Là VĐV cao tuổi nhất tham dự Ironman 70.3 Vietnam trong 3 năm liên tiếp, cụ Yee Sze Mun vẫn rắn rỏi và lạc quan như lần đầu tiên chúng tôi thấy cụ vào năm 2015.
Tuy nhiên, bất ngờ hơn cả, VĐV 80 tuổi người Malaysia còn mang tới giải đấu cuốn sách mang tên “The Bumble Bee in me – Living the Ironman Dream” (Tạm dịch: Con ong vàng trong tôi – Sống dậy giấc mơ Ironman).
Ông Yee Sze Mun ký tặng sách cho phóng viên Webthethao.vn. Ảnh: Hải Đăng. |
“My heart is racing” (Trái tim tôi là những cuộc đua) là châm ngôn sống luôn được huyền thoại ba môn phối hợp này theo đuổi trong suốt sự nghiệp. Dù chưa từng được gia đình ủng hộ việc mình tham gia các cuộc thi, Yee Sze Mun vẫn tiếp tục công hiến hết mình trên đường chạy, bởi “tôi muốn con cháu tôi sau này hiểu được rằng, ông của chúng từng dạy chúng một điều, đó là: Không gì là không thể!”.
Nghị lực đến từ người mẹ không biết chữ…
Là con cả trong một gia đình nghèo, Yee Sze Mun là anh cả của 12 người em. Thu nhập chính của gia đình đến từ cửa hàng nhỏ do một tay người mẹ Ah Ma quán xuyến. Với Yee, sự mạnh mẽ và tần tảo của Ah Ma chính là những gì quý giá nhất mà mình học được.
“Bà không bao giờ ngồi ăn trước mặt các con. Ah Ma luôn để chúng tôi ăn trước và sau đó sẽ dọn xương đi và ăn nốt chỗ thức ăn thừa còn lại”, cụ Yee chia sẻ.
Với cụ Yee, Ah Ma luôn dạy dỗ các con theo cách tốt nhất dù cho bản thân bà chưa từng có cơ hội được đi học. Dù nắng nóng, bà luôn cõng các con đến trường để cho chúng luôn cho cảm giác an toàn và chở che. Đến khi chiến tranh thế giới thứ Hai ập vào Maylaysia, vẫn là tấm lưng của Ah Ma che chở cho Kah Yam, em gái cụ Yee, trước làn bom của quân đồng minh.
Khi đó, bà đang mang thai nên không thể đưa được Kah Yam tới nơi trú bom và chấp nhận cố thủ trong nhà, dưới chiếc giường gỗ cũ kỹ. Khi cuộc tấn công kết thúc, mọi người nhìn thấy Kah Yam được bao bọc bới tấm lưng đầy máu của mẹ mình. Trong một gia đình với người cha nghiện rượu và cờ bạc, hình ảnh người mẹ Ah Ma càng trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết trong mắt của Yee Sze Mun.
"Không bao giờ phàn nàn dù đói khổ đến đâu, đó là bài học lớn nhất mà tôi nhận được từ bà", ông Yee Sze Mun cho biết.
Sẽ không bao giờ là già nếu bạn dám đương đầu với thử thách mới…
“Mỗi khi tôi thất bại với “mục tiêu 15 giờ” tại Ironman, người ta nói với tôi những câu đại loại như: ‘Ông già rồi, chọn mấy môn nhẹ nhàng như golf mà chơi’ hay ‘Đừng cố mà tỏ ra mình còn khỏe’.
Tôi rất trân trọng những lời khuyên từ bạn bè và gia đình. Thế nhưng, tôi đã biến đôi tai của mình bị “điếc” để theo đuổi niềm đam mê cá nhân”, cụ Yee chia sẻ.
Trong lần đầu tiên tham dự giải VĐTG Ironman tại Kona, Hawaii vào năm 1995, cụ Yee đã hoàn thành cuộc đua với thời gian 16 giờ 37 phút 21 giây.
“Kế từ đó, tôi luôn yêu cầu bản thân phải hoàn thành phần thi với tổng thời gian ít hơn 15 giờ (Sub 15). Tôi từng hai lần đạt được thành tích 15:06 và một lần 15:05. Ở Ironman, rất nhiều người tuổi này có thể đánh bại tôi cả dặm đường. Vậy tại sao tôi không thể đạt được trình độ như họ?”, cụ Yee nhớ lại.
