Phần lớn ưu đãi của chính phủ Trung Quốc tập trung vào cắt giảm thuế. Ví dụ, một nhà sản xuất có thâm niên 15 năm và có thể chế tạo chip 28 nanomet hoặc tối tân hơn sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong tối đa 10 năm. Đối với các hãng sản xuất chip, thời gian ưu đãi bắt đầu từ năm kinh doanh đầu tiên có lãi.
Tuy nhiên, không chỉ nhóm doanh nghiệp chế tạo trong ngành bán dẫn mới được giảm thuế. Các doanh nghiệp khác từ thiết kế chip đến phần mềm - hai lĩnh vực mà Mỹ và châu Âu vốn đang chiếm ưu thế, cũng nhận được ưu đãi về thuế.
Chính sách mới của Bắc Kinh cũng tập trung vào tài trợ và khuyến khích doanh nghiệp niêm yết trên các sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc như Sàn Đổi mới Khoa học và Công nghệ Thượng Hải (STAR Market), hay còn được gọi là "sàn Nasdaq phiên bản Trung Quốc".
Theo kế hoạch công nghiệp "Made in China 2025", Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất khoảng 40% chất bán dẫn dùng trong nước vào năm 2020 và nâng tỉ trọng này lên 70% vào năm 2025.
Theo CNBC, hiện không rõ tỉ trọng trên đang là bao nhiêu. Tuy nhiên, đây là trọng tâm chính và cũng là một mục tiêu mà Bắc Kinh theo đuổi trong suốt 18 tháng qua khi căng thẳng với Washington leo thang.
"Tôi cho rằng chiến tranh lạnh về công nghệ chính là lí do tại sao Trung Quốc tăng cường năng lực kĩ thuật và tích cực thúc đẩy ngành bán dẫn nội địa để tránh nguy cơ bị đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng công nghệ bởi chính sách hiếu chiến của Mỹ", ông Neil Campling - trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông của Mirabaud Securities, cho hay.
Giới phân tích đang hoài nghi liệu các chính sách mới nhất có thể tạo ra tác động lớn cho ngành bán dẫn của Trung Quốc hay không.
Ông Dan Wang - nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, nhận định: "Thông báo của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc chủ yếu tập trung vào giảm thuế. Chính sách này không thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn được".
"Tuy nhiên, ưu đãi mới là tín hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh đặc biệt ủng hộ ngành bán dẫn về mặt chính trị", ông Wang chia sẻ với CNBC.
Kích thích cho ngành công nghiệp chip ở Trung Quốc không phải là điều gì mới mẻ. Năm 2014, Bắc Kinh đã thành lập một quĩ quốc gia trị giá hàng tỉ USD để đầu tư vào các hãng sản xuất chip và năm ngoái lại tạo thêm một quĩ khác.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và một số nước/vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Đài Loan về kích thích cho ngành bán dẫn.
"Bắc Kinh đã rót nhiều tiền vào các lĩnh vực khác nhau của ngành công nghiệp bán dẫn kể từ khi thành lập Quĩ Đầu tư IC (mạch tích hợp) Quốc gia vào năm 2014 nhưng đến nay chỉ mới đạt được thành công bước đầu", ông Paul Triolo - nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, lí giải.
"Nguyên nhân là vì ngành công nghiệp bán dẫn có tính toàn cầu hóa, cạnh tranh cao và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường. Hơn nữa, doanh nghiệp trong ngành cần nhiều hỗ trợ hơn là tiền để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế", ông Triolo nói tiếp.
"Ưu đãi về thuế trong chính sách mới sẽ giúp ích cho một số lĩnh vực, tuy nhiên trong ngắn hạn sẽ chỉ mang lại tác động nhỏ đến vị thế của các công ty bán dẫn Trung Quốc trong chuỗi giá trị, ít tăng tính cạnh tranh của các hãng này trên toàn cầu", ông Triolo tiếp tục.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Huawei cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các hãng chip bên ngoài. Washington qui định các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng công nghệ chip của Mỹ phải có giấy phép trước khi bán chất bán dẫn cho Huawei.
Huawei phụ thuộc vào TSMC của Đài Loan cho dòng chip 7 nanomet dùng trong các mẫu điện thoại thông minh của hãng này. Tuy nhiên, TSMC lại bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới nhất của chính phủ Mỹ. Đây là các chất bán dẫn tiên tiến và không công ty Trung Quốc nào có thể sản xuất với qui mô mà Huawei cần.
Ngay cả hãng chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng không thể đáp ứng nhu cầu của Huawei, CNBC đưa tin.
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn khá phức tạp. Ví dụ, dù Huawei thiết kế chip của riêng họ, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn cần TSMC sản xuất sản phẩm. Ngoài ra, qui trình sản xuất sử dụng nhiều thiết bị phức tạp mà chỉ một số công ty có thể chế tạo được.
Ví dụ, công ty ASML của Hà Lan chế tạo một thiết bị gọi là quang khắc cực tím (EUV). Thiết bị này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất những con chip tiên tiến nhất của TSMC và Samsung.
Tuy nhiên, đầu năm nay Reuters đưa tin Mỹ đã gây áp lực buộc chính phủ Hà Lan ngừng bán máy ASML cho SMIC. Lô hàng đó đã không đến được Trung Quốc.
Các trở ngại này có thể khiến Trung Quốc khó bắt kịp ngành bán dẫn Mỹ ở thời điểm hiện tại.
"Quyền tiếp cận các công cụ tiến tiến vẫn do chính phủ Mỹ kiểm soát vì chúng có chứa chất xám của giới khoa học Mỹ. Đây sẽ là yếu tố hạn chế đối với Trung Quốc", ông Triolo nhấn mạnh.
"Không có khoản đầu tư nào từ chính phủ có thể vượt qua hạn chế về thiết bị sản xuất như EUV", nhà phân tích cấp cao của Eurasia Group cho hay.
Tuy nhiên, dường như Trung Quốc đang tiến hành kế hoạch theo cách gián tiếp. Nikkei Asian Review đưa tin hai dự án chế tạo chip cho chính quyền Bắc Kinh hậu thuẫn đã cùng nhau thuê hơn 100 kĩ sư và nhà quản lí kì cựu từ TSMC từ năm ngoái.
Các nguồn tin của Nikkei cho biết việc tuyển dụng này là nhằm giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước để có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào nhà cung ứng nước ngoài.
Hai dự án mang tên Quanxin Integrated Circuit Manufacturing (hay QXIC) và Wuhan Hongxin Semiconductor Manufacturing (hay HSMC) cùng các công ty liên kết và công ty con đều ít được biết đến bên ngoài ngành bán dẫn.
Ngoài thuê cựu nhân viên của TSMC, hai công ty trên còn được dẫn dắt bởi cựu giám đốc của TSMC với uy tín lâu năm trong ngành bán dẫn.