Hợp tác giữa ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan tại các dự án tỷ USD

Ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan có mối quan hệ hợp tác đầu tư tại dự án hơn 25.000 tỷ ở Lâm Đồng và hai dự án hơn 65.000 tỷ ở Quảng Ninh.

Khu vực thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. (Ảnh: Người Lao Động ).

Theo bản kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Capella Holding bị cáo buộc có hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong việc hợp tác kinh doanh với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Số tiền ông Trí chiếm đoạt của bà Lan là 1.000 tỷ đồng. Bị can Trí và gia đình đã tự nguyện nộp 1.002 tỷ đồng (bao gồm giá trị 7 bất động sản bị kê biên).

Theo tài liệu điều tra, ông Trí sở hữu hai hệ sinh thái, gồm Tập đoàn Capella có 28 Công ty con hoạt động về lĩnh vực bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn... và Tập đoàn giáo dục Văn Lang có 7 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục.

Trong đó, giữ vai trò trung tâm là hai công ty mẹ: CTCP Đầu tư và Quản lỷ giáo dục Văn Lang (Công ty Văn Lang) và CTCP Tập đoàn Capella.

Công ty Capella sở hữu nhiều dự án lớn tại TP HCM, Lâm Đồng và Quảng Ninh như: Khu Đô thị thương mại, Du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh; Trung tâm Thể thao Thành Long; Khu Công nghiệp Đô thị Dịch vụ Hải Hà mở rộng 1 và Mở rộng 2; Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Thực (4.598 ha), Khu Thể Thao & Văn Hóa Huyện Hải Hà - Quảng Ninh (5,7 ha); Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Capella Gallery Hall (953 m2); Trung Tâm hội nghị tiệc cưới Riverside Palace (4.602 m2)...

Kết quả điều tra xác định bà Lan và ông Trí có mối quan hệ hợp tác mua - bán cổ phần tại Công ty cổ phần Cao su Công nghiệp, dự án bất động sản ở Lâm Đồng, hai dự án bất động sản ở Quảng Ninh và Công ty Văn Lang.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án ở Lâm Đồng có tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng còn 2 dự án ở Quảng Ninh là hơn 65.000 tỷ đồng.

Dự án ở Lâm Đồng

Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Cao Trí mua cổ phần các công ty liên quan đến thỏa thuận hợp tác chuyển nhượng cho bà Trương Mỹ Lan. Trong đó có Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) làm chủ đầu tư.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là bà Phan Thị Hoa. Công ty Sài Gòn Đại Ninh được thành lập vào năm 2010 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Tại thời điểm đăng ký thay đổi tháng 10/2017, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp này chỉ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với một duy nhất dự án nói trên.

Theo thỏa thuận giữa Nguyễn Cao Trí với bà Phan Thị Hoa, ngày 2/12/2020, Công ty Sài Gòn Đại Ninh ký hợp đồng bán 100% vốn điều lệ cho CTCP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group (Công ty Bến Thành), công ty con của Công ty Capella với giá 5.000 tỷ đồng.

Sau đó, Nguyễn Cao Trí dùng Công ty TNHH Capella Hospitality (Công ty con của Tập đoàn Capella) đứng tên mua lại. Vào các ngày 28/12/2020 và 5/2/2021, Công ty Capella Hospitality đã thanh toán tổng số tiền 1.530 tỷ đồng để mua 51% vốn điều lệ. 

Đến ngày 30/9/2022, ông Trí nhờ em trai Nguyễn Cao Đức đứng tên hộ mua 7% vốn điều lệ của cá nhân bà Hoa tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh với số tiền 700 tỷ đồng.

Tổng cộng, ông Trí sở hữu 58% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đã thanh toán cho bà Hoa 2.230 tỷ đồng.

Nguồn tiền thanh toán là tiền nội bộ của Công ty Capella và vay tại Ngân hàng Sacombank. Sau khi thanh toán tiền mua 58% vốn điều lệ, ngày 28/1/2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đăng ký thay đổi lần thứ 8, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Phan Thị Hoa sang ông Nguyễn Cao Trí.

