Vài năm gần đây, xu hướng kinh doanh homestay nở rộ ở nhiều địa phương trên cả nước, tập trung ở các thành phố lớn và những nơi có du lịch phát triển. Cùng với trào lưu ''bỏ phố về rừng", xu hướng kinh doanh này góp phần kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của bất động sản vùng ven, bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, trong vòng hai năm khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, kéo theo sự "bấp bênh" của ngành du lịch thì thị trường này cũng rơi vào thế khó. Nhiều địa phương như các huyện vùng ven Hà Nội, Lâm Đồng, Vũng Tàu,... bắt đầu xuất hiện các thông tin rao bán homestay, đất nền nghỉ dưỡng với nội dung như "chính chủ vỡ nợ", "vỡ nợ, cần bán nhanh"...
Theo tìm hiểu của người viết, tại các huyện như Sóc Sơn và Ba Vì (Hà Nội), nhiều homestay đang được rao bán, mời chào với mức giá được người đăng cho là "giá rẻ", "giá đẹp".
Đơn cử, một homestay diện tích 3.161 m2 (gồm 400 m2 đất thổ cư) tại xã Vân Hoà, huyện Ba Vì có khuôn viên, nội thất đầy đủ, bể bơi, sân chơi đang được rao bán với giá 11 tỷ đồng.
Một homestay khác tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn tổng diện tích 1.366 m2 (đất thổ cư 400 m2) được rao bán với giá 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều bài rao bán homestay được treo trên các trang thông tin bất động sản vài tháng nay vẫn không có giao dịch.
TP Đà Lạt (Lâm Đồng) - nơi được mệnh danh là "thủ phủ homestay" của Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng này.
Trên trang Batdongsan.com.vn, một homestay vị trí trung tâm thành phố, diện tích 214 m2 (gồm 9 phòng ngủ, sân BBQ, vườn hoa) có giá rao bán 7,5 tỷ đồng.
Hay ở vị trí xa trung tâm như xã Trạm Hành, 22.000 m2 đất đã có mô hình homestay cơ bản gồm nhà gỗ, vườn hoa, ao hồ... được rao bán giá khoảng 1,5 triệu đồng/m2.
Ông Đặng Trung Hiếu, Giám đốc GM Property Group, chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản tại Lâm Đồng xác nhận, có hiện tượng rao bán homestay do khó khăn về kinh doanh. Tuy nhiên chỉ là vài trường hợp, không đến mức "đua nhau rao bán".
Ông Hiếu cho biết, trường hợp này xảy ra với những nhà đầu tư yếu vốn, vay mượn để kinh doanh sau đó dùng dòng tiền kinh doanh để trả lãi ngân hàng.
Không chỉ riêng homestay, các khách sạn, nhà hàng, resort cũng gặp hoàn cảnh tương tự vì không kinh doanh được. Trước áp lực tài chính, nhà đầu tư vào những mô hình này sẽ buộc phải chuyển đổi mô hình hoặc rao bán. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, số nhà đầu tư trên thị trường rơi vào hoàn cảnh này chỉ chiếm 20%.
"Hiện tại tôi đánh giá 80% các nhà đầu tư vẫn ổn, còn lại 20% sẽ khó khăn do dùng đòn bẩy tài chính. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, con số này sẽ còn thay đổi. Nhân viên có thể cho nghỉ nhưng tiền lãi vẫn phải trả. Mức độ khó khăn của nhà đầu tư phụ thuộc vào cơ cấu đòn bẩy tài chính và việc điều tiết chi phí cố định", Giám đốc GM Property Group phân tích.
Theo một số môi giới, mặc dù nhiều thông tin rao bán homestay, đất nghỉ dưỡng tại các địa phương có du lịch phát triển nhưng thực tế rất hiếm giao dịch.
Họ cho biết, đầu tư tại thời điểm này khá có lợi về giá, tuy nhiên do giãn cách nên khách khó đi xem thực tế, nếu mua cũng không kinh doanh được ngay. Vì thế, những nhà đầu tư vốn ít chưa quyết mua, người có sẵn tiền thì tiếp tục nghe ngóng, chờ "bắt đáy".
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Cơ hội trong rủi ro" do kênh Youtube The Quoc Khanh Show tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Quân, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Nam Land Miền Bắc cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng đang ở trong giai đoạn khó khăn, tuy nhiên với những nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, có nguồn tiền mặt nhàn rỗi thì đây là thời điểm rất hiếm gặp để mua bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Quân, các nhà đầu tư đang có nhiều cơ hội lựa chọn, mua bất động sản giá rẻ, ít cạnh tranh, nhiều ưu đãi: "Có thể dịch bệnh là một yếu tố ngắn hạn và ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người mua nhưng từ năm 2023, bức tranh thị trường sẽ tươi sáng lại, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Ngành công nghiệp du lịch đang rất phát triển ở Việt Nam, dịch bệnh là một cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn được sản phẩm chất lượng, đón đầu trong dài hạn".
Về triển vọng đầu tư trong lĩnh vực nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, có nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai vắc-xin được phủ rộng.
"Trao đổi với Savills, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình phát triển.
Sở dĩ có sóng đầu tư này vào thị trường là bởi các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại", Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.