Hút được gần 15.000 tỷ đồng trong quý I, Nghệ An là 'ngôi sao đang lên' mới trong thu hút FDI

Trong quý I, Nghệ An đã thu hút được 14.626,3 tỷ đồng vốn FDI trong quý I, tăng 2,48 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nghệ An là 'ngôi sao đang lên' mới trong thu hút vốn FDI ba năm trở lại đây.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Nghệ An, trong tháng 3, UBND Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận điều chỉnh cho 7 lượt dự án, trong đó có 4 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng 1.424,2 tỷ đồng.

Các dự án được điều chỉnh vốn đầu tư là: Nhà máy Radiant Opto-Electronics Việt Nam Nghệ An tại KCN VSIP TMĐT tăng 25 triệu USD (tương đương 600 tỷ đồng); Khu nhà ở tại xã Tiến Thủy và xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu TMĐT tăng 465,8 tỷ đồng, Nhà máy chế biến nguyên liệu thực phẩm từ tinh bột tại Khu B - KCN Nam Cấm TMĐT tăng 200 tỷ đồng, Bệnh viện đa khoa tư nhân Minh An tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu TMĐT tăng 158,4 tỷ đồng.

Tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Nghệ An là 14.626,3 tỷ đồng gồm cho 18 dự án cấp mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 12.274,2 tỷ đồng, 39 lượt dự án điều chỉnh, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 14 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 2.352,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng dự án cấp mới giảm 40%, tổng vốn đầu tư cấp mới tăng 2,48 lần. 

Số vốn cấp mới cao gấp nhiều lần năm ngoái là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực thu hút đầu tư FDI của Nghệ An. Năm nay, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục vào top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước.

Nghệ An đang bứt phá trong thu hút FDI

Trước đó, năm 2023 là lần đầu tiên ghi nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An vượt mốc 1,6 tỷ USD và xếp vị trí thứ 8 những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.

"Trong ba năm trở lại đây, tỉnh Nghệ An đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư FDI", ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Nghệ An cho biết tại một sự kiện mới đây.

Ông Hải cho biết từ xếp thứ 20 năm 2021 (497,26 triệu USD) lên thứ 10 năm 2022 (961,3 triệu USD) và năm 2023 xếp thứ 8 các địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước (1,605 tỷ USD).

Với hệ sinh thái trên 30 dự án sản xuất sản phẩm điện tử, phụ tùng ô tô, sản xuất linh kiện quang học, quang điện, sản xuất ắc quy tính năng cao và sản phẩm bao bì, đóng gói với sự tham gia của các nhà sản xuất cung ứng toàn cầu như: Luxshare, Goertek, Foxconn, Everwin, Juteng, Sunny, Runergy, Shandong, Ridian Opto,… đang đưa Nghệ An thành trung tâm sản xuất thiết bị linh kiện điện tử, năng lượng xanh của cả nước.

Thời gian qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào tỉnh Nghệ An đã có sự gia tăng mạnh mẽ, các tập đoàn lớn thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu về lĩnh vực sản xuất điện tử, công nghệ, năng lượng xanh đã đầu tư và đang có kế hoạch và mở rộng đầu tư dự án tại Nghệ An.

Ông nhấn mạnh đây cũng chính là cơ hội để tỉnh Nghệ An đón nhận làn sóng chuyển dịch nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), tạo mối liên kết với các doanh nghiệp địa phương cũng như trong khu vực, làm điểm tựa cho tăng trưởng bền vững, vừa khơi dậy các nguồn lực khác để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Trưởng ban quản lý KKT Đông Nam, Nghệ An. (Ảnh: Báo Nghệ An).

5 sẵn sàng để thu hút FDI

Để làm được điều này, đại diện Ban quản lý các Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết tỉnh đã đặt ra 5 định hướng "sẵn sàng" để thu hút đầu tư.

Một là, sẵn sàng về quy hoạch, trong đó tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trọng tâm phát triển 02 khu vực động lực tăng trưởng, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam mở rộng. Mục tiêu đến năm 2030, Khu kinh tế Đông Nam mở rộng trên 106.000 ha, trong đó quỹ đất khu công nghiệp khoảng 14.117ha, gấp ba lần so với quỹ đất khu công nghiệp hiện nay.

Hai là, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, tập trung đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hiện có. Hiện nay, tỉnh đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II diện tích 500 ha (tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, Diễn Châu) và Khu công nghiệp Hoàng Mai II diện tích hơn 334 ha (tại thị xã Hoàng Mai) để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 2.000ha khu công nghiệp theo Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ, yêu cầu về bảo vệ môi trường để thu hút đầu tư.

Ba là, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, ngoài tuyến cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt dài 49,3km dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4 rút ngắn thời gian di chuyển Vinh – Hà Nội, tỉnh Nghệ An cũng đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng chiến lược nâng cấp mở rộng sân bay Vinh, cảng nước sâu Cửa Lò, nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập 1500MW, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, nhu cầu điện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, sẵn sàng về nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác kết nối tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, với trên 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, hằng năm bổ sung vào thị trường lao động khoảng 45.000 người, trong đó có 30.000 lao động đã qua đào tạo.

Năm là, sẵn sàng đổi mới cải cách hành chính và hỗ trợ nhà đầu tư. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, trọng tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng “Một cửa, một đầu mối”; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư trên địa bàn, lấy niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp là mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.