Theo thông tin từ Chứng khoán Vietcap, dự án Khu công nghiệp Sông Lô 2 (KCN SL2) tại tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 5 tới đây, thay vì trong năm 2025 như kế hoạch trước đó của chủ đầu tư.
Dự án trên do CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID, mã chứng khoán: IDV) làm chủ đầu tư với tổng diện tích 166 ha, tổng chi phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã khởi công xây dựng dự án từ năm 2021. Khách hàng mục tiêu là các công ty FDI đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất và gia công, điện tử, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp thân thiện với môi trường.
Theo kế hoạch ban đầu, KCN SL2 sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ năm 2025 với tỷ lệ lấp đầy năm đầu tiên là 15% và sẽ được lấp đầy hoàn toàn vào năm 2029. Trong giai đoạn 2025 - 2029, VPID dự báo KCN SL2 sẽ mang lại doanh thu trung bình 268 tỷ đồng – tương đương 145% doanh thu năm 2023.
Như đã đề cập, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, PVID đang có kế hoạch bàn giao KCN SL2 vào tháng 5/2024. Dự án đã nhận được yêu cầu cho thuê diện tích 10 - 40 ha từ một số nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa hoàn tất nên công ty vẫn chưa bắt đầu cho thuê. Hiện, PVID đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường đất để chuẩn bị giải phóng mặt bằng sẵn sàng bàn giao cho khách hàng.
Do đó, Vietcap kỳ vọng KCN SL2 sẽ ghi nhận doanh thu lớn hơn trong thời gian sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.
Tính đến cuối năm 2023, VPID đã thanh toán tổng chi phí bồi thường là 500 tỷ đồng cho 160 ha đất (trong tổng số 550 tỷ đồng) và đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc bàn giao khoảng 153 ha (tương đương 92% diện tích đất KCN). Dựa theo tiến độ này, Vietcap kỳ vọng PVID sẽ ghi nhận doanh thu từ KCN này vào năm 2024 thay vì năm 2025 như kế hoạch ban đầu.
Bên cạnh đó, Vietcap cũng cho rằng KCN SL2 sẽ mang lại doanh thu cao hơn dự kiến, do giá cho thuê của KCN SL2 đã tăng từ mức dự kiến là 75 - 80 USD/m2 lên mức 90 - 100 USD/m2 tại thời điểm hiện tại. Theo quan điểm của Vietcap, KCN SL2 sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu đất công nghiệp ngày càng tăng tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngoài KCN SL2 nói trên, danh mục dự án công nghiệp của VPID còn 3 dự án khác là KCN Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc - 221,5 ha), KCN Châu Sơn (tỉnh Hà Nam - 171,6 ha) và Cụm công nghiệp Hồng Đức (tỉnh Hải Dương - 75 ha).
Trong đó, tính đến cuối năm 2023, KCN Khai Quang và KCN Châu Sơn đã đạt tỷ lệ lấp đầy lần lượt là 94,6% và 91,9%. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho thuê tại 2 dự án này để lấp đầy hoàn toàn trong 3 năm tới.
Bên cạnh đó, mảng cho thuê nhà xưởng xây sẵn tại KCN Châu Sơn cũng được cho là sẽ đem lại thu nhập ổn định hơn mảng cho thuê đất KCN và sẽ tiếp tục đem lại dòng tiền ổn định của VPID trong 5 năm tới do cả 5 nhà xưởng xây sẵn đều đã được lấp đầy. Hiện, doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm nhà xưởng xây sẵn tại KCN Châu Sơn mở rộng.
Còn đối với Cụm công nghiệp Hồng Đức, VPID đã được phê duyệt đầu tư vào dự án này vào năm 2021 và hiện đang xin cấp phép xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 460 tỷ đồng. Theo Vietcap, VPID sẽ bắt đầu mở cho thuê dự án từ năm 2025. Doanh nghiệp cũng dự kiến dự án sẽ được lấp đầy hoàn toàn trong vòng 4 năm kể từ khi mở bán.
Theo nhận định của chuyên viên từ Vietcap, trong 5 năm tới, nhu cầu về đất KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng mạnh hơn nhờ vị trí chiến lược của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng địa phương và cơ sở hạ tầng kết nối với các khu vực lân cận ngày càng cải thiện.
Tỉnh Vĩnh Phúc là nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc trên Quốc lộ 2, đường sắt Hà Nội – Lào Cai và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc). Giáp với Hà Nội qua sông Hồng, tỉnh này đóng vai trò là cầu nối giữa Hà Nội với đồng bằng sông Hồng và các khu vực Tây Bắc. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc nằm gần Sân bay Quốc tế Nội Bài và có đường đi thẳng tới Cảng Hải Phòng và cảng nước sâu Cái Lân.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển. Xác định các khu công nghiệp là xương sống của sự phát triển công nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như rút ngắn 1/3 các thủ tục hành chính; hỗ trợ 100% chi phí thẩm định năng lực, 70% chi phí tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại và 70% chi phí đào tạo nhân lực, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.
Bên cạnh đó, tỉnh đang sở hữu một mạng lưới giao thông phát triển với hệ thống đường bộ bao gồm đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nhiều đường quốc lộ khác chạy qua địa bàn tỉnh; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và các tuyến đường thủy trên sông Hồng và sông Lô. Các dự án hạ tầng đang triển khai như đường Vành đai số 4, Quốc lộ 2 mở rộng (đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì), đường nối Sân bay quốc tế Nội Bài và Vĩnh Phúc,... cũng đang được đẩy nhanh tiến độ trong ngắn hạn.
Tỉnh cũng đang sở hữu Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - trung tâm logistics lớn nhất miền Bắc. Trung tâm này được xem là một "siêu cảng" nhờ có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center) và Cảng cạn (Inland Container Depot – IDC) để phục vụ hoạt động cung cấp logistics theo nhu cầu của thị trường.
Giai đoạn đầu của trung tâm bắt đầu hoạt động vào năm 2023, chủ yếu tập trung vào khai thác bãi container và các dịch vụ logistics cơ bản. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ đưa vào hoạt động đầy đủ các các dịch vụ, được dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Tính đến năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc có tổng cộng 21 KCN, trong đó có 10 KCN đang hoạt động, trong đó, KCN Khai Quang của VPID đang là một trong 6 KCN lớn nhất tỉnh.