HoREA đề nghị giữ nguyên khung giá đất hiện tại cho giai đoạn 2020 - 2024

Đưa ra hai phương án về mức giá trong khu giá đất giai đoạn 2020 - 2024 nhưng HoREA đã đề nghị Chính phủ lựa chọn phương án một là giữ nguyên mức giá trong khu giá đất trước đó thay vì tăng 15% như trong phương án hai.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có ý kiến đề nghị Chính phủ sớm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020 - 2024.

Cụ thể, HoREA đề nghị Chính phủ sớm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 để các tỉnh, thành có căn cứ pháp luật và đủ thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất. Kèm với đó là mức giá của khung giá đất giai đoạn 2020-2024. 

san-dat-tphcm-theo-ha-tang

Ảnh minh họa: VnExpress.

Theo HoREA, khung giá đất, bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Nếu khung giá đất tăng, bảng giá đất tăng thì kéo theo nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng. 

HoREA chỉ ra một nguy cơ đó là nếu nghĩa vụ tài chính tăng cao, có thể dẫn đến một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp "sổ đỏ", dẫn đến giao dịch nhà đất bằng giấy tay, làm tăng "thị trường ngầm" khiến nhà nước vừa thất thu thuế, vừa khó quản lý, vừa dễ phát sinh tranh chấp trong xã hội.

HoREA cũng cho rằng ý kiến tăng khung giá đất, bảng giá đất sẽ giúp cho cá nhân, hộ gia đình được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn, khi Nhà nước thu hồi đất chưa thật chính xác, bởi lẽ công tác tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo 5 phương pháp định giá đất cụ thể.

Ngoài ra, khung giá đất, bảng giá đất sẽ tác động đến giá cả thị trường bất động sản, đặc biệt cần quan tâm là việc bảng giá đất tăng sẽ kéo giá nhà ở sẽ tăng theo.

Vị Chủ tịch của HoREA dẫn ra ví dụ về sự ảnh hưởng này. 

"Đó là hiện nay căn hộ nhà ở thương mại hai phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới hai tỉ đồng. 

Với cặp vợ chồng (có một con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng (60 - 70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội", ông Châu chia sẻ.

Đồng thời, khung giá đất, bảng giá đất cũng sẽ ảnh hưởng đến qui mô giao dịch của thị trường bất động sản. 

Cụ thể, giá nhà đất tăng sẽ làm giảm qui mô tổng cầu có khả năng thanh toán do một bộ phận khách hàng không còn đủ khả năng tài chính để mua nhà. Do vậy, có thể dẫn đến sụt giảm qui mô giao dịch trên thị trường bất động sản, trước hết là đối với phân khúc thị trường bất động sản cao cấp, condotel… và giảm qui mô thị trường đầu tư thứ cấp hiện nay.

Trong văn bản này, ông Châu cũng chỉ ra những tác động của khung giá đất, bảng giá đất đến môi trường đầu tư và nguồn thu ngân sách.

Từ những sự ảnh hưởng tới thị trường, qui mô thị trường và các yếu tố khác, HoREA đề nghị mức giá của khung giá đất giai đoạn 2020-2024 theo hai phương án.

Phương án thứ nhất là đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014-2019.

Và phương án thứ hai là trong trường hợp buộc phải tăng mức giá của khung giá đất giai đoạn 2020 - 2024, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét quyết định mức giá chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến môi trường thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình.

Và dù đưa ra hai phương án nhưng ông Lê Hoàng Châu đề nghị lựa chọn phương án  ban hành khung giá đất giai đoạn 2020 - 2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014 - 2019.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.