Mới dây, công ty tài chính quốc tế, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ chi hơn nửa tỉ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa và nông dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương ứng phó đại dịch Covid-19.
Cụ thể, IFC đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp trong khu vực, với trên 190.000 người lao động trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ và năng lượng. Tổng giá trị tài trợ ứng phó Covid-19 đạt 554 triệu USD.
Ngoài ra, IFC cũng cung cấp tổng hạn mức tài trợ thương mại ứng phó Covid-19 đạt 492 triệu USD cho các ngân hàng đối tác trong khu vực.
Hoạt động này của IFC đã giúp các định chế tài chính cung cấp thanh khoản cho các doanh nghiệp thực hiện các giao dịch thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Khoảng 17.500 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa và các công ty trong khu vực cũng là đối tượng hưởng lợi của chương trình WCS trị giá 2 tỉ USD của IFC trong năm tài chính 2020.
Mục đích của chương trình WCS là hỗ trợ các ngân hàng tại các thị trường mới nổi cung cấp tín dụng để các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm cho người lao động.
Theo ông Alfonso Garcia Mora, tân Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC, những tác động kinh tế và xã hội của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho người dân và các doanh nghiệp, để lại hậu quả dai dẳng đối với các nền kinh tế trong khu vực".
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như khu vực tài chính để các doanh nghiệp có thể tăng cường năng lực chống chịu trên con đường phục hồi hậu khủng hoảng.
Ông Alfonso Garcia Mora,Tân Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC
Chương trình WCS thuộc gói tài trợ nhanh Covid-19 trị giá 8 tỉ USD của IFC để ứng phó với tình trạng sụt giảm kinh tế toàn cầu, điển hình là sự đóng băng của ngành du lịch, sụt giảm thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng, và suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tính chung, IFC đã cam kết đầu tư 6,7 tỉ đô la Mỹ vào khu vực tư nhân ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm tài chính kết thúc vào 30/6/2020.
Trong đó, 554 triệu USD tài trợ ứng phó đại dịch đến từ gói tài chính hỗ trợ khẩn cấp Covid-19. Gần một nửa khoản tài trợ này là dành cho các quốc gia được xếp vào nhóm nghèo, dễ tổn thương, và chịu ảnh hưởng của xung đột.
Bên cạnh đó, IFC hỗ trợ khoảng 1,1 tỉ USD thương mại qua biên giới trong khu vực thông qua Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP).