Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, tổng doanh thu toàn ngành năm 2021 dự kiến sẽ giảm 46% so với con số 838 tỉ USD của năm 2019.
Dự báo trước đó của IATA về doanh thu năm 2021 sẽ giảm khoảng 29% so với năm 2019. Điều này dựa trên kì vọng về sự phục hồi và nhu cầu đi lại bắt đầu vào quí IV/2020. Tuy nhiên, sự phục hồi đã bị trì hoãn do bùng phát Covid-19 mới, điều đó khiến chính phủ nhiều nước áp dụng qui định hạn chế đi lại, bao gồm đóng cửa biên giới và các biện pháp kiểm dịch.
IATA dự kiến lượng hành khách đi bằng đường hàng không toàn cầu cả năm 2020 sẽ giảm 66% so với năm 2019, với nhu cầu tháng 12 giảm 68%.
“Quí IV/2020 sẽ cực kì khó khăn và có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh trong thời gian này tốt hơn. Nếu không có thêm khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ các nước, hãng hàng không các nước còn lại trung bình khoảng 8,5 tháng sẽ hết tiền mặt. Chúng tôi không thể cắt giảm chi phí đủ nhanh để bắt kịp với doanh thu bị thu hẹp”, Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành của IATA Alexandre de Juniac cho biết.
Mặc dù các hãng hàng không đã thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, nhưng khoảng 50% chi phí này là cố định hoặc bán cố định. Điều đó khiến chi phí không giảm nhanh như doanh thu. Kết quả sơ bộ quí III cho thấy chi phí đơn vị tăng khoảng 40% so với cùng kì năm trước.
IATA ước tính rằng để đạt được kết quả hoạt động hòa vốn và cân bằng chi tiền mặt trong năm 2021, chi phí đơn vị sẽ cần giảm 30% so với năm 2020. IATA đưa ra các yếu tố như sau.
Với nhu cầu bay quốc tế giảm gần 90%, các hãng hàng không đã phải ngừng hoạt động hàng nghìn máy bay chủ yếu là đường dài và chuyển sang đường ngắn nếu có thể. Tuy nhiên, do quãng đường bay trung bình đã giảm mạnh, nên cần có nhiều máy bay hơn để vận hành mạng lưới. Do đó, công suất máy bay (ASK) giảm 62% so với tháng 1/2019, nhưng đội tàu đang hoạt động chỉ giảm 21%.
Khoảng 60% đội máy bay thế giới được cho thuê. Nhưng hãng hàng không phải giảm chi phí cho bên thuê trong bối cảnh khủng hoảng này, điều đó khiến chi phí thuê máy bay đã giảm ít hơn 10% trong năm qua.
Chịu khủng hoảng, nhưng các dịch vụ sân bay và nhà cung cấp dịch vụ hàng không không được tăng giá dịch vụ để bù đắp sự thiếu hụt do nhu cầu đi lại vẫn ở mức thấp. Chi phí cơ sở hạ tầng đã giảm mạnh vì ít chuyến bay và hành khách hơn.
Nhiên liệu là điểm sáng duy nhất có giá giảm 42% vào năm 2019. Thật không may, chúng dự kiến sẽ tăng trong năm tới do hoạt động kinh tế gia tăng làm tăng nhu cầu năng lượng.
Máy bay không hoạt động, để duy trì thì việc cắt giảm nhân lực và giảm lương là lựa chọn để đưa chi phí lao động xuống.
"Ngay cả khi đạt được mức giảm chi phí nhân công chưa từng có, tổng chi phí vẫn sẽ cao hơn doanh thu vào năm 2021, và các hãng hàng không sẽ vẫn cần thêm các khoản cứu trợ từ chính phủ để tránh tình trạng hết tiền mặt", ông Alexandre de Juniac nói.
Ông Alexandre de Juniac cũng cảnh báo nếu để tình trạng khủng hoảng hàng không tiếp tục kéo dài sẽ khiến khoảng 1,3 triệu việc làm trong ngành này gặp rủi ro và tiềm ẩn tác động xấu tới hàng triệu người lao động khác. Hơn nữa, việc mất kết nối hàng không sẽ có tác động mạnh đến GDP toàn cầu, đe dọa 1,8 nghìn tỉ USD hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, ông Alexandre de Juniac kêu gọi các chính phủ nên thực hiện biện pháp cứu trợ tài chính bổ sung, sớm sử dụng thử nghiệm điều trị Covid-19 và có hệ thống để mở lại biên giới một cách an toàn mà không cần kiểm dịch.
Cơ quan quản lí các sân bay châu Âu (ACI EUROPE) đưa ra cảnh báo về những rủi ro đối với hoạt động kinh doanh đi xuống của các hãng hàng không trong khu vực này.
Tình trạng kinh doanh giảm liên tục đến mức ước tính có khoảng 193 sân bay phải đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán trong những tháng tới nếu lưu lượng hành khách không có khả năng hồi phục vào cuối năm. Tình trạng này cũng làm ảnh hưởng tới khoảng 277 nghìn việc làm và 12,4 tỉ euro cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Âu.
Ngoài ra, nguy cơ đóng cửa sân bay kéo dài đồng nghĩa với việc châu Âu phải đối mặt với viễn cảnh u ám khi một phần quan trọng trong hệ thống vận tải hàng không bị sụp đổ - trừ khi Chính phủ thực hiện các biện pháp trợ cần thiết.
Nhiều hãng hàng không đã cắt giảm kế hoạch công suất của họ cho năm nay và chuẩn bị kế hoạch cho cả năm tới. Các sân bay đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán chủ yếu là các sân bay nhỏ khu vực địa phương.
Nhưng tình trạng này cũng đang "ngấm" đối với các sân bay qui mô lớn hơn của châu Âu khi rơi vào không có có khả năng thanh toàn nợ.
Khoảng 20 sân bay hàng đầu của châu Âu đã gánh thêm khoản nợ 16 tỉ euro, tương đương gần 60% doanh thu của những sân bay này trước khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Olivier Jankovec,Tổng Giám đốc ACI EUROPE, cho biết: “Trong bối cảnh làn sóng thứ hai, việc đảm bảo du lịch hàng không an toàn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Điều quan trọng là phải giảm thiểu rủi ro nhập khẩu và phổ biến càng nhiều càng tốt. Nhưng chắc chắn chúng tôi có thể làm tốt hơn nhiều việc giảm thiểu những rủi ro đó bằng cách kiểm tra hành khách đi máy bay thay vì kiểm dịch không thể thực thi.
Các số liệu kinh doanh được công bố cho thấy bức tranh ảm đạm đáng kể. 8 tháng sau cuộc khủng hoảng, tất cả các sân bay của châu Âu đang sử dụng tiền mặt để duy trì hoạt động, với doanh thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động chứ chưa nói đến chi phí vốn. Việc chính phủ áp đặt các biện pháp kiểm dịch thay vì kiểm tra hiện tại đang đưa các sân bay của châu Âu đến gần bờ vực hơn với mỗi ngày trôi qua”.