Hóa chất Đức Giang có thể huy động vốn từ đối tác Nhật cho dự án ở Nghi Sơn

Theo thông tin từ CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trước rủi ro tăng thuế xuất khẩu của photpho vàng - mảng hiện chiếm tỉ trọng doanh thu lớn nhất của Hóa chất Đức Giang, công ty đã lên kế hoạch gia tăng chế biến các hợp chất phốt pho công nghiệp trung nguồn và hạ nguồn nhằm trung hòa rủi ro này.

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa ra dự báo về triển vọng kinh doanh trong năm 2020 của CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (Mã: DGC). Theo đó, tổng doanh thu dự kiến từ các mảng kinh doanh hiện tại có thể đạt 6.281 tỉ đồng. 

Trong đó, mảng phốt pho ước mang về 4.531 tỉ đồng doanh thu; mảng phân đạm có thể ghi nhận 1.079 tỉ đồng; ngoài ra, lĩnh vực phụ gia thức ăn chăn nuôi ước mang về cho công ty 448 tỉ đồng doanh thu trong năm nay. 

DGC có thêm dự án phốt pho mới, dự án Nghi Sơn có thể đi vào hoạt động sớm hơn kế hoạch - Ảnh 1.

Nguồn: VCSC

Hóa chất Đức Giang có thêm những dự án mới trong mảng phốt pho 

VCSC cũng thông tin thêm về cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của công ty vào ngày 12/11 vừa qua. Theo VCSC, ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang thể hiện sự lạc quan về triển vọng kinh doanh và những dự án mở rộng mới của công ty. 

Theo kế hoạch chung, các dự án chế biến hóa chất phốt pho công nghiệp mới được công bố gần đây dự kiến đi vào hoạt động vào cuối 2021 và trong 2022. 

Cụ thể, axit photphoric nhiệt (TPA) cấp điện tử là dự án mới mà Hóa chất Đức Giang đã công bố trong tháng 10/2020. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 8/2021 với vốn xây dựng cở bản ước tính 66 tỉ đồng. 

Công suất sản xuất đạt 30.000 tấn/năm, sẽ cần tiêu thụ khoảng 8.000 tấn phốt pho vàng, tương ứng với 9% công suất phốt pho vàng của Hóa chất Đức Giang. TPA cấp điện tử là sản phẩm có giá trị gia tăng khi yêu cầu axit photphoric cấp tinh khiết nhất. 

VCSC cho hay Hóa chất Đức Giang đang có kế hoạch đưa các sản phẩm này đến các sản sản xuất màn hình LCD và chất bán dẫn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Ban lãnh đạo công ty cũng chia sẻ với VCSC có một khách hàng từ Hàn Quốc đã bày tỏ ý định lấy nguồn 30.000 tấn TPA cấp điện tử từ Hóa chất Đức Giang mỗi năm và đã đặt đơn hàng thử nghiệm trong năm 2021. 

Ban lãnh đạo vọng giá bán trung bình đạt 900 USD/tấn, cao hơn khoảng 30% so với phốt pho vàng và cao hơn khoảng 7% TPA cấp thực phẩm. Theo đó, VCSC dự báo với hiệu suất hoạt động 100% của TPA cấp điện tử sẽ tạo ra 626 tỉ đồng doanh thu trong năm 2022.

Thông tin từ VCSC, ban lãnh đạo công ty thừa nhận rủi ro tăng thuế xuất khẩu của phốt pho vàng - mảng hiện chiếm tỉ trọng doanh thu lớn nhất của Hóa chất Đức Giang. Do đó, việc Hóa chất Đức Giang có kế hoạch gia tăng chế biến các hợp chất phốt pho công nghiệp trung nguồn và hạ nguồn như TPA cấp điện tử nhằm trung hòa rủi ro này.

Về các sản phẩm phốt pho triclorua (PCl3), Axit photphorơ (H3PO3), phốt pho pentaoxit (P2O5) và phốt pho đỏ, VCSC cho biết Hóa chất Đức Giang là công ty đầu tiên sản xuất các sản phẩm này tại Việt Nam.

Trong đó, PCl3 và H3PO3 sẽ được sản xuất tại khu phức hợp Nghi Sơn của Hóa chất Đức Giang từ năm 2022. Đối với sản phẩm P2O5 và phốt pho đỏ, Hóa chất Đức Giang cho biết sẽ xây dựng công suất 5.000 tấn/năm cho mỗi sản phẩm. 

