Khi sử dụng thẻ tín dụng, chủ thẻ cần chi trả những chi phí gì?

Phí thẻ tín dụng là khoản phí mà ngân hàng hoặc tổ chức phát hành thẻ thu khi khách hàng có nhu cầu mở thẻ, duy trì sử dụng thẻ hoặc khi rút tiền mặt… Hiện nay, khi sử dụng thẻ tín dụng khách hàng sẽ phải chịu những khoản phí khác nhau và với những loại phí này mỗi ngân hàng, tổ chức phát hành sẽ có mức quy định riêng.

Phương thức thanh toán bằng tiền mặt không còn là lựa chọn duy nhất trong nhịp sống hiện đại. Ngày nay các loại dịch vụ từ ăn uống đến mua sắm, dịch vụ giáo dục, bảo hiểm,… đều được chi trả bằng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng. Đây là điều rất tiện lợi, nhất là đối với những người hay di chuyển xa như đi công tác, du lịch. 

Tuy nhiên khi dùng thẻ tín dụng, khách hàng cần lưu ý các loại phí cần phải trả tránh trường hợp rủi ro và chi phí phát sinh lớn. Sau đây là 9 loại phí khi sử dụng thẻ tín dụng mà chủ thẻ nên biết. 

Khi sử dụng thẻ tín dụng, chủ thẻ cần chi trả những chi phí gì?  - Ảnh 1.

Các loại thẻ tín dụng của Sacombank theo nhiều cấp bậc khác nhau. (Ảnh: Sacombank).

1. Phí phát hành thẻ

Đây là loại phí đầu tiên bạn cần chi trả khi có nhu cầu lập thẻ tín dụng. Phí phát hành thẻ được hiểu như là mức giá bạn cần trả để có thẻ đăng kí làm thẻ tín dụng. Phí phát hành thẻ được áp dụng cho tất cả các loại thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ, ATM, Visa, Mastercard…) khi khách hàng có nhu cầu làm thẻ.

Tùy ngân hàng qui định mà mức phí phát hành thẻ tín dụng cũng sẽ khác nhau. Một số ngân hàng không yêu cầu phí phát hành đối với các thẻ tín dụng thường,  nhưng các loại thẻ tín dụng Platinum, thẻ tín dụng doanh nghiệp, thẻ tín dụng Visa… sẽ phải trả mức phí phát hành tương ứng.

Ví dụ mức phí làm thẻ tín dụng Visa Platinum của ngân hàng Eximbank là 200,000 VNĐ trong khi phí làm thẻ tín dụng doanh nghiệp loại Gold của Sacombank là 199,000 VNĐ, loại Platinum lên tới 499,000 VNĐ.

Đối với các loại thẻ tín dụng phụ sẽ được miễn phí hoàn toàn khi có nhu cầu lập thẻ.

2. Phí thường niên

Để duy trì sử dụng thẻ tín dụng, chủ thẻ phải thường xuyên nộp phí thường niên thẻ tín dụng định kì hàng năm cho đến khi thẻ hết thời hạn, hoặc khi muốn ngưng sử dụng thẻ. Các ngân hàng thường yêu cầu mức phí thường niên thẻ tín dụng trong khoảng từ 300,000 – 500,000 VNĐ/năm. 

Thuận lợi hơn, mức phí thường niên có thể được giảm dựa trên số điểm thẻ tín dụng hoặc ưu đãi dịch vụ đăng kí thời điểm làm thẻ, chẳng hạn như ngân hàng HSBC có hỗ trợ ưu đãi giảm 50% phí thường niên năm đầu tiên khi đăng kí làm thẻ tín dụng thời điểm cuối năm 2016.

3. Phí chậm thanh toán

Như ta đã biết nguyên tắc của thẻ tín dụng là vay nợ sử dụng trước và trả sau. Nếu khoản nợ được trả trước thời hạn cuối ngân hàng cho phép, chủ thẻ sẽ không phải chi trả lãi suất phát sinh. Tuy vậy nếu trả nợ muộn, chủ thẻ không chỉ phải chi trả cho khoản lãi suất mà còn phải trả thêm khoản nợ thanh toán kèm theo. Mức phí chậm thanh toán thường qui định ở một mức cụ thể, ví dụ như ngân hàng ANZ hay BIDV qui định mức phạt 4% phí giao dịch (tối thiểu từ 100,000 – 200,000 VNĐ).

Có rất nhiều người sử dụng thẻ quên mất khoản phí phát sinh này, dẫn đến tình trạng phải chi trả khoản tiền lãi và phạt lớn kèm theo tiền nợ thẻ tín dụng. Nếu có khả năng chi trả, khoản nợ lại tiếp tục tăng lên không kiểm soát.