Cụ Yee Sze Mun tặng sách cho phóng viên Webthethao. Ảnh: Hải Đăng. |
Bước ngoặt đã tới vào năm 2009 ở giải đấu kỷ niệm lần thứ 10 tổ chức Ironman Langkawi, Malaysia. Khi chỉ còn khoảng 300m nữa là tới đích, cụ đã nhìn thấy người vợ mình đang chạy tới bên đường đua đối diện.
“Bà ấy đã nghĩ rằng tôi sẽ tiếp tục về đích với thời gian lâu hơn 15 giờ. Tuy nhiên, tôi đã hét to lên: “Tôi làm được” như thể động viên tinh thần cho chính mình và cả bà ấy nữa. Rồi tôi nghe thấy tiếng nhạc, tiếng hò reo của các khán giả.
‘Yee Sze Mun, 72 tuổi đã về đích với thành tích tốt hơn 20 phút với chính ông ở mùa giải trước! Boleh Malaysia!’. Giọng nói của MC đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. 14 giờ 46 phút 48 giây – Đó là kết quả ngoài sức tưởng tượng”, ông Yee rưng rưng khi nhắc về cái ngày định mệnh đó."
Cụ Yee Sze Mun và vợ, Shaila. |
Kể từ năm 2000, cụ Yee đã hoàn thành 9 giải Ironman Langkawi và 15 giải Ironman khác bao gồm 5 giải ở Hawaii và một giải tại Trung Quốc. Tự nhận mình là một lão già cứng đầu và bảo thủ, Yee Sze Mun cho rằng, có khi chính tính cách đó đã biến ông trở thành một "Bumble Bee" (Con ong) - biểu tượng cho sự cần mẫn, nhẫn nại và chăm chỉ như bây giờ.
“Ai nói tuổi tác là điểm yếu của tôi?”
Bài học từ lần bỏ cuộc duy nhất tại Ironman...
Cụ Yee luôn tự hào mỗi khi nhắc tới cuộc thi Marathon des Sables (năm 2012) kéo dài 6 ngày tại sa mạc Sahara dù cho đó là giải đấu duy nhất ông bỏ cuộc.
"6 ngày với tổng quãng đường là 248km - Đó là giải đấu kéo dài và đau đớn nhất mà tôi từng tham dự", cụ Yee thừa nhận.
Các VĐV đều phải mang một chiếc túi nặng tới hơn... 10kg, đựng rất nhiều vật dụng cần thiết như thực phẩm, dụng cụ làm bếp, bát ăn và thậm chí cả... túi vệ sinh. Hình ảnh các VĐV phải đại tiện vào đó và đeo chiếc túi trong suốt quãng đường là chuyện không hiếm gặp.
Mọi thứ diễn ra suôn sẻ êm đẹp với cụ Yee cho đến ngày thi đấu thứ 4, với quãng đường dài nhất 81,5 km.
"Marathon des Sables gồm những cồn cát, lòng sông và sỏi đá. Trong 9,1 km đầu tiên, tôi phải vượt qua ngọn đồi đá với độ dốc 17%. Đó là một thử thách không hề nhỏ và tôi phải mất tới 2 giờ để vượt qua nó. Cảm giác sung sướng đã lấn át toàn bộ sự lo lắng. Lúc bây giờ, tôi nghĩ rằng, mình xứng đáng để hoàn thành một trong những giải Marathon khắc nghiệt nhất thế giới này", cụ Yee nhớ lại.
Kể từ khi bước sang tuổi 50, Yee Sze Mun đã trải qua hơn 200 giải đấu về sức bền trên khắp thế giới. Thế nhưng, ngày thi đấu thứ 4 tại Marathon des Sables là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cụ chia sẻ, đó là lần đầu tiên tại giải đấu, cụ nhìn xuống bàn chân mình khi chạy.
"Có cảm giác, hai bàn chân tôi đã mất hết khả năng phản xạ", cụ Yee cho biết. "Tôi đếm được 9 vết phồng giộp ở chân phải và hai vết ở chân trái. Hai trong số những vết phồng đó bị loét ra. Trên thực tế, các bác sỹ đã cảnh báo tôi về chuyện này ngay từ ngày thi đấu đầu tiên."
