Khách hàng căng băng rôn đòi lại tiền tại "dự án ma" mà bà Hiền, Hạnh lừa bán cho họ. (Ảnh: Mã Phong)
Ngày 23/11, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiếp tục mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến bà Trần Thị Hồng Hạnh (49 tuổi), Giám đốc và bà Trần Thị Mỹ Hiền (56 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land (Công ty Hoàng Kim Land).
Trước đó, ngày 21/11, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Hạnh để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tính đến nay đã có 46 người nộp đơn tố cáo bà Hạnh và bà Hiền lừa đảo chiếm đoạt hơn 81 tỉ đồng; bằng việc ra dự án đất nền không có thật trên địa bàn TP HCM, như: dự án khu dân cư đường số 7 (KCN Vĩnh Lộc B, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân); khu đất đường Hương Lộ 11, xã Tân Quý Tây, H.Bình Chánh; khu đất đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh.
Cơ quan CSĐT đã xác định, tại các khu đất nói trên, bà Trần Thị Mỹ Hiền đứng ra thỏa thuận mua đất với các hộ dân. Người dân sau khi nhận tiền cọc, kí giấy ủy quyền cho bà Hiền đi giao dịch ngân hàng, lo giấy tờ pháp lí, xin phát triển dự án… cho thửa đất đang cam kết mua. Tuy nhiên, thực tế ngay sau khi có được giấy ủy quyền của chủ đất, bà Hiền không thực hiện như cam kết mà đứng trên danh nghĩa pháp lí Công ty Hoàng Kim Land cùng với bà Hạnh vẽ dự án đất nền, rao bán và nhận tiền cọc của người dân dưới hình thức “góp vốn đầu tư” để chiếm đoạt.
Bà Hiền (cầm giấy) trong một lần bị khách hàng tìm đến công ty đòi lại tiền mua đất. (Ảnh: Đình Sơn)
Những khu đất mà Công ty Hoàng Kim Land vẽ “dự án ma” chưa phải thuộc chủ quyền của công ty này và thực tế vẫn là đất nông nghiệp, đất quy hoạch làm công viên, giao thông… Khi sự việc bại lộ, chủ đất đi đòi tiền còn bị Công ty Hoàng Kim Land cho người hành hung...
Điển hình tại “dự án khu dân cư đường số 7” (P.Bình Hưng Hòa B), dù Công ty Hoàng Kim Land rao bán đất nền, nhưng thực tế khu đất này của ông H.H.S, bà N.T.D, ông N.V.P.E. Công ty Hoàng Kim Land nhận chuyển nhượng từ các chủ đất, nhưng chỉ mới đưa trước một phần tiền và thủ tục chưa hoàn tất. Không những thế, Công ty Hoàng Kim Land còn bán một nền đất tại “dự án” này cho nhiều khách hàng. Cụ thể, tại lô 19 có đến 3 khách hàng cùng làm hợp đồng góp vốn. Mỗi khách hàng đã phải đóng đến 50% giá trị lô đất, trung bình từ 900 triệu đến 1,5 tỉ đồng.
Bà Hạnh (ngồi ghế) trong 1 lần bị khách hàng tìm đến công ty đòi lại tiền mua đất. (Ảnh: Mã Phong)
Ông H.H.S là người bán khu đất cho Công ty Hoàng Kim Land, khi nhận thấy bà Hiền và công ty này có dấu hiệu lừa đảo, đã gửi đơn lên tòa án. Ngoài ra, khi ông S. căng băng rôn tại khu đất của mình để tránh Công ty Hoàng Kim Land lừa bán thêm cho những khách hàng khác, thì bị bà Hiền gọi điện đe dọa; sau đó ông bị một nhóm côn đồ đến nhà tìm, tấn công, đánh gãy tay.
Theo thông tin từ UBND P.Bình Hưng Hòa B, khu đất được vẽ “dự án khu dân cư đường số 7” thuộc đất quy hoạch công viên cây xanh và đường dự phòng. Mới đây UBND phường đã cắm biển trước khu đất này để cảnh báo người dân. Cơ quan CSĐT cũng đang tiếp tục làm rõ 14 lô đất tại “dự án ma” này được bà Hiền, bà Hạnh bán chồng chéo cho nhiều người khác nhau.
