Hoạt động đa cấp tại Việt Nam rối ren, vì đâu nên nỗi?

Kinh doanh đa cấp là một hình thức làm giàu hợp pháp. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, những thủ đoạn lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp ẩn mình dưới nhiều vỏ bọc phức tạp.

Hiểu đúng về bán hàng đa cấp

Bán hàng đa cấp hay còn gọi bán hàng trực tiếp (direct selling), hiểu một cách đơn giản, đây là hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ. 

Theo Bộ Công Thương, về bản chất, bán hàng đa cấp (BHĐC) là một hình thức kinh doanh hợp pháp. Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ những năm 2000, cho đến nay cụm từ BHĐC gắn liền với các công ty kinh doanh kém chất lượng với giá cao, lừa đảo người tiêu dùng qua nhiều thủ đoạn tinh vi.

Các chiêu trò lừa đảo "núp bóng" bán hàng đa cấp về bản chất vẫn là lấy tiền của người sau trả cho người trước trong cùng một hệ thống (mô hình kim tự tháp). Sau khi huy động được lượng tiền lớn thì giải thể công ty để chiếm đoạt, hoặc tuyên bố vỡ nợ, trốn nợ.

Điều này khiến cho nhiều người có cái nhìn không thiện cảm về BHĐC. Một mặt, do sự nhẹ dạ cả tin, cùng với lòng tham nhất thời, một số cá nhân đã sập bẫy đa cấp, bị lừa đảo hàng chục, trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng. Mặt khác người tiêu dùng có tâm lí tránh né, cảnh giác với những người bán hàng đa cấp hay những mặt hàng được bán qua kênh đa cấp. Tâm lí trên gây ra nhiều khó khăn cho những công ty bán hàng đa cấp chân chính.

"Ông trùm" đứng sau công ty đa cấp lừa đảo iFan từng dạy người khác làm giàu, tiêu tiền. (Ảnh: Zing News).

"Ông trùm" đứng sau công ty đa cấp lừa đảo iFan từng dạy người khác làm giàu, tiêu tiền. (Ảnh: Zing News).

Bán hàng đa cấp tại Việt Nam rối ren

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tính tới ngày 5/8, cả nước hiện tại chỉ còn 21 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoạt động theo qui định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp ngày một thu hẹp lại do sự quản lí gắt gao của cơ quan chức năng. Đồng thời, Hiệp hội BHĐC Việt Nam đã và đang tăng cường cơ chế giám sát đối với các thành viên thông qua việc xây dựng Bộ Qui tắc Đạo đức dành cho các cá nhân và tổ chức bán hàng đa cấp tại Việt Nam.

Bộ Công Thương từng khẳng định, BHĐC chân chính là một mô hình bán hàng hiện đại. Nó có khả năng tạo việc làm và doanh thu ổn định cho người lao động, đóng góp tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Khác biệt cơ bản của BHĐC chân chính với các doanh nghiệp lừa đảo là công ty bán hàng đa cấp chân chính có bộ qui chuẩn đạo đức kinh doanh và được triển khai thực hiện, giám sát một cách công khai, minh bạch.

Thêm vào đó, các công ty BHĐC chân chính có chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán, chính sách hoa hồng rõ ràng, minh bạch, hàng hóa đảm bảo chất lượng theo qui chuẩn của Bộ Y tế Việt Nam và do đó doanh nghiệp không tìm cách bán được hàng bằng mọi giá.

Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group) cùng các đồng phạm bị xử phạt vì lừa đảo 736 tỉ đồng của 36.000 người. (Ảnh: Dân Trí).

Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group) cùng các đồng phạm bị xử phạt vì lừa đảo 736 tỉ đồng của 36.000 người. (Ảnh: Dân Trí).

Trong khi đó, các công ty đa cấp lừa đảo (hoạt động chủ yếu qua mô hình kim tự tháp) xây dựng mạng lưới và khai thác từ chính các thành viên. Họ thực hiện quảng bá vô tội vạ qua những chiêu trò tinh vi, thủ đoạn,.. khiến những người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết và dễ nảy lòng tham mắc lừa,... Tại Việt Nam những năm gần đây đã có hàng loạt "phi vụ" đa cấp lừa đảo gây xôn xao, từ lừa vạn người đến chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng.

Trước tình hình đó, Bộ Công an liên tục đưa ra cảnh báo yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động đa cấp; cân nhắc kĩ lưỡng trước khi tự mình quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.