Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF ngày 13/10 công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 10/2020, theo đó đánh giá tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, tuy nhiên vẫn cảnh báo về sự phục hồi "kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn".
IMF dự báo GDP toàn cầu giảm 4,4% trong 2020, cải thiện so với dự báo giảm 4,9% trong báo cáo tháng 6.
Với năm 2021, Quỹ dự kiến GDP toàn cầu tăng 5,2%, giảm nhẹ so với mức 5,4% trong báo cáo trước đó.
Dự báo của IMF dựa trên giả định rằng các biện pháp giãn cách xã hội phòng Covid-19 sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2021 và các ca lây nhiễm trong cộng đồng trên thế giới sẽ giảm vào cuối năm 2022.
Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết trong báo cáo: "Chúng tôi dự báo mức độ suy thoái của kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ không nghiêm trọng như dự báo được đưa ra hồi tháng 6".
Chuyên gia nói thêm rằng việc điều chỉnh triển vọng GDP toàn cầu theo hướng tích cực hơn là nhờ sự tăng trưởng tốt hơn mong đợi ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc trong quý II/2020 và các dấu hiệu phục hồi nhanh hơn trong quý III/2020.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 còn rất lâu nữa mới kết thúc.
IMF cho rằng các nền kinh tế trên thế giới đều buộc phải đi trên những con đường khó khăn để trở lại hoạt động bình thường như trước khi đại dịch xảy ra.
Nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định: "Kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng quá trình này có thể sẽ kéo dài, không đồng đều và không chắc chắn". Ngoài ra, bà nói thêm rằng "triển vọng hồi phục đã xấu đi đáng kể ở một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển".
Triển vọng với các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển dự kiến xấu đi, sẽ sụt giảm 3,3% trong năm nay.
Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo sẽ tăng trưởng, với mức dự kiến 1,9% trong năm nay và tăng 8,2% vào năm 2021. Ấn Độ chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất, dự báo giảm 10,3% trong năm 2020.
Trong khi đó, GDP Mỹ dự kiến giảm 4,3% trong năm 2020 (cải thiện so với mức giảm 8% trong báo cáo tháng 6). Các nền kinh tế Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha giảm khoảng 10%. GDP châu Âu giảm 8,3% (cải thiện so với mức giảm 10,2% trong báo cáo tháng 6).
Cũng trong báo cáo, IMF cho rằng triển vọng tăng trưởng trung hạn không mấy khả quan sẽ đi kèm sự gia tăng đáng kể nợ quốc gia. Theo đó, nợ quốc gia ở các nền kinh tế phát triển dự kiến đạt 125% so với GDP vào cuối năm 2021 và tăng lên khoảng 65% so với GDP ở các thị trường mới nổi.