Tại “dự án ma” ở cuối hẻm 131/6/1 Tây Lân, P.Tân Tạo (Q.Bình Tân), nhiều khách hàng cũng tố cáo Công ty Hoàng Kim Land và Công ty Angel Lina (do bà Phạm Thị Tuyết Nhung, 34 tuổi, ngụ Q.4 làm giám đốc; cũng đã bị bắt để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
Ngày 23/11, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết sau khi khởi tố, bắt tạm giam Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Angel Lina, Cơ quan CSĐT vẫn tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị can này và các cá nhân, tổ chức liên quan. Trước đó, bà Nhung và Công ty TNHH thương mại - dịch vụ đất vàng Hoàng Gia (trụ sở tại R4-83 Hưng Gia 1, P.Tân Phong, Q.7) cùng với một số người liên quan đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhiều người, bằng cách kí hợp đồng góp vốn, đặt cọc mua đất nền tại 9 dự án không có thật.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tiếp nhận trên 200 đơn tố cáo của người dân đối với Phạm Thị Tuyết Nhung, với số tiền chiếm đoạt hơn 285 tỉ đồng. Bà Nhung bước đầu cũng bị xác định là có "mối quan hệ" với bà Trần Thị Mỹ Hiền.
Theo các khách hàng mua đất nền tại “dự án” này, đa số họ đã đóng từ 50 - 90% giá trị lô đất. Tuy nhiên, đóng tiền xong mới phát hiện “dự án không có”. Khi khách hàng đi đòi lại tiền thì lãnh đạo 2 công ty này liên tục lẩn tránh, thậm chí khách đến công ty đòi tiền còn bị nhiều đối tượng xăm trổ “đón tiếp” và đe dọa.
Tại “dự án” đường Hương Lộ 11, xã Tân Quý Tây (H.Bình Chánh), rất nhiều khách hàng đã tố cáo Công ty Hoàng Kim Land lừa đảo khi bán đất nền “ma”. Như trường hợp ông T.H.L (ngụ P.19, Q.Bình Thạnh, TP HCM). Ông H.L và 5 người bạn đã bỏ tiền mua 6 nền đất tại “dự án” này, mỗi nền diện tích khoảng 80 m2, với giá hơn 1,1 tỉ đồng/nền. Đến nay nhóm của ông đã đóng 50% giá trị hợp đồng, nhưng Công ty Hoàng Kim Land vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa hoàn tất pháp lí, mặc dù theo hợp đồng đến tháng 12.2018 phải giao nền. Đáng nói, khu đất làm dự án vẫn đứng tên ông L.V.T và bà N.T.K.T (ngụ xã Tân Quý Tây); phía Công ty Hoàng Kim Land mới đặt cọc mua đất với ông T.
Một điểm rất đáng chú ý, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land đã bị bắt, nhưng thực tế chỉ là người đại diện, là người đi làm thuê cho Công ty Hoàng Kim Land. Chủ thật sự của Công ty Hoàng Kim Land là bà Trần Thị Mỹ Hiền, nhưng đến nay bà này vẫn chưa bị xử lí.
Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP HCM, thời gian qua nở rộ tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, nở rộ các "dự án ma" tại nhiều địa phương, trong đó số lượng nạn nhân và số tiền rất lớn.
Sở dĩ có tình trạng này do bất động sản liên tục tăng giá, nhiều nơi "sốt"; cùng với việc "người người làm bất động sản, nhà nhà làm bất động sản" khiến thị trường trở nên bát nháo.
Luật sư Phượng cho rằng để xảy ra các vụ án nghiêm trọng như vừa qua về lừa đảo bất động sản, không loại trừ ở một số nơi chính quyền cơ sở làm ngơ, bao che, thậm chí "bắt tay" cho doanh nghiệp tự tung tự tác phân lô, rao bán đất nền "ma".
Để chặn đứng vòi bạch tuộc "dự án ma", luật sư Phượng cho rằng các cơ quan chức năng địa phương khi phát hiện các "dự án ma", các công ty bất động sản có dấu hiệu lừa đảo cần chuyển hồ sơ qua cơ quan công an để điều tra, chứ không chỉ đưa ra các cảnh báo chung chung.