Khoán xe công tại doanh nghiệp Nhà nước: Không dễ nhưng phải làm

Bộ Tài chính mở rộng đối tượng khoán xe công ra các DNNN được các chuyên gia đánh giá là rất nên làm nhưng sẽ không dễ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính tới nơi làm việc bằng taxi.

Áp cơ chế nào, giám sát ra sao?

Ngày 15.12, Bộ Tài chính ra văn bản chỉ đạo tới các DNNN trực thuộc hoặc bộ có cổ phần chi phối như SCIC, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hay Tập đoàn Bảo Việt nghiên cứu ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe với một số chức danh đủ điều kiện sử dụng xe công như Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT đồng thời có phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng xe và lái xe hiện có theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả trong tháng 12. Bộ cũng yêu cầu Vietlott, HNX, HOSE… chấn chỉnh tình trạng các chức danh không có tiêu chuẩn vẫn được đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đồng thời điều chuyển xe và lái xe thuộc các cục, viện nghiên cứu trực thuộc bộ về quản lý tập trung tại đoàn xe thuộc văn phòng bộ trong tháng 12.

Chỉ đạo của Bộ Tài chính không chỉ là động thái mới mở rộng đối tượng khoán xe công mà còn dần tạo ra một mô hình mang tính thí điểm trước khi dần áp dụng với những đơn vị bộ ngành khác. Do đó, việc này thu hút được sự chú ý và nhận được đánh giá cao của dư luận cũng như các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn về việc triển khai thực tế và lâu dài của biện pháp này.

Trao đổi với báo Lao Động ngày 20.12, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đối với DNNN khi triển khai khoán xe công sẽ có khó khăn trong việc giám sát quá trình thực hiện vì DN có những hoạt động khác nhau nên giám sát không dễ. Bên cạnh đó, các chi tiêu hạch toán tài chính của DN cũng khác nên khoán thế nào bởi nếu khoán như kiểu khoán theo chế độ công chức thì sẽ khó do “họ có thực hiện theo chế độ công chức đâu!”

Theo chuyên gia này, với các DNNN bên cạnh khoán xe công, cần siết và ngăn chặn những lãng phí lớn khác qua đầu tư.

Còn với các DN liên quan, có ý kiến tỏ ra hồ hởi sẵn sàng áp dụng cũng có người từ chối bình luận. Chia sẻ với báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, rất ủng hộ chủ trương khoán xe công và đẩy mạnh tiết kiệm của Chính phủ và khẳng định sẽ “chấp hành ngay, nghiêm túc và vui vẻ” chỉ đạo của Bộ Tài chính. Ông cho hay mình vẫn thường xuyên tự lái xe riêng đi đến cơ quan nên việc này không ảnh hưởng gì tới mình. Theo quan điểm cá nhân ông Chi, việc khoán xe công là chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tế nên về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả và chắc chắn sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Sau Bộ Tài chính nên tạo thành cơ chế chung

Cũng đánh giá cao những nỗ lực đi đầu của Bộ Tài chính nhưng một chuyên gia kinh tế kỳ cựu cho rằng, cần sớm kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội để xây dựng thành cơ chế chung áp dụng đối với các bộ ngành, cơ quan nhà nước.

Theo chuyên gia này, việc điều chuyển đội xe vào quản lý tập trung như Bộ Tài chính vừa làm là rất tốt vì sẽ hạn chế tình trạng dùng xe công làm việc riêng nhưng sau đó cũng cần xem việc vận hành đội xe chung như thế nào bởi “gom lại sẽ thành thừa” nên cần dần giảm số xe cũng như lái xe để rồi sau đó thực hiện bước sau nữa là giải tán hoàn toàn đội xe đó chuyển sang chế độ thuê xe ở ngoài như nhiều nước tiên tiến đang áp dụng.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cũng mới có công văn gửi tất cả các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, TCT nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, bố trí, sử dụng xe ôtô đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong đó đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng định mức sử dụng xe ôtô chuyên dùng cho các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Tài chính có ý kiến để ban hành theo quy định, làm cơ sở để mua sắm, bố trí sử dụng, xử lý xe ôtô chuyên dùng. Bộ Tài chính cũng đề xuất các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ... được đề nghị rà soát định mức sử dụng xe ôtô chuyên dùng để điều chỉnh định mức theo quy định và gửi báo cáo trước ngày 15.3.2017 để Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ.

Báo cáo tài sản Nhà nước năm 2015 của Chính phủ cho thấy, tổng số xe ôtô công của cả nước là 37.772 chiếc, với tổng nguyên giá gần 23.000 tỉ đồng trong đó, xe phục vụ chức danh 900 chiếc, xe phục vụ công tác chung 23.959 chiếc và xe chuyên dùng 12.913 chiếc.

Theo một quan chức Bộ Tài chính, trước đây từng có ý kiến khoán chung một mức khoảng 10 triệu đồng/tháng và thậm chí có đề nghị nhận khoán “cả cục” trong 1 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Bộ Tài chính bác bỏ và để việc triển khai khoán xe công thật sự hiệu quả, Vụ Kế hoạch Tài chính đã tổ chức khảo sát cụ thể khoảng cách từ nhà tới cơ quan của từng chức danh nhận khoán và lập biên bản công khai để từ đó xác định mức khoán cụ thể cho từng người. Do đó, cùng nhận chế độ khoán nhưng mức cao nhất cho khoảng cách 15km là 9,9 triệu đồng trong khi mức thấp nhất là 4 triệu đồng và tổng cộng mức chi khoán 6 thứ trưởng của Bộ Tài chính khoảng 44 triệu đồng/tháng. Cũng theo người này, việc áp dụng khoán xe công với chức danh thứ trưởng và tương đương dù mới được 2 tháng nhưng đã mang lại hiệu quả nhất định.
chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.