Sau khi sở hữu phần lớn cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh, ông Trí thoả thuận bán 100% vốn điều lệ của công ty này cho bà Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho Trí tổng cộng 20 triệu USD (tương đương 463,5 tỷ đồng).

Thực tế, ông Trí khai nhận 1 triệu USD (tương ứng 23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng, còn 19 triệu USD chỉ ghi nhận tiến độ thanh toán nhưng chưa nhận tiền.

Tuy nhiên, sau đó bà Lan không mua cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh và thống nhất với ông Trí cộng số tiền đặt cọc 1 triệu USD (23,2 tỷ đồng) và 127 tỷ đồng này cùng với một số khoản tiền khác chuyển thành mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Hai dự án ở Quảng Ninh 

Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Cao Trí và bà Trương Mỹ Lan còn có thỏa thuận để bà Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Giữa năm 2020, Công ty Bến Thành đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh cho nghiên cứu quy hoạch các địa điểm đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Hải Hà, Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Đảo Cái Chiên.

Công ty Bến Thành đã ký 23 hợp đồng với các đơn vị tư vấn để triển khai nghiên cứu quy hoạch dự án trên với tổng số chi phí của dự án đến nay đã thanh toán cho các nhà thầu tư vấn số tiền là 30,7 tỷ đồng. Nguồn tiền này được lấy từ hai công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với vai trò là nhà đầu tư hợp tác với Công ty Bến Thành.

Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Bến Thành triển khai nghiên cứu quy hoạch và hướng dẫn một số thủ tục liên quan. Dự án mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu quy hoạch, chưa giao đất, chưa triển khai dự án.

Ông Nguyễn Cao Trí thỏa thuận để bà Trương Mỹ Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí và Lan đã hai lần thanh toán cho ông Trí tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng số tiền 220,2 tỷ đồng.

Sau đó, bà Lan không tiếp tục tham gia dự án và thống nhất với Trí chuyển số tiền 9,5 triệu USD này cùng với một số khoản tiền khác để mua 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang.

Dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh ngày 30/12/2010 với tổng mức đầu tư là 25.243 tỷ đồng, tiến độ thực hiện đến năm 2018. Quy mô dự án tích khoảng 3.595 ha. Trong đó, 1.306 ha là đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.

Tháng 11/2021, Sài Gòn - Đại Ninh đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án nói trên từ 25.243 tỷ đồng thành 30.291,6 tỷ đồng (tăng 20%).

Lý do điều chỉnh được đưa ra là chi phí tăng tại thời điểm đề nghị so với thời điểm năm 2010 dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án với quy mô sử dụng đất không thay đổi hơn 3.595 ha.

Tháng 7/2020, Tập đoàn Bến Thành đề xuất với tỉnh Quảng Ninh về việc nghiên cứu lập quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án Khu công nghiệp dịch vụ Logistics, công nghệ cao và cảng biển Hải Hà và Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đa năng tại đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà). Tổng vốn đầu tư cả hai dự án hơn 65.000 tỷ đồng.

Trong đó, dự án Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà có quy mô 4.988 ha, với các khu chức năng: Khu công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; Khu Công nghiệp hậu cần, logistics, kho bãi, dịch vụ; Khu công nghiệp nhẹ đa ngành; Khu dịch vụ du lịch, thương mại, giải trí; nhà máy điện khí...

Còn dự án Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đa năng tại đảo Cái Chiên có quy mô nghiên cứu 564,73 ha.

Dự án gồm 5 khu chức năng: Làng du lịch sinh thái đa năng; Khu du lịch kết hợp với vùng sinh thái nông nghiệp; Khu nghỉ dưỡng sinh thái và phục hồi sức khỏe; Khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí cao cấp quốc tế; các vùng sinh thái lâm nghiệp, cụm đảo kết hợp với khu nghỉ dưỡng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.