Học sinh thiếu kỹ năng sống vì cha mẹ

Bao bọc con mọi thứ, dọn sẵn đường cho con đi, làm thay con những việc lẽ ra nằm trong khả năng của trẻ, chính cha mẹ đang góp phần đào tạo con mình thành những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống, ỷ lại vào người khác.

Đừng chỉ dọn đường cho con

Việc một cô gái trẻ trả lời sai câu hỏi trong chương trình triệu phú: “người ta thường nấu canh cua với rau gì?” gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội vừa qua. Giữa rất nhiều ý kiến khác nhau, không ít người cho rằng sự “ngố tàu” của cô gái là kết quả của cách giáo dục con từ cha mẹ hiện nay, góp phần đào tạo ra không ít “gà công nghiệp”.

hoc sinh thieu ky nang song vi cha me
Tâm lý chung cha mẹ thường sẵn sàng chịu vất vả để con mình được hưởng những điều tốt đẹp nhất.

Không bàn sâu đến vấn đề cô gái trẻ tham gia chương trình lớn, chỉ nhân đây nói đến cách giáo dục con của nhiều cha mẹ thời hiện đại. Đời sống nâng cao, cha mẹ có điều kiện hơn trong việc chăm sóc con cái, không ít người mang nặng tâm lý “đời mình khổ, làm sao cho con bớt khổ”. Nhiệm vụ của con cái chỉ là việc học, những buổi học thêm ngoại khóa kín lịch được cha mẹ sắp xếp khiến trẻ “đến ăn còn không kịp thì còn kêu con làm được việc gì”, một phụ huynh giải thích. Như một vòng xoáy, trẻ quay cuồng cùng các lớp học, không gian giới hạn giữa những bức tường khiến kinh nghiệm sống cùng những trải nghiệm thiên nhiên ngày thêm ít ỏi.

Mặt khác, cha mẹ luôn thích dọn đường cho con bởi chẳng ai mong muốn đường đi của con mình gập ghềnh, trắc trở. Khi con còn nhỏ, tâm lý sợ con ngã đau, sợ con nguy hiểm làm cha mẹ trở thành tường bao vững chắc cho con. Khi lớn lên, sự kiểm soát bên cạnh không còn nhiều nữa, trẻ sẽ rất khó khăn khi một mình đối diện giải quyết các vấn đề. Không ít trường hợp đầu tư cho con đi du học chẳng thu lại thành công vì con rời vòng tay cha mẹ, không tự chủ được cuộc sống của mình - đành quay về bỏ dở giữa chừng.

Chuyên gia nghiên cứu về trẻ em Lê Thị Phương Nga, tác giả cuốn sách "Đưa con trở lại thiên đường", trong một buổi chia sẻ cùng phụ huynh nhận định: “Các bé thiếu tính tự lập hoàn toàn do cách giáo dục ở gia đình. Điều này là ‘di chứng’ của một thời thiếu thốn, phát sinh tâm lý cực đoan: “Đời tôi đói khổ quá nhiều rồi nên quyết không để cho con bị khổ như mình ngày xưa nữa”. “Không khổ” của họ có nghĩa là con không bao giờ phải động tay vào bất cứ việc gì, thậm chí là những việc tự phục vụ bản thân bé. Chính tâm lý này của cha mẹ góp phần đào tạo nên không ít học sinh ỷ lại, dựa dẫm, thiếu kỹ năng sống trầm trọng hiện nay.

Trang bị kỹ năng từ nhỏ

Đừng nghĩ rằng con còn quá nhỏ, chưa biết gì về tự lập. Các chuyên gia cho biết ngay khi trẻ 1 – 2 tuổi, cha mẹ đã có thể dạy con từ những bài học nhỏ. Diễn giả Thu Hà - tác giả nổi tiếng mạng xã hội với những bài viết về nuôi dạy con, trong một buổi nói chuyện cùng phụ huynh về vấn đề tự lập cho con đã chia sẻ: “Hãy trao quyền cho con. Trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể cho con quyền: tự bốc ăn, quyền lựa đồ chơi, quyền tự chọn quần áo, mặc quần áo... Những việc làm có thể vụng về nhưng hãy cho con quyền được làm và được sai. Sau mỗi lần sai, con sẽ trưởng thành và biết thế nào là đúng”.

hoc sinh thieu ky nang song vi cha me
Ngay khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể rèn cho con tính tự lập thông qua việc trao quyền cho trẻ.

Cũng theo chị Thu Hà, ở từng độ tuổi cha mẹ có thể rèn cho con những kỹ năng sống, tính tự lập. Khi trẻ còn nhỏ, hãy để trẻ tự phục vụ mình. Với trẻ lớn hơn, tự lập thể hiện ở việc con nhận biết được sở trường, sở đoản của mình, đưa ra quyết định cọn ngành nghề và tự lập được về cảm xúc.

“Trẻ tự lập về cảm xúc là trẻ biết cách ứng xử như thế nào khi mình buồn, mình tức giận. Có 3 nguyên tắc, cha mẹ có thể dạy con cách thể hiện cảm xúc của mình: không để những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến con, không để cảm xúc của con ảnh hưởng đến người khác và sau cùng, dù buồn, tức giận, con cũng không được hủy hoại đồ vật”, chị Thu Hà chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Viện nghiên cứu và phát triển giáo dục IRED) cũng chia sẻ sự khác biệt về giáo dục trong gia đình giữa phụ huynh Pháp và Việt Nam trong cuốn sách mới đây nhất của mình "So sánh giáo dục gia đình giữa phụ huynh Pháp & Việt Nam". Điều đầu tiên trong các gia đình Việt là đào tạo những đứa con vâng lời, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, với các gia đình Pháp, điều quan trọng nhất trong giáo dục con ở các gia đình lại là đề cao sự tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt của người khác. Người Pháp cũng rất quan tâm chuyện dạy con tự chủ tự lập. Giáo dục trong nhà trường và gia đình ở người Pháp cũng ít khác biệt hơn ở Việt Nam.

Chính vì vậy, phụ huynh yêu thương con nhưng nhiều người không biết thể hiện yêu thương mình cho đúng cách. Trang bị cho con những hành trang vững vàng để trẻ tự chủ được trong cuộc sống của mình, tự lập trong cảm xúc, ra quyết định, không dựa dẫm vào người khác – đó chính là điều quý giá mà cha mẹ đầu tư cho con thực sự mang lại hiệu quả.

Đừng chỉ đổ lỗi cho nhà trường, chính cha mẹ giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra những đứa trẻ thiếu hụt kỹ năng sống. Nói như GS. Glenn Doman, người nổi tiếng bởi phương pháp giáo dục sớm cho trẻ được nhiều bà mẹ yêu thích : “nếu bạn không chịu tốn nửa phút, nửa tiếng, nửa ngày, nửa tuần, thậm chí nửa tháng để dạy con một điều gì đó, thì bạn sẽ phải chịu mất nửa đời để hầu một đứa con chỉ biết ăn bám”.

chọn
Có hay không tình trạng đẩy giá chung cư?
Dưới góc nhìn của VARS, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, những chủ thể có sản phẩm sẽ có lợi thế trong việc đưa ra giá bán. Việc người bán đẩy giá khi chung cư hay bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi, song khó có thể xác định và xử lý đầu cơ, thổi giá chung cư.