“Nó ngoan lắm. Phong trào gì của lớp cũng dẫn đầu. Học thì rất khá”- Chị Tr nhớ lại. Tuy nhiên, học kì I, học lực của em đột ngột sa sút. Trước đó, Thành không có bất cứ dấu hiệu trầm cảm hay lo sợ nào. Em vẫn vui vẻ, đùa nghịch trong nhà.
Sáng 26/2, Thành có tiết học thêm tại nhà cô chủ nhiệm là Trần Thị Từ Vân. Mọi lần chị vẫn đưa đón con đến lớp nhưng sáng hôm đó, Thành xin tự đến lớp một mình. Trước khi đi, Thành xin mẹ 20.000 đồng ăn sáng. Đến trưa, một người trông thấy Thành không đi theo đường đến lớp mà đi bộ men ra bờ sông. Thành vừa đi vừa khóc.
Theo lời hàng xóm kể, mắt em đục ngầu, đi cúi đầu, mặt lầm lì, ai hỏi gì cũng không nói. Bạn bè gặp, gọi tên, Thành cũng không thưa. Chị Tr hộc tốc quay xe ra sông tìm con nhưng không thấy nên đã trình báo cho Công an phường Đạo Long.
Ngày 28/3, một hàng xóm bất ngờ tìm thấy thi thể em Vũ Huỳnh Ngọc Thành nổi ven sông Dinh.
Ngày em mất, gia đình chị Tr tìm thấy bức thư tay ghi lời từ biệt bố mẹ cùng dòng chữ “Hận 4 bạn…” . Theo chị Trần Thị Từ Vân, đó là 3 bạn khác lớp, 1 bạn cùng lớp nhưng có xích mích gì với Thành hay không thì chị không rõ.
“Nó không nói gì với gia đình việc có bị bắt nạt hay không. Nó về nhà vẫn cười đùa bình thường”- Chị Tr vẫn thất thần khi nghĩ đến cái chết của con mà chính chị cũng không đoán trước được.
“Lớp học của Thành rất ngoan. Hạnh kiểm các em được tốt và không có trường hợp cá biệt. Sự ra đi của Thành khiến cả trường đều bàng hoàng và đau lòng”- thầy Phan Tấn Phương- Hiệu trưởng trường THCS Trần Thi- nơi em Thành học ngậm ngùi. Ngày đưa tang Thành, thầy cùng các giáo viên, bạn bè trong trường đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình em.
Công an phường Đạo Long đang tiến hành điều tra, dò xét các biểu hiện của Thành và bạn bè trong lớp. Tuy nhiên, việc xác minh nguyên nhân tử vong của em Thành gặp phải khó khăn vì gia đình không đồng ý khám nghiệm tử thi.
Gia đình chị Tr buôn bán, thường xuyên bận rộn. Tuy vẫn dành thời gian chăm sóc con nhưng vẫn không thể đoán được sự việc đau buồn như vậy lại xảy ra. Đây cũng là một lời cảnh báo đến nhiều gia đình. Chỉ quan tâm đến cuộc sống vật chất cho con là chưa đủ.
Tâm lý và cảm xúc của tuổi dậy thì còn nhiều biến động, các em dễ rơi vào trạng thái phẫn uất, hoặc quá khích, dễ bị tổn thương và dẫn đến cái kết đau buồn. Các em còn quá non nớt để tự kìm chế bản thân trước những cảm xúc tiêu cực.
Nhưng, rất nhiều bậc phụ huynh đã chủ quan với điều này. Mọi yếu tố trong cuộc sống xung quanh các em như bạn bè, học hành, trường lớp đều dễ trở thành tác động xấu. Cần hơn ở bố mẹ những buổi tâm sự cùng con, lắng nghe con nói và cho con nhiều sự sẻ chia.