Hà Nội có nhiều khu tập thể cũ như khu tập thể Thành Công, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Nghĩa Tân, Giảng Võ... Hầu hết các dãy nhà tập thể đều cao từ 3 đến 6 tầng.
Hình cảnh các chuồng cọp được cơi nới thêm đã trở thành hình ảnh khá đặc trưng của các khu tập thể cũ.
Đó là các diện tích được người cơi nới để tăng diện tích sử dụng cho căn hộ từ vài mét vuông tới cả chục mét vuông. Có căn hộ, diện tích cơi nới tương đương một phòng.
Hầu hết các chuồng cọp được xây dựng tự phát bằng việc khoan tường, dựng các dầm thép và dùng các tấm gỗ làm sàn rồi dùng tôn để quây kín.
Ở nhiều khu tập thể, việc dựng chuồng cọp trở nên phổ biến đến mức khiến nhiều người khó nhận ra được đâu là tường của dãy tập thể.
Việc dựng chuồng cọp, mạnh ai nấy làm nên bề mặt của một dãy tập thể trông khá lồi lõm.
Do thấp tầng và được xây dựng từ những năm 80 của thế kỉ 20, các khu tập thể cũ của Hà Nội không có thang máy. Vì thế, hình ảnh những khu cầu thang bộ cũng là một trong những đặc trưng của các dãy tập thể cũ này.
Mỗi dãy tập thể thường có hai hoặc ba khu cầu thang và được đánh số để phân biệt.
Hầu hết giữa cầu thang đều có một "con lươn" tương đối thoải với mục đích để người dân dắt xe lên nhà bởi nhiều khu tập thể không có chỗ gửi xe riêng.
Ngoài ra, giữa các dãy tập thể đều có một khoảng sân chung tương đối rộng (diện tích tương đương hoặc lớn hơn phần đất xây dựng một khu tập thể). Từ lâu, những khoảng sân này đã trở thành nơi bán hàng của những hộ dân sống ở các khu tập thể.
Và các ngôi chợ của các khu tập thể cũng là những nơi buôn bán với nhiều mặt hàng khác nhau.
Hình ảnh về chuồng cọp ở khu tập thể Thành Công. (Video: Minh Anh).
Ngày 5/12, tại phiên họp HĐND TP Hà Nội, phát biểu giải trình thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay vừa qua, Hà Nội đã kêu gọi được 26 nhà đầu tư lập quy hoạch 1/500 cải tạo chung cư cũ. Ba chung cư đã được tập thể Ban cán sự Đảng Thành phố, các sở ngành bàn qua hai vòng.
Tuy nhiên, hiện việc cải tạo đang vướng mắc cơ chế, chính sách, cần vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội.
Ví dụ như hệ số bồi thường cho người dân ra sao, bồi thường cho nhà tầng 1 tăng hệ số bao nhiêu, phần cơi nới của họ trước năm 1993 thì giải quyết thế nào; hay bất cập liên quan đến nhà cấp độ D mới được phá dỡ cải tạo, việc xác định niên hạn hay xuống cấp căn cứ vào thời gian hay thực trạng…
"Những vướng mắc sẽ phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội thì mới có thể tháo gỡ. Tới đây Hà Nội sẽ trình cơ quan chức năng trên tinh thần phải cải tạo lại cả khu. Nếu làm được sẽ có thêm hạ tầng giao thông, cây xanh, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên như vậy sẽ vi phạm quy hoạch. Nên phải làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông Chung khẳng định.