Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ lên quận trước 2025, Củ Chi, Cần Giờ trước 2030?

Theo kế hoạch, ba huyện ngoại thành gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) trước năm 2025; huyện Củ Chi và Cần Giờ thành quận trong giai đoạn 2025 - 2030.
Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ lên quận trước 2025, Củ Chi, Cần Giờ trước 2030? - Ảnh 1.

Huyện Nhà Bè sắp lên quận. (Ảnh: Thanh niên).

Theo Pháp luật TP HCM, Sở Nội vụ TP vừa có tờ trình gửi UBND TP về Kế hoạch chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh sẽ được chuyển thành quận hoặc thành lập thành phố thuộc TP HCM. Các huyện Củ Chi, Cần Giờ sẽ được chuyển thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM trong giai đoạn 2025 - 2030.

Qua đánh giá sơ bộ, huyện Hóc Môn đạt đủ các tiêu chí để lên quận; Bình Chánh đạt 26/30, Nhà Bè đạt 23/30, Củ Chi đạt 23/30. Riêng huyện Cần Giờ đạt 19/30, chưa đạt 50% dân số theo quy định.

Cụ thể, huyện Hóc Môn có diện tích hơn 109 km2, dân số 462.824 người; đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 21/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Huyện Bình Chánh có diện tích hơn 252 km2, dân số 711,262 người, đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Huyện Nhà Bè có diện tích là hơn 100 km2, dân số 207.766 người, đạt 5/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Huyện Củ Chi có diện tích hơn 434 km2, dân số 468.269 người, đạt 4/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 16/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Huyện Cần Giờ có diện tích hơn 704 km2, dân số 73.278 người, đạt 3/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 15/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè có vị trí cửa ngõ của TP HCM để kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ.

Theo Sở Nội vụ, trong những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc, đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.

Để đạt được mục tiêu chuyển 5 huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM theo lộ trình đề xuất, Sở Nội vụ đưa ra nhiều nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể. Theo đó, trong quý III/2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương để tham mưu UBND TP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Trong quý I/2022, Sở KH&ĐT phối hợp các đơn vị tham mưu UBND TP chương trình, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đối với 5 huyện giai đoạn 2021 - 2030.

Trong quý II/2023, UBND các quận, huyện, xã, thị trấn cần hoàn thiện đề án phân loại đô thị với xã, thị trấn, huyện đề trình UBND TP phê duyệt.

Trong năm 2023, các sở, ngành chủ động phối hợp với các huyện rà soát, đánh giá tiêu chuẩn của các tiêu chí thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

Trong quý III/2023, Sở Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp các địa phương hoàn thiện đề án thành lập đơn vị hành chính cấp quận, phường hoặc thành phố thuộc TP HCM tại 5 huyện; tham mưu, trình UBND TP HCM trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn kinh phí thực hiện đề án sẽ từ ngân sách địa phương.


chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.