Khởi công cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn dài 28 km trong năm 2022

Bộ Giao thông vận tải cho biết đã phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn và sẽ triển khai khởi công dự án trong năm 2022, hoàn thành trong năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên trả lời kiến nghị cử tri một số nội dung liên quan đến một số dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 

Khởi công cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn dài 28 km trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, cử tri đề nghị quan tâm tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc như đoạn qua địa phận TP Hà Nội; kêu gọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. 

Trả lời cử tri, Bộ cho biết tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó đoạn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có quy mô 6 làn xe, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; riêng đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng được quy hoạch với quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.  

Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn có chiều dài toàn tuyến khoảng 28 km, điểm đầu tại Km0+00 (điểm cuối tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới). Điểm cuối tại Km28+000 (điểm giao cắt với quốc lộ 3B, kết nối với điểm đầu dự án đường Bắc Kạn - hồ Ba Bể, TP Bắc Kạn).

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.017 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuyến đường được phê duyệt đầu tư với quy mô đường cao tốc, nền đường 12 m, mặt đường 11m, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Hiện nay, đoạn tuyến Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới đã được đầu tư hoàn thành và đang khai thác sử dụng bình thường; riêng đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai xây dựng và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2022 và hoàn thành trong năm 2025. 

Do khó khăn trong cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải cho biết chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện đầu tư hoàn chỉnh quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên (đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên) đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc.

Đối với đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng, quyết định phê duyệt quy hoạch đã xác định đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.

Do vậy, Bộ Giao thông vận tải cho biết trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nếu các địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và có khả năng huy động được nguồn lực, đề nghị các địa phương đánh giá hiệu quả đầu tư dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sớm triển khai thủ tục đầu tư tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.

Cử tri tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị bố trí kinh phí nâng cấp đường quốc lộ 37, quốc lộ 17 theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Bộ cho biết các tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh Thái Nguyên nêu trên có hiện trạng đạt cấp IV - III, hiện trạng quy mô đã cơ bản phù hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian qua, các tuyến đường đã được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để đảm bảo êm thuận và an toàn cho các phương tiện lưu thông. Năm 2019, Bộ Giao thông vận tải đã giao các đơn vị trực thuộc tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các quốc lộ 37 và đường Hồ Chí Minh để làm cơ sở xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Bộ Giao thông vận tải nhận thấy việc đầu tư các tuyến quốc lộ nêu trên là cần thiết, hiện đã có trong Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng do khó khăn trong cân đối nguồn lực như báo cáo nêu trên nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương tìm kiếm, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để sớm triển khai đầu tư, nâng cấp các tuyến đường. Trong khi chưa có điều kiện triển khai các dự án mới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có kế hoạch bảo trì, sửa chữa các tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Về các đoạn tuyến thuộc đường vành đai 5 đi qua tỉnh Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 28,9 km. Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai đầu tư một số đoạn tuyến với quy mô từ 4 đến 6 làn xe và các tuyến đường kết nối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư dọc tuyến đường phù hợp với quy hoạch chi tiết đường vành đai 5 - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuyến đường vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) có chiều dài khoảng 272 km với quy mô đường cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. 

Trong thời gian tuyến đường vành đai 5 - Hà Nội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải thống nhất việc UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì bằng nguồn kinh phí của địa phương đối với các đoạn tuyến do tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình triển khai. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.