Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc vừa lập một báo cáo liên quan đến dự án đường vành đai 4 đoạn từ huyện Bình Xuyên đến huyện Vĩnh Tường (giai đoạn 2).
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc đến 2020, tầm nhìn 2030, đường vành đai 4 có chức năng giao thông vùng, liên kết các khu đô thị vệ tinh và các khu công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Tuyến này cũng đóng vai trò là giao thông đối ngoại, phục vụ vận tải bao quanh các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, kết nối với mạng lưới quốc lộ, cao tốc.
Còn theo quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, đường vành đai 4 Vĩnh Phúc đóng vai trò là đường vành đai công nghiệp đô thị dịch vụ Bình Xuyên - Yên Lạc - Vĩnh Tường, là trục đường trung tâm kết nối chuỗi đô thị, công nghiệp, dịch vụ khu vực phía nam các huyện nói trên.
Đoạn tuyến Vành đai 4 từ Bình Xuyên đến Vĩnh Tường đóng vai trò ranh giới, giới hạn phía nam đô thị Vĩnh Phúc. Các khu công nghiệp, du lịch, đô thị dọc hai bên tuyến đang được xây dựng hoàn thiện như KCN Nam Bình Xuyên, CCN Minh Phương, KĐT Yên Lạc Dragon...
Ngoài ra, trong giai đoạn đường vành đai 5 Hà Nội đoạn qua Vĩnh Phúc chưa được xây dựng hoàn chỉnh, đoạn tuyến vành đai 4 từ Bình Xuyên - Vĩnh Tường sẽ tạm thời thay thế vai trò của đường vành đai 5, liên kết các đô thị đối trọng trong vùng Thủ đô (Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - vùng phía tây Hà Nội - Hoà Bình - Hà Nam - Hưng Yên - Hải Dương), góp phần giải toả lưu lượng quá cảnh trên các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 32.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tuyến vành đai 4 Vĩnh Phúc giai đoạn 1 đã được ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh với quy mô mặt cắt ngang 12 m, được cụ thể hoá gồm 4 dự án: Vành đai 3 đoạn Hương Canh - Yên Lạc; vành đai 3 đoạn Yên Lạc - Bình Dương; vành đai 3 đoạn Bình Dương - Vĩnh Sơn và đường trục trung tâm huyện Vĩnh Tường.
Đến nay vành đai 4 giai đoạn 1 cơ bản đã hoàn thành, trừ đoạn Yên Lạc - Bình Dương và đoạn Quốc lộ 2C - Vĩnh Sơn còn đang triển khai tại một số đoạn trong phạm vi nút giao. Giai đoạn 1 được thiết kế phân kỳ quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ.
Với quy mô hiện tại, vành đai 4 cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải dự kiến đến năm 2025. Tuy nhiên, sau năm 2025, dòng xe lưu thông theo tính toán sẽ bắt đầu không ổn định, không đáp ứng nhu cầu, mức độ phục vụ thấp.
Vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án vành đai 4 đoạn Bình Xuyên - Vĩnh Tường (giai đoạn 2). Ngày 20/7 vừa qua, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này, trong đó dự kiến mở rộng tuyến lên 4 - 6 làn xe để bắt kịp nhu cầu phát triển tăng cao trong các năm tới.
Đường vành đai 4 đoạn Bình Xuyên - Vĩnh Tường (giai đoạn 2) có tổng chiều dài khoảng 18,2 km, nằm trên địa phận thị trấn Hương Canh, xã Đạo Đức, xã Phú Xuân, thị trấn Thanh Lãng (thuộc huyện Bình Xuyên); các xã Nguyệt Đức, thị trấn Tam Hồng, xã Yên Phương, thị trấn Yên Lạc, xã Yên Đồng, xã Tề Lỗ (thuộc huyện Yên Lạc); các xã Vân Xuân, xã Bình Dương, xã Vĩnh Sơn (thuộc huyện Vĩnh Tường).
Điểm đầu tuyến nằm tại nút giao giữa quốc lộ 2 với KCN Bình Xuyên; điểm cuối nằm tại nút giao giữa đường trục trung tâm huyện Vĩnh Tường và đường vòng tránh Thổ Tang - Vĩnh Sơn. Về hướng tuyến, tuyến sẽ đi song song với tuyến đường đã được đầu tư xây dựng ở giai đoạn 1.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là hơn 146 ha, trong đó hiện trạng có 1,5 ha đất ở; 39,3 ha đất giao thông; 9,9 ha đất thuỷ lợi; 38,4 ha đất nông nghiệp và 25,8 ha đất khác... Dự án chủ yếu đi qua các khu cánh đồng trồng lúa và hoa màu, dọc tuyến có các khu dân cư.
