Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương... với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10,5 - 11 %/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%; phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2050 Vĩnh Phúc là thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, xanh, sạch đẹp...
Quy hoạch đưa ra phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch, phát triển mới 5 KCN để đến năm 2030 tỉnh có 24 KCN được quy hoạch.
Nhu cầu phát triển các KCN sau năm 2030 với quy mô 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 lên quy mô 10.000 ha, trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Phương án phát triển CCN, đến năm 2030, Vĩnh Phúc quy hoạch, phát triển mới 31 CCN, đưa tổng số CCN trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm; đến năm 2050 toàn tỉnh có 51 cụm.
Phương án phát triển các KCN đã quy hoạch, quy hoạch mới tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:
Đối với phương án phát triển khu thể dục thể thao, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình thể dục thể thao, khu luyện tập thể dục thể thao tại các huyện, thành phố; xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh dự kiến tại huyện Tam Dương; triển khai thu hút đầu tư các sân golf kết hợp vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng ở các địa bàn thuận lợi trên địa bàn tỉnh.
Phương án phát triển văn hoá, thể thao quy hoạch mới tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, đường bộ Quốc gia sẽ được thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, trong đó có cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 5 - vùng Thủ đô, quốc lộ 2, quốc lộ 2C, quốc lộ 2D,…
Với đường địa phương, các tuyến đường tỉnh được quy hoạch tối thiểu đạt cấp III, 30 tuyến đường tỉnh được quy hoạch mới, gồm: Đường tỉnh 301B, 303B, 303C, 303D, 303E, 304B, 304C, 304D, 304E, 305B, 305D, 306C, 306D, 307C, 307D, 308, 308B, 308C, 308D, 308E, 309C, 309D, 310D, 310E, 311B, 311C, đoạn đường quốc lộ 2 cũ, đường trục Bắc Nam (quốc lộ 2B), đường song song đường sắt tuyến phía Bắc, đường song song đường sắt tuyến phía Nam; đồng thời, các tuyến đường huyện được nâng cấp đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V.
Bên canh đó, tỉnh sẽ phát triển các bến xe khách, bãi đỗ xe tại các trung tâm huyện, thành phố, thị trấn, khu vực tập trung đông dân cư,…
Phương án phát triển các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và vành đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050:
Phương án phát triển hệ thống đường sắt - đường sắt quốc gia được thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có tuyến Hà Nội - Lào Cai và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Về đường sắt đô thị, tỉnh nghiên cứu xây dựng mới hai tuyến đường sắt đô thị của Vĩnh Phúc kết nối với các tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, cảng hàng không Nội Bài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có phát triển khu vực Tam Đảo.