Bloomberg thậm chí còn nhận định, kế hoạch mới của Intel có thể gây ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi Thung lũng Silicon và tác động sâu sắc đến hoạt động thương mại cũng như địa chính trị toàn cầu.
30 năm qua, Intel - tập đoàn công nghệ có trụ sở tại thành phố Santa Clara (bang California) luôn là hãng chip lớn nhất thế giới nhờ sản xuất các thiết kế tốt nhất tại các nhà máy tiên tiến nhất. Nhiều trong số những nhà máy đó vẫn còn "đóng đô" tại Mỹ.
Hầu hết nhà sản xuất chip khác của Mỹ đã đóng cửa hoặc bán nhà máy nội địa từ nhiều năm trước, sau đó gia công ngoài ở khu vực khác mà chủ yếu là ở châu Á.
Trong bối cảnh đó, Intel vẫn thành công. Họ lập luận rằng áp dụng cả hai chiến lược đã giúp cải thiện mỗi phần trong hoạt động của công ty và tạo ra chất bán dẫn tốt hơn.
Tuy nhiên, chiến lược cũ của Intel đang gặp trục trặc khi nhiều nhà máy của hãng phải chật vật bắt kịp qui trình sản xuất phiên bản mới nhất của chip 7nm.
Sau khi tổng giám đốc Bob Swan thông báo Intel đang xem xét thuê gia công chip bên ngoài, cổ phiếu của tập đoàn đã lao dốc 16% trong phiên giao dịch hôm 24/7 - mức giảm nghiêm trọng nhất từ tháng 3 đến nay.
Nhà phân tích Chris Caso của ngân hàng đầu tư Raymond James nhận định: "Chúng tôi coi những sai lầm trong chiến lược của Intel là một thất bại đáng kinh ngạc đối với một tập đoàn từng mang biệt danh bất khả chiến bại. Quyết định đó cũng có thể chấm dứt ưu thế vượt trội của Intel trong ngành điện toán".
Ông Bob Swan cho rằng địa điểm sản xuất chip không thực sự quá quan trọng. Nhưng sản xuất chip nội địa đã trở thành ưu tiên quốc gia của Trung Quốc và một số chính trị gia Mỹ cũng như các chuyên gia về an ninh quốc gia xem việc đưa bí kíp công nghệ ra nước ngoài là một sai lầm nguy hiểm.
"Chúng ta đã thấy nước Mỹ dễ hứng chịu tổn hại như thế nào", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Cornyn phát biểu hồi tháng 6, khi các nhà lập pháp Mỹ đề xuất một chương trình tài trợ vốn và miễn thuế để tăng cường sản lượng chất bán dẫn tại nền kinh tế số một thế giới.
Dòng chip Xeon của Intel vận hành các máy tính và trung tâm dữ liệu có chức năng hỗ trợ thiết kế trạm phát điện hạt nhân, tàu vũ trụ và máy bay phản lực, đồng thời giúp chính phủ nhanh chóng giải mã thông tin tình báo và các thông tin quan trọng khác.
Theo Bloomberg, phần lớn dòng chip Xeon được sản xuất tại các cơ sở ở bang Oregon, Arizona và New Mexico. Nếu Intel thuê gia công ngoài, nhiều khả năng Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) sẽ đảm nhiệm công việc mới. TSMC chủ yếu tập trung vào sản xuất chip và đang dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực này.
Chris Rolland - một nhà phân tích tại công ty tư vấn Susquehanna, nhận định: "Với kế hoạch mới nhất của Intel, chúng tôi tin hãng công nghệ Mỹ gần như không có cơ hội bắt kịp hoặc vượt TSMC, ít nhất trong nửa thập kỉ tới. Thậm chí, Intel sẽ tụt lại phía sau TSMC mãi mãi".
Nhà phân tích Rolland cho rằng Intel nên bán nhà máy cho TSMC, mặc dù ông nhận thấy khả năng ấy rất thấp.
Nhiều năm qua, Intel đã chi hàng chục tỉ USD để nâng cấp hệ thống nhà máy và tất cả người tiền nhiệm của Swan đều ca ngợi đây là một lợi thế quan trọng giúp Intel vượt lên trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, Intel hưởng lợi từ qui mô của nền kinh tế Mỹ cũng như thu hút những nhà khoa học, kĩ sư kì cựu nhất.
Sự lên ngôi của điện thoại thông minh và các thiết bị động khác đã thay đổi tất cả. Intel chuyển sang nghiên cứu chip di động nhưng chưa bao giờ thực sự cam kết sản xuất và thiết kế sản phẩm trong lĩnh vực này. Thay vào đó, tập đoàn công nghệ Mỹ vẫn mải mê với hoạt động chế tạo chip máy chủ và máy tính cá nhân hiện có.
Khi doanh số bán điện thoại thông minh tăng, các hãng sản xuất điện thoại quyết định sử dụng bộ xử lí từ những công ty như Qualcomm hoặc tự thiết kế như Apple. Và chính các nhà máy của TSMC đảm nhận trách nhiệm sản xuất các linh kiện này.
Trong khi Intel chỉ sản xuất hàng trăm triệu chip mỗi năm, TSMC đã sản xuất hơn một tỉ chip/năm. Thực tế đó mang lại cho công ty Đài Loan nhiều kinh nghiệm để cải tiến nhà máy, giúp kĩ sư của TSMC vượt qua các đồng nghiệp ở Intel về kiến thức công nghệ.
Hôm 24/7, dù hoạt động sản xuất đang đình trệ, Bob Swan vẫn ca ngợi sản phẩm của Intel là tốt nhất. Tuy nhiên, thông qua gia công bên ngoài, ông Swan đang đẩy một trong những thành trì cuối cùng của ngành công nghệ Mỹ vào cảnh sụp đổ.
"Bằng cách thuê công ty khác gia công các công nghệ hàng đầu của chính mình, mà nhiều khả năng là TSMC, Intel đang tự từ bỏ nguồn lợi thế cạnh tranh của hãng trong 50 năm qua", ông Caso của Raymond James cảnh báo.