Theo Nghị định của Chính phủ về quản lí hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, kinh doanh đa cấp là một loại hình làm giàu hợp pháp, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho xã hội.
Ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, mục đích của loại hình kinh doanh này là tiết kiệm thời gian để đưa sản phẩm tốt nhất từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên ở Việt Nam, qua nhiều vụ việc vi phạm kinh doanh đa cấp, có thể thấy chất lượng hàng hóa trong kinh doanh đa cấp không được chú trọng, giá trị sản phẩm bị nâng khống, không tương xứng với số tiền mà người mua bỏ ra.
Tại Việt Nam, loại hình kinh doanh này đang bị biến tướng. Những thủ đoạn lừa đảo qua hình thức kinh doanh đa cấp ẩn mình dưới nhiều vỏ bọc phức tạp.
Hình thức chia hoa hồng quen thuộc
"Hoa hồng" thực chất là tiền công mà doanh nghiệp trả cho các nhà phân phối đã giúp doanh nghiệp phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Khoản 2, điều 27, của Nghị định về quản lí hoạt động bán hàng đa cấp, qui định rõ khoản hoa hồng này không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp. Có nghĩa rằng, nếu hoa hồng trả quá cao đồng nghĩa hoa hồng của tuyến trên hoặc tuyến dưới phải giảm lại, hoặc là công ty đó lừa đảo.
Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và cũng dùng khoản này để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng.
Ví dụ khi bạn tham gia một công ty đa cấp A nào đó, bạn phải đóng một khoản phí 10 triệu đồng để được tham gia. Để có được thu nhập, bạn phải tuyển những người khác tham gia, và cũng đóng 10 triệu đồng. Trong đó bạn sẽ được hưởng 3 triệu, còn 7 triệu thuộc về công ty. Tương tự như vậy những người khác muốn có thu nhập cũng tuyển thật nhiều người tham gia.
Những doanh nghiệp như vậy sẽ không tồn tại được khi không tuyển thêm được người hoặc khi người được tuyển không mua hàng, vì họ không chú trọng bán hàng, không có nguồn doanh thu từ việc tiêu thụ hàng hóa.
Công ty hoạt động theo hình thức phổ biến này đã từng bị xử phạt là "Trùm đa cấp" Thiên Ngọc Minh Uy. Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2014-2015, tổng doanh thu ghi nhận của doanh nghiệp là 3.593 tỉ đồng, với 87% là tiền thu trực tiếp từ người tham gia. Trong khi đó, giá vốn nhập hàng hóa vào chưa đến 1.000 tỉ đồng.
Trong hai năm 2014-2015, số tiền hoa hồng của Thiên Ngọc Minh Uy đã chi lên tới gần 40% số thu từ người tham gia, tương ứng 1.586 tỉ đồng. Con số này cũng cao hơn gần 60% so với tổng giá vốn hàng hóa đã bán cho các thành viên của hệ thống.
Nếu trừ giá vốn hàng bán và chi phí hoa hồng, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn còn lãi gần 1.000 tỉ đồng trong năm 2014-2015, trong khi vốn điều lệ chỉ ở mức 20 tỉ đồng.
Đầu tháng 9/2020, Bộ Công an cũng đã có kết luận với ông chủ tiền ảo Vncoins Nguyễn Hữu Tiến khi ông này huy động 500 tỉ đồng trong 3 năm, chiếm đoạt 40 tỉ đồng. Từ tháng 12/2015 đến tháng 7/2018, ông Tiến cùng đồng sự đã thành lập công ty, đồng thời lừa dối, lôi kéo nhà đầu tư với hứa hẹn lãi suất cao, hoa hồng hấp dẫn theo hình thức đa cấp.
