Khách hàng tố Phúc Long và Highlands Coffee ‘làm màu’ bảo vệ môi trường, kêu gọi tẩy chay

Gần 18.000 người lên tiếng yêu cầu giảm rác thải nhựa, Phúc Long và Highlands Coffee dường như vẫn thờ ơ, thậm chí còn “làm màu” về các chiến dịch bảo vệ môi trường.

Cư dân mạng đồng loạt kêu gọi tẩy chay chuỗi thức uống Phúc Long vì cố tình "ngụy trang" việc phân loại cho thùng rác tại cửa hàng. Phong trào tẩy chay này xuất phát từ bài đăng của chị D. Trần , đến nay đã nhận được hơn 6.100 lượt bình luận và 4.500 lượt chia sẻ.

Phúc Long "ngụy trang" thùng rác phân loại

Trong bài đăng trên trang cá nhân của mình, chị D. Trần nêu rõ: "Sống xanh đối với doanh nghiệp có thể tốn kém và bất tiện. Bạn có thể không làm. Nhưng đừng dối trá, trơ trẽn và xem thường khách hàng của bạn, như việc để trên nắp thùng rác nhiều ô khác nhau như thể bạn quan tâm đến việc phân loại lắm, và bên dưới thì để 1 túi to tất cả trong 1!!!". Chị khẳng định: "Đây là lần cuối tôi đến Phúc Long".

Theo đó, tại cửa hàng của Phúc Long, thương hiệu này đặt một thùng rác to, bên trên có gắn các khung phân thành 10 loại rác khác nhau. Trên mỗi khung còn có dán nhãn loại rác bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để khách nhận biết.

Nhưng điều gây bức xúc nằm ở việc bên dưới khung phân loại rác thực chất chỉ có một thùng rác to. Vì thế, dù khách hàng có bỏ rác đúng khung thì tất cả cũng "về một nhà".

70486813_402523830454913_4328517634896166912_o

Phân loại rác để rồi tất cả cùng "về một nhà". (Ảnh: D. Trần).

Đây không phải là lần đầu tiên Phúc Long vấp phải phản ứng trái chiều từ người tiêu dùng về việc thiếu trách nhiệm với môi trường. Trước đó, Phúc Long từng bị cộng đồng mạng "ném đá" khi thông báo trên fanpage về việc bán thêm li nhựa để… đựng đá riêng với giá 2.000 đồng vào tháng 3 năm nay. Thương hiệu này còn giải thích mục đích của việc này là để đảm bảo quá trình vận chuyển an toàn và vệ sinh thực phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng Phúc Long liên tiếp mắc sai lầm và thờ ơ trước góp ý của khách hàng. Vì thế, sau sự vụ này, nhiều người đồng tình và lan truyền thông điệp: "Đây là lần cuối tôi đến Phúc Long".

Highlands Coffee: Muốn không nhựa, khách phải yêu cầu

Trước đó, chuỗi cà phê Highlands Coffee cũng gặp phải trường hợp tương tự. Fanpage của thương hiệu đẩy mạnh việc quảng bá chiến dịch vì môi trường "Những cách tay xanh", hạn chế dùng đồ nhựa tại quán và khuyến khích người dùng mang ly cá nhân để được miễn phí up-size đồ uống.

Chiến dịch nêu rõ thông điệp: "Cùng nhau giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, vì lợi ích lâu dài của cuộc sống và môi trường". Highlands Coffee còn quảng cáo hẳn chiến dịch này trên màn hình thiết bị điện tử của khách hàng mỗi khi được kết nối wifi.

Nhưng thực tế, khi trải nghiệm đồ uống tại quán, nhân viên vẫn thản nhiên dùng đồ nhựa vì "ở đây khách muốn uống cốc không nhựa thì phải yêu cầu riêng". Sự vụ này được một nhà báo "vạch trần" trên trang cá nhân.

photo-4-15668887934441656693194

Quảng cáo chỉ dùng ống hút và muỗng nhựa "khi khách hàng có yêu cầu" nhưng nếu khách muốn dùng li không nhựa tại chỗ cũng phải tự lên tiếng. (Ảnh: Fanpage Highlands Coffee).

