Bắc Giang khởi công tuyến đường nối Vành đai 4 tại Hiệp Hoà, sẽ tận dụng quỹ đất hai bên làm khu đô thị

Huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang vừa khởi công dự án xây dựng đường nối ĐT.296 với đường Vành đai 4 Thủ đô, dự kiến thi công trong 18 tháng. Địa phương cho biết, quỹ đất hai bên tuyến đường sẽ được khai thác triệt để thu hút được các nhà đầu tư cũng như dân cư về sinh sống.

Một đoạn vành đai 4 qua Bắc Giang. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang vừa lập một báo cáo liên quan đến dự án xây dựng đường nối ĐT.296 với đường Vành đai 4 Thủ đô. 

Dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2021, tuy nhiên nhằm phát huy hết công năng, dự án đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 5/2022. Nội dung điều chỉnh gồm giảm chiều dài tuyến đường khoảng 500 m và bổ sung vuốt nối đoạn tuyến dài khoảng 650 m. Tại thời điểm thực hiện điều chỉnh, dự án chưa triển khai xây dựng.

Sau điều chỉnh, đường nối ĐT.296 - Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 6,4 km, đi qua 4 xã Hợp Thịnh, Mai Trung, Xuân Cẩm và Hương Lâm. Điểm đầu tuyến giao cắt với ĐT.296 tại xã Hợp Thịnh; điểm cuối giao với đường trục bắc nam thuộc xã Hương Lâm.

Khu vực thực hiện dự án. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về hiện trạng, khu vực tuyến đia qua sẽ chiếm dụng khoảng 16,4 ha đất, trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước chiếm 10,4 ha; đất bằng trồng cây hàng năm 1,2 ha; đất giao thông 1,5 ha; đất thuỷ sản 2,1 ha; đất ở có khoảng 418 m2...

Điểm đầu tuyến là ĐT.296, đây là đường cấp 4, mặt đường bê tông nhựa rộng khoảng 9 m, cách UBND xã Hợp Thịnh khoảng 80 m. Tuyến kết nối với đường Vành đai 4 Hà Nội, chủ yếu đi qua ruộng lúa, ao nuôi/trồng thủy sản. Tuyến không cắt qua sông, có 1 vị trí cắt qua kênh/ngòi/đầm sẽ phải bắc cầu. Dọc tuyến có một số khu mộ, di tích lịch sử, trường học,... cách tim tuyến khoảng 80 - 100 mm.

Báo cáo cũng cho biết, khi dự án đi vào hoạt động thì thay thế diện tích đất nông nghiệp sẽ là khu đô thị và các khu chức năng. Quỹ đất hai bên đường sẽ được khai thác triệt để thu hút được các nhà đầu tư cũng như dân cư về sinh sống.

Sau khi dự án được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng sẽ giải quyết được nhu cầu đi lại với số lượng gần 213.002 người dân huyện Hiệp Hòa, đáp ứng nhu cầu đi lại của 5.943 xe ô tô các loại cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng vạn công nhân của các cụm công nghiệp gần khu vực dự án.

Tuyến đường nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Về quy mô, đây sẽ là công trình giao thông đường bộ cấp II, đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đường sẽ có hai làn xe cơ giới, mặt cắt ngang rộng 12 m, trong đó bề rộng mặt đường 11 m.

Về hướng tuyến, từ điểm đầu, tuyến chủ yếu đi qua ruộng, đồi gò thấp (gò Pháo) thuộc địa phận xã Hợp Thịnh, qua Ngòi Dật, đi tiếp qua ruộng và ao nuôi trồng thủy sản, đi qua các vị trí quy hoạch điểm dân cư xã Mai Trung, điểm dân cư xã Xuân Cẩm, đi tiếp qua ruộng lúa xã Hương Lâm và kết thúc tại nút giao đường trục bắc nam.

Trên tuyến sẽ có hai nút giao. Nút giao ĐT.296 dạng ngã ba cùng mức kết hợp đèn tín hiệu, bố trí làn chờ rộng 3,5 m trên chiều dài 40 m. Nút giao với đường trục bắc nam thiết kế dạng ngã ba ngang bằng. 

Tổng mức đầu tư của dự án theo chủ trương được duyệt là 310 tỷ đồng. Về tiến độ, chiều ngày 21/12 mới đây, huyện Hiệp Hoà đã tổ chức hội nghị khởi công tuyến đường này. Theo phê duyệt, dự án sẽ thi công trong 18 tháng, trong 3 tháng đầu sau khởi công sẽ giải phóng mặt bằng và bắt đầu thi công nền đường...

Công trình này do Liên danh CTCP Xây dựng Đầu tư Đông An - Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Quang Minh thi công. Đơn vị tư vấn thiết kế là CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải.

Bức tranh giao thông liên vùng của Hiệp Hoà đang dần hoàn thiện

Một tuyến đường tại huyện Hiệp Hoà. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Hiệp Hòa là địa phương nằm ở khu vực cửa ngõ phía tây của Bắc Giang, được xem là đầu cầu kết nối phát triển kinh tế  của Bắc Giang với các vùng phụ cận như Hà Nội, TP Bắc Ninh, TP Thái Nguyên. Huyện này cũng là đầu mối giao thông quan trọng với nhiều tuyến huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 37, ĐT.295, ĐT.296, ĐT.288, đường Vành đai 4 (đang đầu tư),...

Theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Hiệp Hòa được xác định là vùng phát triển trọng điểm phía tây của tỉnh Bắc Giang. Trong tương lai, địa phương này tập trung thu hút đầu tư trong các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, đô thị.

Tuyến đường kết nối ĐT.296 với đường vành đai 4 khi hoàn thành sẽ kết nối các cụm công nghiệp Hợp Thịnh, Hà Thịnh và Việt Nhật, cũng như kết nối trực tiếp giao thông phía tây nam và đông nam Bắc Giang.

Tháng 11 vừa qua, Hiệp Hoà đã hoàn thành, thông xe kỹ thuật hai dự án giao thông. Đầu tiên là tuyến đường trục bắc nam với chiều dài khoảng 8,4 km, tổng mức đầu tư khoảng 480 tỷ đồng; điểm đầu tại Khu dân cư số 3, thị trấn Thắng, điểm cuối giao cắt với ĐT.398 thuộc địa bàn xã Hương Lâm, chiều rộng nền đường 33 m.

Kế đến là cải tạo, nâng cấp ĐT.295 tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 97 tỷ đồng. Mặt đường được mở rộng từ 8 m lên 11 m và thảm bê tông nhựa.

Tương tự đường kết nối ĐT.296 với đường vành đai 4, hai dự án trên được có vai trò kết nối khu vực trung tâm huyện Hiệp Hoà với tỉnh Bắc Ninh, TP Hà Nội và khu vực định hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của huyện và vùng phía tây của tỉnh Bắc Giang.

Tuyến đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011, có chiều dài hơn 98 km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Theo nghiên cứu quy hoạch ban đầu, Vành đai 4 có đi qua huyện Việt Yên và Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang kết nối với tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên nhưng khi phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011 lại không đi qua địa phận tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang sau đó đã lập quy hoạch và triển khai xây dựng tuyến đường vành đai 4 có hướng tuyến chạy song song với tuyến đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội theo quy hoạch. Dự án bao gồm tuyến chính dài 20,9 km và 3 tuyến nhánh có tổng chiều dài 14,7 km, tổng mức đầu tư 1.230,5 tỷ đồng. 

Từ năm 2020, vành đai 4 tỉnh Bắc Giang đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tuy nhiên việc kết nối với Bắc Ninh và Hà Nội chưa hoàn thiện.