Ban đầu công ty trích một phần số tiền mà các nhà đầu tư sau nộp để trả lãi cho các nhà đầu tư trước. Sau đó, công ty không thanh toán tiền lãi và hoa hồng, mà chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Gói dịch vụ và lời cam kết cùng hưởng doanh số bán hàng
Theo Enternews, khác với những hình thức chia % hoa hồng rất lớn cho các nhà phân phối, thì một số công ty đã tung ra chiêu thức mới bằng cách dụ dỗ “đối tác” mua các gói dịch vụ. Người tham gia nhận được cam kết cùng hưởng phần trăm doanh số bán hàng trên toàn quốc.
Họ sẽ phải lựa chọn các gói dịch vụ từ vài triệu đến vài trăm triệu, nhưng đến lúc được chia lợi nhuận chỉ tính bằng từ 2-3% số tiền vốn mà họ góp, 98% lợi nhuận còn lại sẽ vào túi “nhà đầu tư”. Đây là một chiêu “giăng bẫy” rất tinh vi mà những người nhẹ dạ cả tin rất dễ mắc phải.
Với hình thức này, Tập đoàn đa cấp Thăng Long (Thăng Long Group), đã lừa đảo 736 tỉ đồng của 36.000 người.
Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cùng nhiều người tự xưng là giám đốc những mảng khác nhau như công nghệ thông tin, truyền thông, kinh doanh, mở các chương trình bán hàng (gồm sản phẩm làm đẹp da, thực phẩm chức năng giải rượu, giải độc gan...) nhằm “tri ân” người mua. Ví dụ khách hàng mua gói trị giá 31 triệu đồng sẽ được nhận 146 triệu đồng, mua gói 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng...
Ngày 4/8, Lê Văn Quang bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh, Phạm Ngọc Tuân (cựu giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long) bị phạt 19 năm tù. Các bị cáo còn lại bị phạt 9 - 19 năm tù về tội danh truy tố.
Giả mạo giấy tờ kinh doanh để lừa đảo
Nhiều doanh nghiệp đã bị khởi tố vì làm giả giấy tờ để kinh doanh đa cấp. Ví dụ như giấy chứng nhận những sản phẩm được sản xuất từ Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, hay những đơn vị có uy tín để lừa đảo người dân tham gia mua hàng.
Theo Tạp chí Tài chính, năm 2019, Lê Xuân Giang cùng các đồng phạm thuộc Công ty Liên Kết Việt đã bị truy tố vì lừa đảo tới 68.000 người. Theo cáo trạng, Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (viết tắt là Công ty Bộ Quốc phòng) và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động.
Lợi dụng việc công ty được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do công ty Bộ Quốc phòng sản xuất, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Giang cùng đồng phạm cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại nhằm mục đích lừa đảo.
Cụ thể, các bị can đã giới thiệu Liên kết Việt là công ty con của Bộ Quốc phòng, Công ty Bộ Quốc phòng là công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng, là công ty của Bộ Quốc phòng.
Lê Xuân Giang và các đồng phạm tự xưng là cán bộ của Bộ Quốc phòng; các sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng. Thậm chí ông Giang còn đặt làm giả bằng khen của Thủ tướng và UBND TP HCM tặng cho công ty và các lãnh đạo của công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Khi đã lấy được lòng tin của nhiều người, các bị cáo lôi kéo nạn nhân bỏ tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của Liên kết Việt.
Với các chiêu trò được tung ra, đến tháng 11/2015, Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp; với số tiền lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.121 tỉ đồng.
Chiêu lừa đảo đa cấp tinh vi thời 4.0
Nhờ những nền tảng 4.0 hiện đại cùng cam kết lợi nhuận khủng, các dự án đa cấp tinh vi này hút được nhiều người tham gia.
Theo thông tin từ Zing, điển hình là câu chuyện của các sàn giao dịch ngoại hối (forex) vốn biến động nhanh và có tỉ lệ đòn bẩy rất cao, thậm chí người chơi chỉ có 100 USD nhưng có thể giao dịch lên tới 10.000 đô la, tương ứng tỉ lệ 1:100, cũng có những sàn cho phép tỉ lệ lên tới 1:500. Tất nhiên mặt trái là khả năng “cháy” tài khoản rất nhanh và rất lớn.
