Sập bẫy đa cấp: Nhẹ dạ cả tin hay lòng tham trỗi dậy?

Thủ đoạn đa cấp lừa đảo diễn ra ở một số địa phương và Bộ Công an cũng đã cảnh báo nhiều lần, nhưng các cá nhân vẫn thấy lợi trước mắt mà bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.
Sập bẫy đa cấp: Nhẹ dạ cả tin hay lòng tham trỗi dậy? (Ảnh: Zing News).

Sập bẫy đa cấp: Nhẹ dạ cả tin hay lòng tham trỗi dậy? (Ảnh: Zing News).

Hiện nay, tại Việt Nam, kinh doanh đa cấp đang bị biến tướng với những thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi. Một chiêu thức lừa đảo phổ biến là huy động vốn với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp lừa đảo ôm tiền tỉ của người dân rồi mất khả năng thanh toán khiến các nạn nhân trắng tay. 

Để tạo niềm tin, các đối tượng sẽ chi trả phần lãi trong vài tháng đầu tiên, cùng những lời "đường mật" như có thể rút vốn bất cứ lúc nào, chỉ cần báo trước mấy ngày. Thực chất, đây chỉ là lấy tiền của người sau trả cho người trước, với lãi suất cao nhằm thu hút nhiều người tham gia; sau khi huy động được lượng tiền lớn thì giải thể công ty để chiếm đoạt, hoặc tuyên bố vỡ nợ, trốn nợ.

Mặc dù thủ đoạn này diễn ra ở một số địa phương và Bộ Công an cũng đã cảnh báo nhiều lần, nhưng các cá nhân vẫn thấy lợi trước mắt mà bất chấp những rủi ro tiềm ẩn. 

Theo báo Người lao động, cuối tháng 3/2019, hàng chục người dân đã đến Công an tỉnh Đắk Lắk để tố cáo ông Đỗ Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dự án Hoàng Gia có hành vi kêu gọi người dân góp vốn rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Cụ thể, tập đoàn của ông Tâm đã rót vào tai người dân 10 gói đầu tư khác nhau, từ 12 triệu đồng đến 3 tỉ đồng, người nào đầu tư gói càng nhiều tiền được hưởng lãi suất càng lớn kèm theo những ưu đãi hấp dẫn. 

Hơn 10.000 người trên 24 tỉnh thành có hoạt động cho vay với tổng số tiền vào các tài khoản cá nhân ông Tâm và Công ty CP Tập đoàn Dự án Hoàng Gia khoảng 2.800 tỉ đồng. 

Một "Đại hội tôn vinh" của Tập đoàn Dự án Hoàng Gia tại Đắk Lắk. (Ảnh Trung Hiếu/Báo Người Lao động).

Một "Đại hội tôn vinh" của Tập đoàn Dự án Hoàng Gia tại Đắk Lắk. (Ảnh Trung Hiếu/Báo Người Lao động).

Kênh ANTV từng đưa tin về vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức huy động vốn với lãi suất lớn tại thôn Trung Hòa, xã Đliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Điệp mở tiệm cầm đồ, mua bán xe cũ trong nhiều năm. Từ năm 2017, vợ chồng bà Điệp đã vay nhiều tiền của người dân để làm ăn và đáo hạn ngân hàng. 

Thấy hai vợ chồng hiền lành và cho vay tiền với lãi suất cao lên đến 2,5% /tháng, nhiều người đã tin tưởng và cho vay để lấy lãi hàng tháng. Thậm chí nhiều người còn đi vay ngân hàng để hi vọng kiếm thêm. Nhưng lãi đâu chưa thấy, bản thân lại trở thành con nợ.

"Bà Điệp nói rằng nếu gia đình tôi gặp khó khăn quá thì nếu có nguồn vốn nào mang về đây bà Điệp cho vay giùm. Hai người cùng ăn chia, để có tiền trang trải trong cuộc sống cho đỡ vất vả. Sau đó, tôi cũng cố gắng tìm nguồn vốn và có hai lần cho chị Điệp vay,  tổng cộng 600 triệu đồng", bà Trần Thị Mừng, địa chỉ tại xã Đliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Tuy nhiên, sau khi chiếm đoạt số tài sản lên đến 10 tỉ đồng của người dân trong vùng, gia đình bà Điệp "mất tích" và tuyên bố phá sản.

Đa số người dân xã Đliê Ya thuộc diện khó khăn nhưng khi thấy vợ chồng bà Điệp vay tiền với lãi cao, nhiều gia đình chạy vạy vay tiền nơi khác để đưa cho bà Điệp nhằm kiếm thêm, người ít thì vài chục triệu, người nhiều thì vài trăm triệu. Đánh vào tâm lí hám lợi, kiếm tiền nhanh, cùng sự thiếu hiểu biết, nhiều người đã trở thành nạn nhân của "phi vụ" lừa đảo này.

Quay trở về với những gói lãi suất lớn, nếu thực sự chỉ cần bỏ ra vài triệu để nhận lại hàng trăm triệu như các mánh lới đa cấp đưa, có lẽ việc trở thành tỉ phú chưa bao giờ đơn giản đến vậy và các Ngân hàng cần xem xét lại việc đóng cửa khi lãi suất chỉ vài % mỗi năm.

Các đối tượng dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo đa cấp thường là học sinh, sinh viên và những người đã lớn tuổi, đặc biệt ở các vùng quê, do họ còn sự nhẹ dạ cả tin và sự phổ cập kiến thức về đa cấp còn hạn chế. Lợi dụng điểm này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đến các địa phương để "lộng hành" qua hình thức hội thảo. 

"Mẹ tôi cũng suýt "sa lầy" vào đường dây ca cấp, do họ nói quá thuyết phục", Trần Thanh Nhàn, thôn Văn Lâm, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho biết. Các buổi hội thảo được tổ chức thường xuyên kèm theo quà tặng khiến ai nấy đều hào hứng. Ở nhà, các bà, các mẹ ăn không dám ăn, tiền không dám tiêu. Nhưng chỉ cần đi hội thảo vài lần, họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng cho một món hàng không rõ nguồn gốc. Con cháu nói sao cũng không chịu nghe, khuyên ngăn cũng mặc kệ. Chỉ khi tiền mất không hoàn lại được họ mới nhận ra bản chất thật của các công ty đa cấp lừa đảo.

Một điểm đặc biệt, qua những lời "rót mật vào tai", đa cấp đánh trúng vào bản năng tiềm ẩn trong con người, đó là mong muốn vươn lên cao hơn người khác. Và đôi khi, chính sự hào nhoáng của tiền bạc, của sự phô trương thanh thế, cùng băng rôn khẩu hiệu, hàng trăm ô tô trao cho khách hàng tiềm năng,... đã thôi thúc họ nâng cao bản thân mình, và "dấn thân" vào con đường đa cấp.


chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...