Những sản phẩm này sẽ tiêu thụ khoảng 8,5% sản lượng phốt pho vàng tối đa của Hóa chất Đức Giang. Công suất lắp đặt dự kiến được hoàn thành trong 2021 với tổng vốn xây dựng cơ bản 100 tỉ đồng. 

VCSC thông tin lại từ Ban lãnh đạo công ty, nhu cầu cho các sản phẩm này là khá cao khi Ấn Độ và Mỹ hiện đang có các căng thẳng thương mại với Trung Quốc – nhà cung cấp lớn nhất thế giới của các sản phẩm này.

Riêng mảng phốt phát nông nghiệp, VCSC ước tính các dây chuyền phân bón MAP và DAP của Hóa chất Đức Giang đều vận hành với hiệu suất cao (khoảng 80% cho DAP) tính đến thời điểm hiện tại trong quí IV/2020. Doanh số là khá cao khiến hàng tồn kho là không đáng kể. 

Ban lãnh đạo cho biết diễn biến tích cực này là do nhu cầu trong nước lớn và thực tế rằng các sản phẩm của Hóa chất Đức Giang là các sản phẩm được sản xuất trong nước với chất lương tương đương MAP và DAP nhập khẩu. Theo VCSC, Ban lãnh đạo công ty cũng đề cập khả năng mở rộng công suất DAP hiện tại từ 100.000 tấn do nhu cầu trong nước đã đạt hơn 1 triệu tấn/năm.

Về mảng phụ gia thức ăn chăn nuôi (TACN) phốt phát, hiện nhu cầu trong nước từ các khách hàng lớn như CP và Newhope hiện đã vượt công suất sản xuất của DGC, theo ban lãnh đạo cho biết. 

VCSC thông tin công ty đã phát triển thành MCP (mono canxi phốt phát) có hàm lượng florua thấp (chất lượng cao) bất chấp các ý kiến trước đó từ các chuyên gia nước ngoài rằng quặng apatit tại tỉnh Lào Cai sẽ không thể sản xuất MCP có chất lượng như vậy. 

Do đó, Hóa chất Đức Giang có kế hoạch mở rộng công suất MCP lên 50.000 tấn/năm so với công suất DCP và MCP hiện tại là 120.000 tấn/năm.

Khu phức hợp xút - clo Nghi Sơn dự kiến đi vào hoạt động muộn hơn kế hoạch

Tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư lần này, VCSC cho biết lãnh đạo công ty cũng cập nhật tình hình Khu phức hợp xút - clo Nghi Sơn. Theo đó, trong giai đoạn 1, một vài nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động trong quí I/2022 so với kế hoạch trước đây của ban lãnh đạo là vào cuối 2021. Toàn bộ giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động trong quí II/2022.

Tiếp đó là giai đoạn 2, Hóa chất Đức Giang có kế hoạch áp dụng công nghệ mới của một đối tác Châu Âu cho sản xuất nhựa PVC. VCSC cho biết ban lãnh đạo chỉ ra công nghệ mới này sẽ cho phép Hóa chất Đức Giang cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, công ty cũng cho biết có khả năng sẽ chỉ sản xuất nguyên liệu monomer đầu vào cho nhựa PVC thay vì sản phẩm đầu ra polymer là PVC. Monomer sẽ được bán cho các nhà sản xuất PVC trong nước như TP Vina và Asahi.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ năm 2024 trở đi, Hóa chất Đức Giang nhiều khả năng điều chỉnh kế hoạch từ sản xuất soda sang sản xuất hợp chất photpho chế phẩm từ PCl3, H3PO3, P2O5 và photpho đỏ. Các sản phẩm này có thể bao gồm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, chất chống cháy và dầu nhờn, có giá trị cao hơn các sản phẩm hiện hữu của Hóa chất Đức Giang.

Đáng chú ý, VCSC thông tin về việc Hóa chất Đức Giang đang làm việc với các ngân hàng để vay ngoại tệ trong năm 2021 nhằm tài trợ cho dự án khu phức hợp xút - clo. Khả năng công ty sẽ phát hành riêng lẻ để tài trợ cho khu phức hợp xút - clo cho một đối tác Nhật Bản có kinh nghiệm trong ngành ngành này.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.