Trong các hội nhóm liên quan đến đầu tư Forex, các nhân viên môi giới hoạt động công khai với những hứa hẹn hấp dẫn từ lợi nhuận, giao dịch đơn giản, nạp - rút tiền nhanh chóng đến phí spread (chênh lệch giữa giá mua và giá bán) thấp, cộng thêm các công nghệ thời thượng như trí tuệ nhân tạo, giao dịch tự động, quyền chọn nhị phân,… khiến người tham gia một cách nhanh chóng mà không tìm hiểu sâu hơn.
Năm 2014, lực lượng công an bắt chủ sàn vàng VGX đã thực hiện kinh doanh sàn vàng từ nhiều năm nay với cách thức hoạt động, giao dịch khép kín, với tổng số nạn nhân là 1.240 người. Tương tự, một số sàn vàng như Công ty Khải Thái sập năm 2014 lừa 280 tỉ đồng của 717 nạn nhân sau khi huy động ủy thác đầu tư Forex tại Hà Nội; Công ty BBG sập năm 2015 lừa gần 400 tỉ đồng của hơn 783 người...
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu thông tin đến Zing, đây là các sàn giao dịch bất hợp pháp vì theo qui định về ngoại hối của Việt Nam, chỉ những công ty được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép mới được giao dịch ngoại hối. "Tuy không kinh doanh ngoại hối trực tiếp, việc lập lên một sàn và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia như vậy cũng là phạm pháp", ông nhấn mạnh.
Vì vậy, dấu hiệu nhận biết là các sàn giao dịch lừa đảo thường cam kết lợi nhuận rất cao. Bởi với những người từng tham gia thị trường ngoại hối chính thống đều hiểu rằng đây là một thị trường rất rủi ro, tỉ giá thường lên xuống thất thường. Vì vậy, chuyện cam kết mức lợi nhuận hấp dẫn là một điều bất thường, cần cảnh giác.
Bên cạnh đó, tận dụng công nghệ 4.0, nhiều ứng dụng của các công ty được phát hành "núp bóng" đa cấp lừa đảo. Gần đây, Bộ Công an đã phát đi thông báo cảnh báo lừa đảo của ứng dụng MyAladdinz.
Cụ thể, hệ thống cung cấp một nền tảng cho phép các chủ gian hàng (người bán) và khách hàng (người mua) kết nối với nhau, để đổi lấy các sản phẩm và dịch vụ bằng hệ thống đồng Gem (viên Ngọc) và điểm thưởng (Point). Đồng Gem và điểm thưởng trên hệ thống App này, chủ yếu được sử dụng để mua các sản phẩm và dịch vụ từ các thương nhân trên hệ thống.
Ngoài ra, MyAladdinz còn kêu gọi người tham gia giới thiệu người khác tham gia vào hệ thống để được hưởng hoa hồng và chia mức thưởng theo tỉ lệ % cùng cấp bậc, tối đa có 15 cấp bậc.
Qua công tác nắm tình hình, Bộ Công an xác định phần mềm MyAladdinz (hay còn gọi là App MyAladdinz) hoạt động mang nhiều dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet, chưa được Bộ Công thương cấp phép. Bộ Công an khuyến cáo, hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào.
Kinh doanh đa cấp ngày càng có những chiêu trò tinh vi nhằm lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng và chiếm đoạt tài sản. Thông tin từ Bộ Công an, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai đấu tranh, xử lí quyết liệt các đối tượng kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Các tổ chức, cá nhân cần nhận thức rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, sẽ bị xử lí nghiêm theo qui định. Bộ cũng yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động tương tự; cân nhắc kĩ lưỡng trước khi tự mình quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản.