Cảng Hòn Rớ – TP Nha Trang nhiều ngày qua nhộn nhịp hơn hẳn khi một số tàu cá chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa trúng đậm. Nhiều tàu đạt khoảng 10 - 20 tấn cá/chuyến biển.
Ông Mai Quốc Vương, thuyền trưởng tàu cá KH-90677-TS, xã Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết, sau 20 ngày bám biển, tàu của ông đánh bắt được khoảng 20 tấn cá ngừ sọt dưa tại ngư trường Trường Sa.
Với giá cá dao động từ công ty thu mua khoảng 22.000 - 25.000 đồng/kg và giá chợ khoảng 40.000 đồng/kg, tàu anh Vương thu về gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu này lời vài trăm triệu đồng.
Theo ông Vương, thời gian qua, để gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam, các tàu cá kiên quyết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
"Chúng tôi đánh bắt theo bản đồ khuyến cáo cơ quan chức năng, lúc nào cũng cách vùng biển giáp biên các nước khoảng 10 hải lí. Chuyến biển này, trừ các chi phí chúng tôi lời vài trăm triệu", anh Vương cho biết.
Một số tàu cá khác cũng đạt sản lượng đánh bắt trên 10 tấn cá, sau khi trừ phí tổn thu lời hơn 100 triệu đồng. Ông Huỳnh Điệm, thuyền trưởng tàu cá KH-99171-TS, cho biết chuyến biển này tàu đánh bắt tại ngư trường Trường Sa được 10 tấn cá sọc dưa, doanh thu hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tàu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Đây là khoảng lời cao sau một thời gian dài ngành đánh bắt thủy sản gặp khó khi ảnh hưởng dịch Covid-19. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ không thể xuất hàng đi các nước ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lượng thu mua nguyên liệu từ ngư dân giảm mạnh.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lí cảng Hòn Rớ xác nhận việc một số tàu cá đạt sản lượng cao trong chuyến biển vừa qua. Bình quân mỗi tàu đạt sản lượng 7-8 tấn, có những tàu gặp cá thì sản lượng khá hơn.
Theo ông Hiếu, cá ngừ sọc dưa thường được thu mua để bán chợ và một số công ty thu mua để sản xuất đồ hộp.
"Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện các công ty thu mua cá ngừ sọc dưa không mạnh như giai đoạn trước do cá ngừ sọc dưa phải cạnh tranh giá với cá nhập khẩu.
Riêng cá ngừ đại dương gần như các doanh nghiệp đã ngừng thu mua do không xuất khẩu được trong giai đoạn trước. Hiện tình hình xuất khẩu có chuyển biến nhưng nguồn hàng tồn kho của các doanh nghiệp này vẫn cao", ông Hiếu cho biết.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), bước vào quí IV/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang một số thị trường chính đã chuyển biến tích cực.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt gần 65,5 triệu USD.
Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của DN Việt Nam với giá trị đạt 235,5 triệu USD, chiếm hơn 43% tổng giá trị xuất khẩu.
Giá trị xuất khẩu sang thị trường này vẫn tiếp tục phục hồi và ổn định trở lại sau 5 tháng sụt giảm liên tục do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp nên chưa thể bù đắp lại lượng sụt giảm từ đầu năm.
Đứng sau Mỹ là thị trường EU, các nước ASEAN và Nhật Bản. VASEP cũng cho biết, Dự kiến, xu hướng tích cực của các thị trường sẽ còn tiếp tục trong hai tháng cuối năm do các nước đang bước vào dịp lễ lớn cuối năm, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao hơn.
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh này có hơn 4.200 tàu khai thác thủy sản, trong đó 750 tàu có chiều dài hơn 15 m.
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Khánh Hòa, ước cả năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 110,9 nghìn tấn, tăng 1,7% so với năm ngoái. Trong đó sản lượng thủy sản khai thác đạt 97,4 nghìn tấn.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 450 tàu cá đánh bắt ở vùng biển xa, bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, số tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương chiếm khoảng 200 tàu.