịch; khu cây xanh, mặt nước.  

Vào giữa năm 2023, Hoà Bình đã chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án này. Sau điều chỉnh, tổng vốn đầu tư của dự án là thành 799 tỷ đồng, gồm vốn tự có của doanh nghiệp 120 tỷ đồng và còn lại là vốn vay.

Trong giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 500 tỷ đồng để xây dựng một số hạng mục như Khách sạn - lobby -hội nghị - hội thảo (tiêu chuẩn 4 sao); 1 nhà hàng; bể bơi - spa- massage - dịch vụ tổng hợp; Công trình dịch vụ thương mại (40 căn); Villa nghỉ dưỡng (60 căn); Bungalow nghỉ dưỡng (21 căn) và hạ tầng kỹ thuật. 

Giai đoạn 2 dự án sẽ đầu tư khoảng 299 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục gồm 1 nhà hàng; vông trình thể thao; Khu văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình; Khu vườn hoa cắm trại; Khu công viên công cộng; Villa nghỉ dưỡng (58 căn); hạ tầng kỹ thuật.

Tiến độ của dự án được điều chỉnh như sau: Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý, thoả thuận chuyển nhượng đất, GPMB đến hết tháng 12/2023. Từ tháng 1/2024 - tháng 8/2025 thực hiện đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các hạng mục của giai đoạn 1. Tháng 9/2025 - tháng 9/2026 sẽ thực hiện các hạng mục của giai đoạn 2.

Nói qua về chủ đầu tư, Lạc Hồng được thành lập ngày năm 2003, có trụ sở chính tại 85 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại thời điểm ngày 31/12/2019, doanh nghiệp có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, Tổng Giám đốc là ông Lê Xuân Trường (sở hữu 41,56% vốn). 

Theo giới thiệu, Lạc Hồng là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng giao thông thủy lợi, viễn thông... Trong đó, có một số công trình trọng điểm của Nhà nước như Trụ sở Bộ Công an, Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao, Phòng họp lớn nhà Quốc hội, Trung tâm Thông tấn xã Việt Nam,...

Trong lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, doanh nghiệp này sở hữu loạt dự án tập trung tại Hòa Bình và Vĩnh Phúc như Belvedere Resort Tam Đảo, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Serena Resort Kim Bôi, Venus Hotel Tam Đảo, Cáp treo Tây Thiên,...

Đối với bất động sản nhà ở, Lạc Hồng được biết đến là chủ đầu tư của một số dự án, như chung cư 35 tầng Lạc Hồng Lotus – N01.T5 (5 ha; khu Ngoại Giao Đoàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Lạc Hồng Lotus 2 (3,4 ha; khu Ngoại Giao Đoàn); Lạc Hồng West Lake (5.000 m2; KĐT Nam Thăng Long, Tây Hồ, Hà Nội); KĐT Chùa Hà Tiên (63 ha; Vĩnh Phúc); Khu nhà ở thương mại Khai Quang (7,3 ha; Vĩnh Phúc).

chọn
Lideco và Hà Đô sẽ xây tháp đôi 47 tầng ven Vành đai 2,5, lập kỷ lục chiều cao tại Khu đô thị mới Dịch Vọng
Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm và Tập đoàn Hà Đô dự kiến xây tháp đôi 47 tầng cùng tòa chung cư 32 tầng ở Khu đô thị mới Dịch Vọng, đoạn ven Vành đai 2,5 Hà Nội.