Khánh Hòa sẽ cưỡng chế di dời người nuôi thủy sản trên biển vào bờ trước bão đổ bộ

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ra công điện khẩn chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ trên địa bàn.

Áp thấp có thể mạnh thành bão

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang tiếp tục mạnh lên, khả năng chiều tối 29/10 sẽ mạnh lên thành bão có thể ảnh hưởng lớn đến Khánh Hòa.

Do tác động của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão các tỉnh ven biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió mạnh, sóng lớn, mưa lớn có nguy cơ gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ kéo dài.

neo dau tau thuyen tranh bao

Hàng trăm tàu thuyền đã neo đậu tránh bão tại cảng Hòn Rớ Nha Trang. (Ảnh: Khải An)

Dự báo, bão sẽ vào sâu từ 18 giờ đến 21 giờ ngày 30/10 với cường độ khi đổ bộ cấp 8 giật cấp 9-10. Theo đó, tại Khánh Hòa từ ngày 31/10 dự kiến có mưa to đến rất to từ 250-350mm, khả năng xuất hiện đợt lũ trên các sông Dinh (Ninh Hòa), sông Cái (Nha Trang) nằm ở mức báo động 2-3. Các địa phương cần đề phòng nguy cơ lũ quét cục bộ, sạt lở đất, đặc biệt lưu ý vùng nuôi trồng thủy sản trên biển.

Kiên quyết di dời dân nuôi trồng trên bè

Theo ghi nhận của chúng tôi, chiều nay hàng trăm tàu cá của ngư dân tỉnh Khánh Hòa đã vào các khu neo đậu tại 4 vịnh, cửa sông để neo đậu an toàn, sẵn sàng ứng phó với mưa, bão.

Theo thống kê, Khánh Hòa có gần 9.800 tàu cá, với khoảng 33 ngàn lao động, các tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm thông tin về áp thấp nhiệt đới và chủ động có kế hoạch phòng tránh an toàn.

bao so 5-crop

Khánh Hòa sẽ cưỡng chế nếu người dân không chịu di dời khỏi bè nuôi trồng thủy sản để tránh bão. (Ảnh: Khải An)

Công điện chỉ đạo trước mắt của các địa phương khẩn trương di dời lồng bè, đưa lao động trên các bè lên bờ trước khi bão vào. Đồng thời, rà soát, sơ tán người dân và tài sản tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết toàn huyện có khoảng 40.000 lồng nuôi tôm, cá với gần 3.000 lao động. Huyện đã tổ chức rà soát đến cuối ngày 29/10 phải bảo đảm 100% số lao động trên các lồng bè nắm được thông tin, đưa bè về nơi an toàn.

"Hậu quả cơn bão 12/2017 đến nay vẫn chưa khắc phục xong do đó người dân hết sức đề phòng. Trong chiều 29/10 đích thân tôi sẽ đi kiểm tra. Nếu lồng bè nào không di dời chúng tôi sẽ cưỡng chế. Bất cứ thông tin gì người dân có thể điện vào số 02583.912.833"- ông Phẩm cho biết.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã đảo Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, với số lượng 300 bè, tương ứng 8.000 lồng, Cam Bình là một trong những xã có số lồng bè trên biển nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa. Từ chiều nay, xã đã yêu cầu tất cả các lao động trên bè lên bờ, đồng thời sẽ cưỡng chế, xử những người không chấp hành.

"Nhận thức của họ chưa thấu đáo về tính mạng, sẽ có thông báo, đưa vào xử hành chính. Sau đó thông báo lên đài truyền thanh. Để cho bà con nhân dân thấy được trách nhiệm của mình trong phòng chống thiên tai, làm sao không ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân", ông Ân cho biết.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, các tàu cá hoạt động trên các vùng biển đã nắm thông tin về áp thấp nhiệt đới và chủ động có kế hoạch phòng tránh an toàn. Hiện 142 tàu cá với gần 1.500 lao động đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển chủ yếu ven Khánh Hòa.

sat lo Nha Trang  4

TP Nha Trang có khoảng 80 điềm xung yếu có khả năng sạt lở do mưa bão. (Ảnh: Khải An)

Lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho biết qua thống kê TP Nha Trang có 80 điểm xung yếu có khả năng xảy ra sạt trượt, lở đất đá khi xảy ra mưa lớn tại 19/27 xã, phường; có 89 điểm sẽ xảy ra ngập, trong đó có 40 điểm ngập đường và 49 điểm ngập khu dân cư. Trong điều kiện xuất hiện mưa từ 200 đến 500mm từ 2 đến 4 ngày (rủi ro thiên tai cấp độ 2 - 3), TP sẽ tiến hành sơ tán người dân khỏi nơi xung yếu với khoảng 7.500 hộ, 31.350 người dân.

"Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương bố trí khoảng 2.000 nhân sự, phải thực hiện nghiêm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng để phòng chống thiên tai, mưa lớn"- vị đại diện TP Nha Trang cho biết.

Ông Lê Tấn Bản - Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Khánh Hòa - lưu ý các địa phương ven biển cần đặc biệt ưu tiên di dời lồng bè và lao động khẩn trương vào bờ trước khi bão vào nhất ở các địa phương ven biển như Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang.

"Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm, xung yếu...", ông Bản cho biết.

Để đảm bảo an toàn UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các cơ sở trên địa bàn cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong 2 ngày 30-31/10. Đồng thời cũng cấm biển, không cho tàu cá, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy ra khơi sau 12h ngày 30/10. Đối với các ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản ở các lồng bè trên biển phải vào bờ trước 16h ngày 30/10. Trường hợp nào không chấp hành cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế, buộc vào đất liền tránh trú.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.