Đề thi học kỳ I môn Văn của Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) vừa qua. |
Sự kiện về cải tiến tiếng Việt cũng có trong đề thi học kỳ 1 của hàng loạt trường phổ thông.
Đề thi của Trường THPT Nguyễn Du dành hẳn một trang giấy để trích lại bài phỏng vấn ông Lương Hoài Nam với tựa đề “Nếu đủ sức thuyết phục, Tiếng Việt viết thành Tiếq Việt cũng có sao?” (đăng trên Thanh Niên Online ngày 25.11) trước đó. Chủ yếu đề thi trích những câu phỏng vấn xoay quanh việc chỉ trích, “ném đá” của cộng đồng mạng và câu trả lời nói về cách ứng xử, tranh luận có văn hóa trước những điều khác biệt, mới mẻ.
Theo đó, những yêu cầu đưa ra cho học sinh hết sức lý thú. Đề thi hỏi “vì sao cần khuyến khích xã hội tranh luận? Tranh luận, phản biện cần dựa trên tinh thần gì?”, “Anh/chị hiểu như thế nào là tranh luận có văn hóa và chung sống với sự khác biệt quan điểm?”. Ngoài ra, đề thi nêu vấn đề là việc cải tiến Tiếng Việt này có người đồng tình cũng có người phản đối và đề nghị học sinh viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của mình.
Trong những ngày gần đây, nhiều trường THPT cũng đã ra đề thi học kỳ 1 môn văn cho lớp 12 dựa trên sự kiện cải tiến tiếng Việt. Đề thi của Trường THPT Chợ Gạo (Tiền Giang) đề nghị học sinh viết đoạn văn ngắn 200 chữ để nói về cách thay đổi chữ viết này. Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cũng yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về đề xuất này sau khi đưa ra đoạn văn “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ngày 13.12, Trường THPT chuyên Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cũng đưa ra một đề thi hoàn toàn nói về sự kiện cải tiến tiếng Việt, đề cập đến chuyện “ném đá” khoa học, thái độ cần có trước cái mới, cái khác biệt. Phần 1 của đề thi trích một đoạn văn của tiến sĩ giáo dục Trần Thị Tuyết, yêu cầu học sinh nhận định và có ý kiến tại sao có thể nói: “…những con người không chấp nhận lối mòn, luôn loay hoay đổi mới, sáng tạo. Họ sẽ là động lực phát triển cho cả cộng đồng”?. Phần làm văn (7 điểm) đề nghị học sinh viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về thái độ cần có trước cái mới, cái khác biệt từ quan điểm “Ai cũng có quyền đưa ra ý kiến của mình. Ai cũng có quyền tham gia tranh luận bằng học thuật, miễn là bằng một thái độ có văn hóa, bằng những luận điểm rõ ràng và hơn hết, bằng tinh thần tôn trọng cái mới, cái khác biệt”.
Đề thi nói về văn hóa tranh luận của Trường THPT chuyên Tuyên Quang ngày 13.12 vừa qua. |
Trao đổi về đề thi môn văn ngày 11.12 vừa qua, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết khi các giáo viên đưa đề thi này, bà đã đồng ý ngay lập tức. Lý do là bà đã đọc bài viết trên báo trước đó và cũng suy nghĩ rất nhiều về văn hóa tranh luận, phản biện trước sự kiện này. Ngoài ra, từ năm ngoái, trường chủ trương tất cả bài dạy, đề kiểm tra các môn học cố gắng tích hợp những vấn đề thời sự, không xa rời cuộc sống, đặc biệt là các môn văn, sử, địa. Các thầy cô được yêu cầu cần tận dụng tối đa câu hỏi có thể đưa kiến thức đời sống vào đề thi. Vấn đề này được học sinh bàn tán rất nhiều và đưa vào đề thi cho các em bày tỏ quan điểm cũng là hợp lý.
“Ngoài việc vận dụng thực tiễn vào môn học, chúng tôi cũng thường dặn dò học sinh về cách ứng xử trên mạng xã hội. Đã xảy ra nhiều trường hợp học sinh cãi nhau trên mạng, dẫn đến xích mích, đánh nhau, vì vậy cần định hướng học sinh sử dụng Facebook một cách thông minh. Có nhiều cách giáo dục học sinh, ra đề thi để định hướng các em cũng là một cách. Thầy cô lên lớp cũng hướng dẫn học sinh đừng làm anh hùng bàn phím nói theo. Khi chưa đủ nhận thức, đánh giá vấn đề. Điều quan trọng nhất chúng tôi muốn làm là hướng dẫn cho các em có kỹ năng phản biện, tiếp nhận, tranh luận thông minh, đúng đắn nhất. Trường phổ thông phải là nơi hướng dẫn cho học sinh kỹ năng này” – bà Lan Hương cho biết.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cũng cho biết nhiều năm trở lại đây chủ trương của trường là ra đề theo hướng mở, giúp người thầy cập nhật kiến thức thời sự, thổi hơi thở cuộc sống vào việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh. Điều này cũng làm người học cảm thấy hứng thú.
Trước đó, ông Lương Hoài Nam, nhân vật được phỏng vấn trong bài viết đưa vào đề thi của Trường THPT Nguyễn Du, cũng cho rằng việc đề xuất cải tiến Tiếng Việt bị chỉ trích, “ném đá” dữ dội có thể là hậu quả của một nền giáo dục thiếu tự do học thuật, thiếu phản biện, chỉ học theo sách giáo khoa và ý của thầy cô. Ở nhiều nước, học sinh được khuyến khích phản biện, tranh luận với nhau và với thầy cô. Học sinh cũng được giáo dục, trang bị các kỹ năng để tranh luận có văn hóa và chung sống với sự khác biệt quan điểm. Văn hóa tranh luận trong xã hội ta vẫn còn kém.
Trước hàng loạt đề thi môn văn nói về đề xuất cải tiến tiếng Việt, PGS.TS Bùi Hiền cho rằng học sinh chưa nắm rõ được bộ chuyển đổi như thế nào mà bắt các em phân tích mổ xẻ, cảm nhận là đánh đố, hầu hết sẽ phủ định.
Tuy nhiên, cách ra đề này đã là sự mạnh dạn thay đổi của các trường phổ thông công lập, nơi vẫn bị đánh giá còn khô cứng trong giảng dạy. Với những đề thi kiểu này, các trường phần nào đã tiệm cận tới cách giáo dục mới: khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm, định hướng học sinh về cách tranh luận, phản biện có văn hóa trước cái mới, điều khác biệt.
Bất ngờ: Đề xuất cải tiến 'tiếng Việt thành Tiếq Việt' vào đề kiểm tra Ngữ văn lớp 12
Đề xuất mới đây của PGS Bùi Hiền về cải tiến chữ viết tiếng Việt đã được đưa vào đề kiểm tra học kỳ I ... |