Làn sóng sa thải nhân viên mới làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ

Nền kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi đợt sa thải nhân viên mới với số lượng ngày càng gia tăng, làm dấy lên những lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Theo tờ New York Times, các công ty hàng đầu của Mỹ bao gồm Disney, "gã khổng lồ" trong ngành bảo hiểm Allstate và hai hãng hàng không lớn gần đây đã công bố kế hoạch sa thải hơn 60.000 công nhân, và con số cắt giảm dự kiến sẽ nhiều hơn nếu gói viện trợ liên bang mới trị giá 2,2 nghìn tỉ USD để kích thích nền kinh tế không được thông qua.

Sau đợt ngừng hoạt động của các doanh nghiệp vào đầu mùa xuân, khiến 22 triệu người mất việc làm, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi vào tháng 5 và tháng 6 nhờ sự trợ giúp của gói kích thích kinh tế và lãi suất thấp chạm đáy. Nhưng việc mất đà cũng kể từ đó, cùng với những lo ngại về một đợt bùng phát thứ hai Covid-19 vào mùa thu năm nay, đã khiến nhiều chuyên gia không khỏi lo lắng về triển vọng u ám của nền kinh tế trong những tháng sắp tới.

Chuyên gia Rubeela Farooqi thuộc công ty tư vấn High Frequency Economics cho biết: "Việc sa thải như là luồng gió thổi thêm vào một thị trường lao động vốn đã yếu kém. Chừng nào virus corona vẫn chưa được kiểm soát, thì việc này sẽ trở thành một hiện tượng liên tục."

Sự lo lắng càng gia tăng thêm khi các biện pháp giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn đã giảm bớt. Bộ Thương mại Mỹ hôm 1/10 cho biết, gói cứu trợ bổ sung trị giá 600 USD một tuần cho trợ cấp thất nghiệp đã kết thúc vào tháng 8, cùng với thu nhập cá nhân cũng giảm 2,7%.

Trong một báo cáo riêng biệt, Bộ Lao động Mỹ cho biết 787.000 người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại các tiểu bang vào tuần trước.

Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Oxford Economics, cho biết: "Điều này mang lại những báo hiệu không mấy khả quan cho nền kinh tế. Sa thải nhân viên cùng với các gói cứu trợ kinh tế bị cạn kiệt cho thấy động lực rất yếu của nền kinh tế trong quí cuối cùng của năm."

Hai hãng hàng không lớn ở Mỹ là United Airlines và American Airlines hôm 1/10 cũng thông báo cắt giảm nhân viên với số lượng lên đến 30.000 người sau khi Quốc hội không thể đưa ra gói viện trợ mới cho ngành hàng không.

Làn sóng sa thải nhân viên mới làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Một khu vực khởi hành của hãng hàng không American Airlines tại Sân bay Kennedy ở New York gần như không một bóng người. (Ảnh: The New York Times).

Mặc dù, cả hai hãng đều nói với nhân viên rằng cục diện này sẽ được đảo chiều khi giới chức Mỹ đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế.

"Gã khổng lồ" trong ngành bảo hiểm Allstate hôm 30/9 cũng thông báo sẽ sa thải khoảng 3.800 nhân viên để cắt giảm chi phí, tương đương khoảng 8% trong tổng số khoảng 46.000 nhân viên tại Allstate tính đến cuối năm 2019.

Houghton Mifflin Harcourt, một trong những nhà xuất bản sách lớn nhất của Mỹ, hôm 1/10 cho biết họ đã cắt giảm 22% lực lượng lao động, bao gồm 525 nhân viên bị sa thải và 166 người đã chọn nghỉ hưu. Đây là nhà cung cấp sách và tài liệu giáo dục chính tại Mỹ, một doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc đóng cửa các trường học để thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội của chính phủ.

Hãng Walt Disney hôm 29/9 cũng thông báo rằng họ sẽ cắt giảm 28.000 việc làm, chủ yếu là tại các công viên giải trí ở Florida và California. Nhiều công nhân đã nghỉ việc kể từ mùa xuân, nhưng công ty cho biết họ sẽ cắt giảm vĩnh viễn vì "sự không chắc chắn của dịch bệnh".

Làn sóng sa thải nhân viên mới làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ - Ảnh 2.

Hãng Walt Disney cắt giảm 28.000 việc làm, chủ yếu là tại các công viên giải trí ở Florida và California. (Ảnh: The New York Times).

Lao động trong ngành du lịch, giải trí, khách sạn và nghỉ dưỡng là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, và sự ảnh hưởng sẽ vẫn tiếp tục ngay cả khi các lĩnh vực khác của nền kinh tế đã mở cửa trở lại. Hiệp hội Nhà nghỉ & Khách sạn Mỹ, cho biết nếu không có luật kích thích kinh tế mới, 74% khách sạn sẽ sa thải thêm nhân viên và 2/3 sẽ ngừng kinh doanh trong sáu tháng.

Làn sóng sa thải nhân viên mới làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ - Ảnh 3.

Lao động trong ngành du lịch, giải trí, khách sạn và nghỉ dưỡng là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. (Ảnh: The New York Times).

Ông Daco thuộc hãng tư vấn Oxford Economics cho biết: "Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khác của quá trình phục hồi và với nhu cầu về dịch vụ của nhiều công ty vẫn ở dưới mức trước đại dịch, các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm chi phí."

Chi tiêu của người tiêu dùng đối với hàng hóa, bao gồm cả tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm hay tiêu dùng lâu dài hơn như đồ gia dụng, đều tăng cao hơn mức trước đại dịch. Nhưng chi tiêu cho dịch vụ, chiếm khoảng 2/3 hoạt động kinh tế của quốc gia, vẫn giảm khoảng 8%.

Đối với nhiều người Mỹ, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi đồng nghĩa với việc đội ngũ lao động thất nghiệp sẽ gia tăng trở lại.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.