Phát biểu tại hội nghị Chính phủ và các địa phương ngày 21/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, thành phố sẽ tập trung triển khai những dự án lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng, khu vực như: Khởi công xây dựng ba cầu qua sông Hồng (Tứ Liên, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo) và dự án đường sắt đô thị số 5.
Thông số cơ bản dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc. (Đồ họa : Lộc Chung).
Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435 mm, dài gần 39 km, trong đó 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và gần 30 km đi trên mặt đất. Tuyến đường đi qua 21 nhà ga gồm: 6 ga ngầm (Quần Ngựa, Kim Mã, Vành đai 1, Vành đai 2, Hoàng Đạo Thúy, Vành đai 3); một ga trên cao Tây Mỗ và 14 ga mặt đất (Lê Đức Thọ, Mễ Trì, An Khánh 1, An Khánh 2, Song Phương, Sài Sơn, Quốc Oai, Ngọc Mỹ, Đồng Bụt, Đồng Trúc, Đồng Bãi, Tiến Xuân, Trại Mới, Thạch Bình).
Dự án có hai depot để tập kết, bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác. Depot số 1 ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng khoảng 18 ha. Depot số 2 nằm tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, rộng khoảng 6,9 ha. Dự kiến số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ là 26 đoàn tàu vào năm 2025, tăng lên 37 đoàn tàu vào năm 2035 và 38 đoàn vào năm 2050.
Metro Văn Cao - Hòa Lạc đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm thành phố.
Hiện Hà Nội khai thác 2 đoạn tuyến đường sắt đô thị là tuyến 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông) và tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao Nhổn - đến ga S8, Cầu Giấy).
Dự kiến mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội trong 5 năm tới. (Đồ họa: Lộc Chung).
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410 km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200 km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km.
Tại kỳ họp giữa tháng 2, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM. Một số cơ chế hai thành phố được thực hiện như được lập, thẩm định, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án đường sắt đô thị theo thủ tục tương tự dự án nhóm A do địa phương quản lý; đường sắt đô thị theo mô hình TOD được thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư; được tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; lựa chọn quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị...
10 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô gồm: Tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên dài hơn 38 km; tuyến số 2 Nam Thăng Long (kéo dài đi Sóc Sơn) dài hơn 47 km; tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, kéo dài Xuân Mai dài 33 km; tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội kéo dài đến Sơn Tây 57 km; tuyến số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà dài 54 km; tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc dài 38 km; tuyến số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi dài 43 km; tuyến số 7 Hà Đông - Mê Linh dài 28 km; tuyến số 8, đoạn Sơn Động - Mai Dịch kéo dài đến Dương Xá dài 39 km; tuyến số 9 Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai dài 32 km.
5 tuyến bổ sung theo điều chỉnh Quy hoạch chung gồm: Tuyến 1A Ngọc Hồi - sân bay thứ hai phía Nam dài 29 km; tuyến số 9 Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá dài 48 km; tuyến số 10 Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 12 km; tuyến số 11 vành đai 2 - trục phía Nam - sân bay thứ hai phía Nam dài 42 km và tuyến số 12 Xuân Mai - Phú Xuyên dài 45 km.