Chưa yêu cầu ngay
Trong quá trình triển khai thực hiện các Thông tư liên tịch quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, các cơ quan quản lý giáo dục và các trường đã yêu cầu giáo viên phải hoàn thiện đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ - nhất là chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học - nhằm mục đích chuẩn hóa trình độ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Vì vậy, thực tế đã xảy ra tình trạng buộc giáo viên phải có chứng chỉ phù hợp khiến nhiều giáo viên “khóc ròng” và tất bật đi học để bổ sung bằng cấp.
Thông báo chưa áp dụng quy định bắt buộc đối với chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giáo viên được nhiều người tán đồng. |
Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT đã có công văn nêu rõ việc chuyển từ ngạch sang hạng chức danh nghề nghiệp chưa yêu cầu ngay giáo viên phải đạt trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy định tại Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên ban hành năm 2015.
Ngoài ra, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, việc học tập, bồi dưỡng để đạt trình độ ngoại ngữ, tin học phải do giáo viên chủ động, bố trí sắp xếp thời gian học để không ảnh hưởng đến các hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà trường. Chỉ những giáo viên có nhu cầu thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mới cần phải bảo đảm có đủ trình độ, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo quy định.
Nhưng sớm muộn vẫn phải học
Trước công văn của Bộ, nhiều giáo viên tỏ ra vui mừng. Một giáo viên mầm non cho biết: “Tôi tán thành với công văn mới của Bộ vì giáo viên mầm non như chúng tôi có lẽ không cần phải học và thi chứng chỉ tiếng anh A2 khung châu Âu. Hàng ngày, chúng tôi dạy quản 40 đến 50 cháu, về đến nhà đã mệt lã, thời gian nghỉ ngơi cũng khó nên đi học chắc chắn hiệu quả không cao. Đó là chưa kể đồng lương thấp nếu không được hỗ trợ thì giáo viên mầm non sẽ rất khó đạt được”.
Giáo viên mầm non cho rằng việc áp dụng quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với mình là không phù hợp. |
Trường hợp, cô Thanh giáo viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành tiếng Anh, giờ dạy Tiểu học, có bằng đại học chính qui nhưng vẫn bị đánh giá cuối năm là không đạt chuẩn nghề nghiệp do chưa có bằng tiếng Anh B2 (tiêu chuẩn châu Âu). Cô Thanh chia sẻ: “Với Thông tư liên tịch năm 2015 của Bộ, đồng nghĩa với bằng đại học của tôi không có giá trị pháp lý để giảng dạy nên cần phải có B2 theo chuẩn Châu Âu. Vì tốt nghiệp đại học như tôi mà được cho là không đạt chuẩn chuyên môn để giảng dạy thì việc đào tạo sinh viên chuyên ngành tiếng Anh sẽ trở nên vô nghĩa do phải tự học thêm ở các trung tâm để thi lấy bằng B2, C1. Vì vậy tôi nghĩ việc bