Âm nhạc từ lâu đã là món ăn tinh thần không thể thiếu được của mỗi con người. Xã hội càng phát triển, nhu cầu thưởng thức âm nhạc càng nâng cao. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, người ta đi “xem” ca nhạc hơn là đi “nghe” ca nhạc. Điều này khiến không ít người lo lắng. Phải chăng thứ âm nhạc thực sự không còn chỗ đứng?
Âm nhạc đáp ứng phần “nhìn” hơn phần nghe
Âm nhạc Việt Nam đang “trẻ hoá” với tốc độ nhanh. Sự xuất hiện của các gương mặt nhạc sĩ, ca sĩ mới như Hà Hồ, Tóc Tiên, Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Sơn Tùng… đem đến sự phát triển sôi động của thị trường âm nhạc nước nhà. Âm nhạc Việt ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với âm nhạc thế giới về xu hướng và phong cách. Điều này đã thổi vào thị trường âm nhạc Việt những luồng gió đổi mới sâu sắc cho nhạc Việt.
Chưa bao giờ ca sĩ biểu diễn trên sân khấu lại sexy và lạm dụng vũ đạo nhiều như hiện nay |
Tuy nhiên, xu hướng thị trường đang chiếm ưu thế trong nhạc Việt. Các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ thường sáng tác và biểu diễn theo thị hiếu của đám đông. Sự pha tạp giữa các thể loại, các phong cách âm nhạc khiến cho nhạc Việt giống như một nổi lẩu thập cẩm. Nó không có một con đường phát triển rõ ràng mà chạy theo nhu cầu và thị hiếu của đám đông.
Vì vậy, dòng âm nhạc này “lấy lòng” được người xem. Những show nhạc thị trường thường rất đông khán giả. Ngoài âm nhạc sôi động, các ca sĩ cũng chọn những bộ trang phục sexy, lạ mắt nhất nhằm đáp ứng phần “nhìn” của khán giả.
Chưa bao giờ khán giả “được” chứng kiến ca sĩ ăn mặc hở hang táo bạo đến vậy. Những pha “lộ hàng” trên sân khấu ngày càng nhiều; những màn vũ đạo với lượng vũ công khổng lồ cũng những động tác khiêu vũ sexy ngày càng phổ biến trong các chương trình ca nhạc. Có lẽ vì vậy, khái niệm đi “xem” ca nhạc ngày càng phổ biến. Người ta đến các show diễn không phải để thưởng thức âm nhạc mà để…xem ca sĩ.
Các ca khúc sáng tác theo xu hướng thị trường thường khá đơn điệu về âm nhạc, hời hợt về ca từ. Đương nhiên, sức sống của những ca khúc này khá yếu ớt. Thậm chí, khán giả sẽ quên ngay sau khi nghe. Nhiều ca khúc được coi là “bản hit” cũng chỉ tồn tại được một vài năm rồi lại chìm vào quên lãng.
Trong khi đó, các sản phẩm âm nhạc được coi là nghệ thuật thường khá kén người nghe. Những ca khúc được liệt vào dạng “nghệ thuật” ngày càng xa rời đại bộ phận công chúng. Những người trong dòng nhạc nghệ thuật này thường có cái tôi khá lớn. Họ không chấp nhận sự dễ dãi trong âm nhạc.
Dòng nhạc thị trường thường "chết yểu" |
Thậm chí, họ cũng không quan tâm nhiều đến việc liệu khán giả có chấp nhận sản phẩm âm nhạc của mình hay không. Họ không cần biết khán giả thích nghe gì mà chỉ quan tâm đến việc họ thích viết về điều gì. Họ làm vì đam mê và cho rằng nhạc của mình là thứ nhạc “hàn lâm” và những người “nghe được” nó là những người thực sự có trình độ. Đương nhiên, dòng nhạc này ít khán giả.
Khán giả nghe nhạc để giải trí
Nhiều người cho rằng, xu hướng nghe hiện nay của khán giả ngày càng đơn giản. Họ đến với âm nhạc đơn thuần chỉ để giải trí. Rất ít người nghe nhạc để suy nghĩ và tìm ra “một cái gì đó” mà tác giả gửi gắm trong sản phẩm âm nhạc của mình. Vì vậy, những ca khúc có ca từ đơn giản, dễ nghe, hài hước hoặc tự sự….thường được nhiều người quan tâm.
Sự thành công của "Miền nhiệt đới" cho thấy thứ âm nhạc "tử tế" vẫn có đất sống lâu dài trong lòng khán giả |
Xét đến cùng, mỗi một tác phẩm nghệ thuật (trong đó có âm nhạc) đều phải đến được với công chúng và được họ chấp nhận. Nếu không có khán giả thì dù có “nghệ thuật” đến đâu cũng không có giá trị. Bởi giá trị tối thượng với một sản phẩm âm nhạc là sự chấp nhận của khán giả.
Tuy nhiên, sẽ là vô cùng nguy hiểm nếu âm nhạc cứ chạy theo thị hiếu khán giả. Bởi nó sẽ sản sinh ra một thứ âm nhạc mờ nhạt, không bản sắc.
Thực ra, âm nhạc không chỉ gói gọn trong ca từ và giai điệu. Việc đáp ứng phần nhìn cũng là một xu hướng cần được tôn trọng hiện nay. Một sản phẩm âm nhạc vừa phải thoả mãn được “tai nghe” vừa phải thoả mãn được “mắt nhìn” của người xem. Sự kết hợp giữa âm nhạc phục vụ khán giả với âm nhạc hàn lâm vị nghệ thuật vẫn luôn được đánh giá cao.
Những sản phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng về mặt âm nhạc và hình ảnh vẫn luôn được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Chẳng hạn, album “Miền nhiệt đới” của nhóm M6 dù chỉ mới ra mắt đã tạo ra được một hiệu ứng tốt cho khán giả và được khán giả chấp nhận một cách đầy hào hứng.
Tác phẩm âm nhạc nếu chỉ chạy theo xu hướng thì nó dễ bị “chết yểu”. Nhưng nếu nhạc sĩ sáng tác chỉ nhằm mục đích nghệ thuật mà “quên đi khán giả” thì tác phẩm ấy sẽ không có đất sống. Chỉ khi kết hợp được “cái tôi” của người nghệ sỹ với xu hướng thưởng thức của khán giả thì tác phẩm âm nhạc mới có sức sống lâu dài trong nên âm nhạc ngày càng phát triển theo xu hướng toàn cầu hoá hiện nay.