Luôn đảm bảo chi trả đúng kì hạn, ít nhất là thanh toán được một phần tiền nợ ngân hàng yêu cầu và thanh khoản khoản dự nợ còn lại sớm nhất có thể.

4. Phí rút tiền mặt

Thẻ tín dụng cũng cung cấp chức năng rút tiền mặt khi cần, đặc biệt khách hàng có thể rút tối đa 70% hạn mức tín dụng của thẻ. Tuy vậy mức phí rút tiền mặt lại khá cao, từ 2-4% số tiền rút (tối thiểu 50,000 VNĐ), đặc biệt nếu chi trả muộn người sử dụng thẻ sẽ phải gánh một lúc các khoản tiền nợ, tiền lãi, tiền phạt trả muộn, tiền phí rút tiền mặt, khiến khoản nợ tăng lên đáng kể. Hầu hết các ngân hàng đều khuyên chủ thẻ không rút tiền mặt khi dùng thẻ, trừ những trường hợp cần thiết.

5. Phí vượt hạn mức tín dụng

Mỗi loại thẻ tín dụng sẽ có hạn mức tín dụng qui định (tối thiểu 10 triệu VNĐ). Việc sử dụng vượt quá hạn mức tín dụng vẫn có thể xảy ra và được ngân hàng cho phép, tuy vậy người dùng thẻ phải chi trả thêm khoản phí vượt hạn mức tín dụng dựa trên số tiền vượt hạn mức là bao nhiêu.

Mỗi ngân hàng sẽ qui định mức phí vượt hạn mức tín dụng khác nhau. Chẳng hạn như các ngân hàng ANZ và HSBC qui định mức phí vượt hạn mức là từ 100,000 VNĐ, ngân hàng Sacombank qui định tính 0,075%/ngày dựa trên số tiền vượt hạn mức hay ngân hàng Eximbank tính 15%/năm trên số tiền vượt hạn mức.

6. Phí cấp lại thẻ tín dụng

Những trường hợp thẻ tín dụng bị thất lạc, hư hỏng, hết thời hạn sử dụng… chủ thẻ có thể đăng kí xin cấp lại thẻ mới với khoản phí kèm theo. Khoản phí cấp lại thẻ tín dụng thường có giá trị tương đương với phí làm thẻ tín dụng, trường hợp là khách hàng lâu năm thì bên ngân hàng có thể hỗ trợ giảm giá phí đăng kí làm lại thẻ.

Thời gian làm lại thẻ tín dụng cũng nhanh chóng hơn, không cần chuẩn bị lại hồ sơ chứng minh thu nhập.

7. Phí giao dịch quốc tế

Khi sử dụng thẻ tín dụng tại nước ngoài để thanh toán, rút tiền mặt… thì chủ thẻ phải chi trả thêm khoản phí giao dịch quốc tế. Mức phí giao dịch, chuyển đổi ngoại tệ này được tính % trên tổng số tiền sử dụng.

Ngân hàng HSBC lấy 4% phí dịch vụ khi giao dịch quốc tế, các loại thẻ cao cấp hơn thì được giảm bớt mức phí xuống còn 2,75-3%. Ngân hàng BIDV tính mức phí giao dịch quốc tế khá thấp, chỉ 2,1% cho tất cả các loại thẻ.

8. Phí in lại sao kê

Trường hợp chủ thẻ muốn nhận bản in sao kê tài khoản sử dụng thẻ tín dụng của mình, ngân hàng có thể cung cấp lại bản in sao kê này. Mức phí dao động từ 50,000 – 100,000 VNĐ (tùy từng ngân hàng).

9. Lãi suất

Lãi suất là khoản phí quan trọng nhất mà khách hàng nên lưu ý khi chọn lựa dịch vụ thẻ tín dụng để đăng kí. Mỗi ngân hàng thường qui định mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho thẻ tín dụng, mức lãi suất được tính nếu chủ thẻ trả nợ muộn và khoản lãi suất được tính % trên tổng số tiền nợ. Hầu hết mức lãi suất thẻ tín dụng đều khá cao, dao động từ 7-8%.

Trên đây là 9 loại phí thẻ tín dụng mà chủ thẻ tín dụng nên lưu ý để có thể sử dụng thẻ tín dụng thông minh và hiệu quả hơn. Mọi khoản phí phát sinh ban đầu có thể không đáng kể nhưng khi cộng dồn có thể trở thành khoản phí lớn, gây ra nhiều trở ngại khi thanh toán cho khách hàng.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.