Qua thống kê sơ bộ, dự án sẽ ảnh hưởng đến 73 hộ dân sinh sống dọc tuyến, trong đó có 39 hộ phải tái định cư, 172 ngôi mộ phải di dời. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được tách thành tiểu dự án độc lập, thực hiện trong năm 2024.
Về quy mô, đây là dự án hạ tầng giao thông loại hình xây mới, hoàn thiện mặt cắt ngang và các hạng mục còn lại của giai đoạn 1 dự án theo quy hoạch được duyệt, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Cụ thể, đoạn 1 từ quốc lộ 2 - quốc lộ 2C dài khoảng 15 km, sẽ mở rộng mặt cắt ngang lên thành 50 m (gồm mặt đường 31 m, giải phân cách giữa 9 m, vỉa hè 10 m). Đoạn 2 từ quốc lộ 2C đến đường trục trung tâm huyện Vĩnh Tường dài khoảng 3,2 km, sẽ mở rộng mặt cắt ngang lên thành 36 m (trong đó mặt đường rộng 21 m, giải phân cách 3 m, vỉa hè 12 m).
Trên tuyến sẽ xây dựng 3 cây cầu. Đầu tiên là cầu Đinh Xá dài 71,15 m bắc qua kênh Hút, thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Kế đến là cầu Tiêu Nam dài 19,5 m bắc qua kênh thuỷ lợi thuộc xã xã Yên Phương, huyện Yên Lạc. Cuối cùng là cầu Vân Xuân dài 43 m bắc qua sông Phan thuộc xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường. Ngoài ra, toàn tuyến sẽ có 11 nút giao đồng mức và 112 vị trí giao với các đường dân sinh hiện hữu.
Về tiến độ, dự kiến quý IV năm nay dự án sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi; giai đoạn quý I - quý II/2024 duyệt thiết kế bản vẽ thi công; quý I/2024 - quý IV/2024 triển khai giải phóng mặt bằng; quý III/2024 lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công; hoàn thành dự án vào năm 2028.
Tổng mức đầu tư của dự án là gần 1.844 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư chiếm hơn 361 tỷ đồng; chi phí xây dựng chiếm 1.107 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 315 tỷ đồng...
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc tầm nhìn đến năm 2030, mạng lưới giao thông tỉnh này được quy hoạch theo hệ thống liên hoàn giữa vùng lưu thông đối ngoại, đối nội và kết nối tròn theo các đường vành đai làm chủ đạo.
Trong đó, hệ thống đường vành đai 1, 2 và bán vành đai 3 là hệ thống liên kết vòng tròn giữa hệ thống giao thông đối ngoại và hệ thống giao thông hình nan quạt.
Đây là hệ thống giao thông chủ yếu để nối liền các khu công nghiệp, các cụm du lịch và dịch vụ của tỉnh, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn kết nối và phục vụ đắc lực cho hệ thống giao thông đối ngoại.
Ngoài ra Vĩnh Phúc sẽ có đường vành đai 4 và đường vành đai 5 có chức năng kết nối các trung tâm đô thị, công nghiệp và du lịch của tỉnh. Riêng với đường vành đai 4, tuyến này sẽ có tổng chiều dài 70,5 km, mặt cắt ngang tối thiểu 24 m (4 - 6 làn xe).
Điểm đầu vành đai 4 sẽ giao với quốc lộ 2 (KCN Bình Xuyên) đi theo đường Hương Canh - Yên Lạc, đường Yên Lạc - Bình Dường và đường trục trung tâm Vĩnh Tường đến quốc lộ 2. Tuyến tiếp tục đi lên phía bắc cắt qua sông Phó Đáy đến đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi trung tâm thị trấn Lập Thạch. Sau đó, tuyến đi theo ĐT.310, ĐT.310B đến vị trí đầu tuyến giao với QL2 tại KCN Bình Xuyên. Toàn tuyến sẽ xây dựng mới 27 km đoạn từ Bình Dương đến nút giao đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh.
Trong một báo cáo hồi tháng 3/2023, Vĩnh Phúc cho biết đường vành đai 4 còn khoảng hơn 20 km chưa được đầu tư xây dựng hoàn thiện.
Trong đó, đoạn quốc lộ 2C - đường trục trung tâm Vĩnh Tường đang được đầu tư; đoạn ĐT.305 - ĐT.306 đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi; đoạn ĐT.306 đến đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi thị trấn Lập Thạch đang nghiên cứu đầu tư; đoạn còn lại Quốc lộ 2 - ĐT.305 chưa được nghiên cứu đầu tư.
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 15:11 | 15/01/2025
Chủ đầu tư 07:00 | 11/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Dự án 19:00 | 05/01/2025
Dự án 07:00 | 03/01/2025
Quy hoạch 19:30 | 02/01/2025
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025