Khai thác hai cao tốc đi qua 5 tỉnh

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Diễn Châu – Bãi Vọt trên tuyến bắc nam chính thức đưa vào khai thác, chiều 28/4.

Tại lễ khánh thành dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo tổ chức ở cửa bắc hầm Núi Vung, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu sớm đưa hai dự án vào khai thác.

Theo lãnh đạo Chính phủ, với các dự án gặp khó, đơn vị liên quan cần thấu hiểu và tháo gỡ kịp thời. Bộ Giao thông Vận tải và các ban quản lý dự án thời gian qua có nhiều nỗ lực để dự án về đích, song cần làm tốt hơn nữa ở giai đoạn tiếp theo.

Sau lễ khánh thành, các ôtô xuất phát từ hầm Núi Vung để chạy trên cao tốc, chiều 28/4. (Ảnh: Việt Quốc).

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng kinh phí 8.925 tỷ đồng do liên danh Tập đoàn Đèo Cả, Công ty xây dựng Đèo Cả và Tổng công ty đầu tư xây dựng 194 thực hiện.

Tuyến qua địa phận TP Cam Ranh (Khánh Hòa); các huyện Thuận Bắc, Bắc Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam (Ninh Thuận) và huyện Tuy Phong (Bình Thuận) với chiều dài 78,5 km, quy mô nền đường 17 m, 4 làn xe không có làn khẩn cấp (chỉ có điểm dừng khẩn cấp cách 4-5 km), vận tốc tối đa 90 km/h.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đoạn qua cánh đồng điện gió huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. (Ảnh: Việt Quốc).

Dự án có điều đầu tại nút giao Cam Ranh (tiếp giáp điểm cuối tốc Nha Trang - Cam Lâm) và điểm cuối gần nút giao Vĩnh Hảo (điểm đầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết)

Khởi công từ tháng 9/2021, đến nay, cao tốc đã hoàn thành đồng bộ 70 km đường, 35 cầu, 2 nút giao liên thông, 69 km đường gom, 2,25 km đường hầm xuyên núi... Trước đó, hôm 26/4, tuyến đã thông xe phục vụ nhu cầu đi lại gia tăng dịp lễ. Chủ đầu tư sẽ thu phí trên tuyến vào ngày 2/5, song chưa công bố mức phí.

Cam Lâm - Vĩnh Hảo là đoạn cao tốc cuối nối Sài Gòn với Nha Trang, cùng với 4 đoạn đã hoàn thành trước đó, giúp rút ngắn thời gian chặng này chỉ còn 4-5 giờ, giảm một nửa so với chạy quốc lộ 1.

Tại Nghệ An, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe 30 km của cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, đoạn từ Diễn Châu đến nút giao quốc lộ 46B, qua địa phận các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.

Cầu vượt núi trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt. (Ảnh: Hùng Lê).

Cao tốc nối Nghệ An và Hà Tĩnh dài hơn 49 km, khởi công tháng 5/2021 với tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, kết nối cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Điểm cuối dự án tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc nút giao nối cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi. Đoạn qua Nghệ An dài 44,4 km, qua Hà Tĩnh dài 4,9 km.

Tuyến đường cùng với quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu tạo trục dọc xuyên suốt từ cao tốc Pháp Vân (Hà Nội) đến TP Vinh (Nghệ An) với tổng chiều dài 280 km. Công trình góp phần rút ngắn thời gian từ Hà Nội về TP Vinh (Nghệ An) từ hơn 5 tiếng nếu đi quốc lộ 1 xuống còn 4 tiếng.

Theo Bộ Giao thông Vận Tải, giai đoạn khởi công năm 2020-2021, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo gặp nhiều khó khăn khi cả nước trải qua Covid-19. Nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội nên nhà thầu không thể di chuyển nhân sự, máy móc vào công trường.

Dự án trải dài qua nhiều khu vực, địa hình, địa chất phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết kế kỹ thuật đảm bảo chất lượng. Giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng đầu năm 2022 tăng, vật liệu đắp nền đường khan hiếm ảnh hưởng tiến độ thi công. Dù vậy, với sự chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, nhiều giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn.

Vị trí hai cao tốc sẽ được khánh thành chiều 28/4. (Đồ hoạ: Khánh Hoàng).

Nhà chức trách kỳ vọng hai dự án đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương có cao tốc đi qua, giảm tải áp lực giao thông cho quốc lộ 1, kích cầu tiềm năng du lịch khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km. Trong đó, có 8 dự án thành phần được đầu tư công với chiều dài 477 km và 3 dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với chiều dài 177 km.

Đến nay, có 11 dự án được đưa vào khai thác với chiều dài 634 km, nâng tổng số km cao tốc trục Bắc Nam lên 2.000 km. Dự kiến năm 2025, 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 và một số đoạn khác cơ bản hoàn thành để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

chọn
Khu đô thị chậm triển khai hơn chục năm ở Đà Lạt tăng vốn gấp 21 lần, hẹn hoàn thành vào 2029
Khu đô thị mới số 6 Trại Mát tại phường 11, TP Đà Lạt được cấp chứng nhận đầu tư từ 2007, nhiều năm sau đó chậm triển khai do vướng GPMB. Đầu năm 2023, dự án này được khởi công, đến cuối 2023 đã điều chỉnh vốn từ 167 tỷ đồng lên hơn 3.500 tỷ đồng.