"Hiện nay các nhà thầu thi công đoạn khác cũng phấn đấu tiến độ tương tự nên chậm nhất vào quý III/2025 phần đường song hành thuộc Dự án đường Vành đai 4 sẽ được hoàn thành", ông Dũng nói, hoan nghênh các quận, huyện cam kết phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng xong trước ngày 30/3/2024 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Để đảm bảo tiến độ đề ra, Bí thư Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tháo gỡ mọi vướng mắc, đẩy nhanh các thủ tục, vận dụng các cơ chế, chính sách có lợi nhất cho người dân. Ông cũng đề nghị lãnh đạo UBND thành phố tăng cường đi cơ sở, trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương, nhà thầu để giải quyết các vấn đề thực tiễn, tranh thủ từng ngày để tăng tốc triển khai dự án.
"Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu phía Đông Hà Nội để nếu cần thiết thì hỗ trợ cả Bắc Ninh và Hưng Yên", ông nói, cho biết sắp tới Ban chỉ đạo sẽ đi kiểm tra đôn đốc tiến độ dự án tại địa bàn hai tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Nguyễn Chí Cường cho biết tiến độ giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn thành phố đạt hơn 96%. Các địa phương có dự án đi qua đã cơ bản hoàn thành đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất ở, trong đó huyện Sóc Sơn và Thường Tín đã hoàn thành phê duyệt phương án đất ở.
12/13 khu tái định cư với tổng diện tích 32,5 ha đang được xây dựng tại các quận huyện. Trong đó Đan Phượng đã hoàn thành khu tái định cư xã Hồng Hà, khu Hạ Mỗ dự kiến xong trong tháng 2/2024; Hoài Đức có hai khu dự kiến hoàn thành tháng 3/2024; Thanh Oai đang triển khai một khu ở xã Tam Hưng phục vụ tái định cư cho các hộ dân ở quận Hà Đông, dự kiến hoàn thành tháng 3/2024. Thường Tín đã cơ bản hoàn thành cả 4 khu tái định cư và tổ chức bốc thăm cho 137 hộ đủ điều kiện, nhiều hộ đang xây dựng nhà ở.
Ông Nguyễn Chí Cường cho biết những khó khăn liên quan vật liệu đất, cát phục vụ thi công cơ bản được tháo gỡ dù dự án cần tới 1,8 triệu m3 đất đắp và 5,8 triệu m3 cát đắp nền, cát để xử lý đất yếu.
Theo lãnh đạo ban quản lý dự án giao thông, sau khi được bàn giao mặt bằng để xây dựng dự án thành phần 2.1 (thi công đường song hành), hiện trên toàn tuyến đã huy động 600 kỹ sư công nhân với 32 mũi thi công, trong đó 23 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu.
Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư đã được UBND TP phê duyệt hôm 20/12. Phạm vi dự án đầu tư với tổng chiều dài khoảng 113 km, xây dựng 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh. Đường cao tốc được thiết kế cao tốc, vận tốc 100 km/h.
Giai đoạn hiện nay đầu tư trước 4 làn xe theo chủ trương đã được thông qua với bề rộng nền đường 17 m; bề rộng cầu 17,5 m (riêng các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống có bề rộng cầu 24,5 m để bố trí thêm hai làn xe máy và xe thô sơ qua cầu kết nối giữa hai bên bờ sông tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân).
Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn kiến nghị chốt thời gian chọn nhà đầu tư trước tháng 6/2024 để có khoảng 2,5 năm thi công hơn 100 km đường cao tốc (dự án thành phần 3) và hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó Hà Nội thực hiện ba dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP. Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm hai dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.
Việc hoàn thiện vành đai 4 vùng thủ đô sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, kết nối giữa các tỉnh và tạo không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.