Trước việc ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn cho học sinh khi đến trường, phóng viên đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục để tìm ra căn nguyên của vấn đề cũng như đề ra các nhóm giải pháp cụ thể.
Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Việt Hưng/Dân trí). |
ĐB Lê Như Tiến: Trách nhiệm người đứng đầu đến đâu?
Trao đổi với phóng viên, Đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XIII cho hay, thời gian qua có một số trường học, cơ sở giáo dục có các hành vi, biểu hiện mang tính phi giáo dục và không phù hợp trong nhà trường.
“Không chỉ là câu chuyện ở Hà Nội như cô hiệu trưởng, hiệu phó gian dối ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên; học sinh lớp 12 bị bỏng trong giờ thực hành ở Trường THPT Phan Đình Phùng; cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ ở cơ sở mầm non Sen Vàng. Hay chuyện cô giáo ở cơ sở mầm non Apollo ở TP Hồ Chí Minh có hành vi bế dốc ngược trẻ dọa ném ra ngoài cửa sổ… Tất cả cho thấy một bức tranh tổng thể về giáo dục, nhất ở cấp phổ thông - mầm non đang có vấn đề và đáng báo động”, ĐB Lê Như Tiến nhận định.
Hà Nội chính thức yêu cầu đình chỉ Hiệu trưởng, Hiệu phó vụ 'học sinh gãy chân'
Chiều 20/2, UBND TP Hà Nội đã ra thông báo kết luận đối với Hiệu trưởng, Hiệu phó trong vụ việc học sinh gãy chân ... |
Cũng theo ông Tiến, với bất cứ ông bố bà mẹ nào khi gửi gắm con em mình cho nhà trường đều mong muốn một môi trường thực sự an toàn. Tuy nhiên, những nguy cơ về mất an toàn như bạo lực học đường (trò đánh trò, thầy/cô đánh trò, trò đánh thầy) vẫn diễn ra ở đâu đó. Các câu khẩu hiệu trong giáo dục nhằm đề cao vai trò của trẻ em/ học sinh cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ.
Đồng thời, vị Nguyên ĐBQH khóa XIII cũng phân tích: “Ở đây cần phải nhìn nhận vấn đề ở cấp độ toàn quốc chứ không riêng gì Hà Nội. Việc quán triệt sâu sắc về giáo dục trẻ em tới các giáo viên chúng ta làm chưa thực sự tốt nên mới để xảy ra các sự vụ như trên. Lúc này, người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục đó, địa phương đó phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Vĩ mô hơn chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đến Giám đốc Sở GD&ĐT ở các tỉnh, hiệu trưởng hoặc chủ cơ sở giáo dục ở từng địa phương. Các vị đã thực sự phát huy hết vai trò tự chủ và trách nhiệm quản lý của mình hay chưa?”.
Ngoài ra, ông Tiến cũng kiến nghị việc để cho các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… ở các địa phương tham gia giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục để phòng tránh các nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi đến trường.
TS. Nguyễn Tùng Lâm: An toàn cho học sinh phải được đặt hàng đầu
Còn theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: “Những sự vụ liên quan đến bạo lực học đường, tai nạn thương tích trong trường học mà báo chí nêu đều là những sự cố đau lòng. Điều này phản ánh một thực trạng vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa thực sự trung thực, đạo đức nghề nghiệp còn bị coi nhẹ và chưa đủ tình thương với con trẻ.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội (Ảnh: Đình Tuệ). |
Dù ở cấp học nào thì vấn đề an toàn học đường đều được đặt lên hàng đầu. Ngoài an toàn về cháy nổ, phòng chống tai nạn thương tích, chống bạo hành trẻ em thì các nhà trường nên xây dựng cho mình văn hóa của mình. Khẩu hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được phát động từ lâu nhưng chúng ta đã làm được tới đâu? Nguyên tắc ứng xử trong nhà trường giữa thầy – trò đã tốt chưa. Nếu chưa thì cần phải nghiêm túc xem xét lại”.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, việc chọn lọc và đào tạo cho các cán bộ quản lý, giáo viên đã chú ý tới yếu tố phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề hay chưa? Ngoài chuyên môn giảng dạy, thầy cô càng cần phải có tâm có đức trong nghề sư phạm, đủ tình thương yêu trẻ để không vi phạm nội quy nhà trường hay có các hành vi thiếu trung thực.
“Đặc biệt, công tác quản lý trong nhà trường cũng giữ vai trò quyết định. Nếu hiệu trưởng không gương mẫu thực hiện tốt vai trò của mình thì làm sao dạy được trẻ tính thật thà. Thế cho nên, công tác ngăn chặn, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, thiếu an toàn đối với trẻ phải được thực hiện mạnh mẽ hơn.
Nếu không may xảy ra sự việc, cần phải xử lý thật nghiêm minh và truy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đó. Sự việc vừa qua tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên là một ví dụ cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo TP Hà Nội. Qua đây hy vọng các trường sẽ thắt chặt quy định về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ khi đến trường”, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết thêm.
Phụ huynh bé bị bạo hành ở Mầm non Sen Vàng vẫn chưa hết sốc
Chị Nguyễn Thị Hoài Sương, mẹ cháu bé bị bạo hành ở trường mầm non Sen Vàng cho biết, chị vô cùng sốc và bàng ... |