Theo đó, khi được hỏi lí do vẫn dùng đồ nhựa, nhân viên một cửa hàng Highlands Coffee giải thích: "Highlands quy định đồ uống phục vụ bằng cốc nhựa, trừ khi khách gọi đồ nóng, chế nước sôi. Với lại, nếu khách nào cũng yêu cầu dùng cốc không nhựa, thì cửa hàng không có chỗ rửa và không rửa kịp!".

Đại diện Highlands Coffee sau đó đã lên tiếng trước truyền thông rằng họ đang nỗ lực từng bước cải thiện việc giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên lời giải thích vẫn còn bỏ ngõ việc có dừng dùng đồ nhựa tại quán không.

Gần 18.000 người kêu gọi Highlands Coffee và Phúc Long giảm nhựa

Tổ chức Nói không với túi nylon cũng đã chạy chiến dịch "Yêu cầu Highlands Coffee, Phúc Long Coffee & Tea và các cửa hàng F&B ngưng sử dụng cốc nhựa tại cửa hàng".

Theo tổ chức này, những năm qua, mỗi ngày 2 thương hiệu đồ uống lớn nhất Việt Nam đang thải ra môi trường hàng chục nghìn cốc nhựa, cốc giấy dùng một lần, kể cả đối với khách hàng uống tại cửa hàng. Đáng lưu ý, cốc giấy đựng đồ uống vẫn có tráng lớp nhựa bên trong nên về bản chất vẫn như đồ nhựa, thậm chí còn tệ hơn vì không thể tái chế.

Tổ chức này nêu lí do Việt Nam hiện là nước thải rác nhựa ra biển đứng thứ 4 trên thế giới. Việc các hãng đồ uống như Highlands Coffee, Phúc Long Coffee & Tea vẫn tiếp tục sử dụng đồ nhựa dùng một lần, kể cả với khách tại cửa hàng không những\ thể hiện sự bàng quan trước hiện trạng chung về môi trường, mà còn về sức khỏe lâu dài của người tiêu dùng.

photo-1-1566888791020157567293-1569149134590772056266

Mỗi ngày Highlands và Phúc Long thải ra hàng vạn rác nhựa. (Ảnh: VCC).

Thay mặt cộng đồng những người muốn được sống trong một môi trường trong lành và an toàn, tổ chức Nói không với túi nylon lập "bản thỉnh nguyện" này với mong muốn nhận được chữ kí của 100.000 người để thể hiện cho các chuỗi đồ uống này rằng: "Người tiêu dùng chúng ta không đồng tình với chính sách hiện giờ của họ".

Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng: "Bản kiến nghị này được tạo ra với hi vọng các chuỗi cửa hàng có những chính sách văn minh hơn để hoàn thiện sản phẩm cũng như dịch vụ của mình, chứ không phải là kêu gọi tẩy chay, ném đá họ".

Hiện, bản kiến nghị này đã nhận được gần 18.000 chữ kí. Tuy nhiên, phía Highlands Coffee và Phúc Long chưa hề "đá động" gì đến yêu cầu của gần 18.000 khách hàng trên.

Để kinh doanh bền vững, cần có lòng yêu thương với môi trường

Chia sẻ về kinh doanh bền vững, Nguyễn Dạ Quyên, đồng sáng lập chuỗi cửa hàng thân thiện với môi trường Lại Đây Refill Station cho biết: "Kinh doanh theo hướng bền vững phải có đường đi chậm hơn và thận trọng hơn so với kinh doanh thông thường".

Mô hình kinh doanh đối với các doanh nghiệp bền vững cần phải được xây dựng lâu dài và cần nhiều tâm huyết. Người chủ ngoài cái tâm, cần thật sự hiểu biết về kinh tế tuần hoàn.

Chị thừa nhận trên thực tế, sự bền vững gây nhiều bất tiện cho người kinh doanh. Vì thế, nếu muốn kinh doanh bền vững cần phải kiên định trong việc đánh đổi sự tiện lợi để có được sự bền vững.

Dạ Quyên nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không thật sự hiểu về bền vững và có lòng yêu thương với môi trường, chúng ta sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và ngộp trước quá nhiều việc phải làm". Vì thế, nếu chỉ "qua loa" và "làm màu" chỉ rước thêm phiền toái từ chính sự bền vững, hơn hết là phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng.

Theo chị, bền vững vẫn còn rất nhiều thứ, không chỉ là nhựa. Vấn đề rác thải, lãng phí điện, nước, thức ăn… khi ta sản xuất mới là thứ quan trọng hơn.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.