Đôi bàn chân bị phồng giộp của cụ Yee tại Marathon des sables. |
Cụ luôn tự hào về sự nghiệp thi đấu của mình khi chưa từng là người phải về đích cuối cùng. Dẫu vậy, khoảnh khắc chạm đích cuối cùng trước sự chào đón của những người hâm mộ ngày hôm đó là khoảnh khắc vinh quang nhất của cụ. Nước mắt đã rơi khi cụ ôm lấy những người đồng nghiệp tại Team 75 Malaysia sau khi kết thúc ngày thi đấu thứ 4.
"Bác sỹ đưa tôi hai viên thuốc giảm đau và nói rằng, tôi sẽ không thể tiếp tục ngày thi đấu thứ 5 (42,5 km). Thế nhưng, tôi bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo và thức dậy đúng giờ để bắt đầu cuộc đua", cụ Yee nói.
Cụ Yee Sze Mun lạc quan trước phần thi bơi tại Ironman 70.3 Vietnam 2017. Ảnh: Hải Đăng. |
Đến khi chạy được 27km, "Con ong chăm chỉ" của Malaysia đã ngất lịm đi vì kiệt sức. Nếu đặt lên bàn cân, việc phải bỏ dở cuộc đua là điều khó chấp nhận. Dẫu vậy, với cá nhân Yee Sze Mun, đôi khi thất bại còn quý giá gấp ngàn lần chiến thắng.
"Tôi đã thất bại và lần đầu tiên hứng chịu cảm giác về đích muộn nhất. Nhưng, điều đó dạy cho tôi nhiều thứ", cụ Yee nhấn mạnh. "Tôi đã khám phá được giới hạn của bản thân và biết đâu là những gì tinh túy nhất mà mình có".
Thành tích của cụ Yee Sze Mun tại Ironman 70.3 Vietnam vừa qua. Nguồn: Sportstats. |
Tại Ironman 70.3 Vietnam vừa mới kết thúc, cụ Yee đã về đích với thành tích 8 giờ 34 phút 59 giây, nhiều hơn gần 5 phút so với thời gian tiêu chuẩn. Ở tuổi 80 và sở hữu kho tàng danh hiệu đồ sộ trong giới 3 môn phối hợp (Triathlon), cụ Yee Sze Mun vẫn tiếp tục cho thấy một điều quan trọng hơn cả chiến thắng, đó là Không-bỏ-cuộc.
Xin được trích dẫn nhận xét của GĐĐH của Ironman châu Á, Geoff Meyer, trong cuốn “The Bumble Bee in me – Living the Ironman Dream” để kết thúc bài viết:
"Tôi đã từng xuất hiện ở rất nhiều giải Ironman ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều thứ có thể thay đổi nhưng ông Yee thì không. Nguồn năng lượng của ông ấy luôn được lan tỏa rộng rãi cho tất cả mọi người trong cộng đồng Triathlon. Đối với tôi, ông ấy là một đại sứ Ironman đích thực, một biểu tượng lớn của môn thể thao này.
Là VĐV cao tuổi đầu tiên của Malaysia được tôn vinh vào ngôi nhà của những huyền thoại Ironman, Yee Sze Mun là hiện thân cho tinh thần 'Never give up' (không bao giờ bỏ cuộc)."
Tiểu sử về VĐV Yee Sze Mun - Sinh ngày: 19/7/1937 - Quốc tịch: Malaysia - Thành tích nổi bật: Ironman 70.3: 1st - (lứa tuổi 70-74), Singapore, 2007 1st – (75+), Singapore, 2011 1st – (75+), Phuket, Thailand, 2012 1st – (75+), Sri Lanka, 2012 1st – (75+), Cebu, Philippines, 2013 1st – (75-79), Putra Jaja, Malaysia, 2014 1st – (75-79), Putra Jaya, Malaysia, 2015 2nd – (70+), Singapore, 2008 3rd – (50+), Malaysia, 1994 Ironman: 1st – (60-64), Langkawi, Malaysia, 2000 1st – (70+), Langkawi, Malaysia, 2009 1st – (75-79), Langkawi, Malaysia, 2014 2nd – (70+), Langkawi, Malaysia, 2008 3rd – (65-69), Langkawi, Malaysia, 2003 3rd – (65-69), Langkawi, Malaysia, 200 |