Hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, thị trường cần thêm 700.000 căn hộ

Đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở.
Hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, thị trường cần thêm 700.000 căn hộ - Ảnh 1.

Nhu cầu nhà ở giá thấp vẫn rất lớn.

Thông tin tại hội thảo về phân khúc nhà ở bình dân diễn ra tuần qua, ông Đỗ Viết Chiến, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho biết, Hiệp hội đánh giá triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt.

"Nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết khi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn...", ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, Việt Nam có mức độ đô thị hoá nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị/thành phố.

Đại diện hiệp hội này cũng dẫn tính toán của Bộ Xây dựng cho biết, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở.

Tuy nhiên, ông Chiến cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70 - 80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.

Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, VnREA cho biết, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Đại diện VNREA đã đưa ra một số giải pháp để phát triển phân khúc nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Cụ thể, VNREA cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, Nhà nước cần tiếp tục có các gói hỗ trợ về mặt tài chính để phát triển nhà ở xã hội..., tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư cũng như người mua.

Cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện giúp đỡ cho các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian đưa dự án vào đầu tư xây dựng kinh doanh; cần đầu tư, phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống hạ tầng, cần chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu vực ngoại thành với nhau và với trung tâm thành phố…

Theo đại diện VNREA, việc chú trọng đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở bình dân sẽ đem lại hiệu quả tích cực cho nhà đầu tư nói riêng và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung, đặc biệt là người dân nghèo ở khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.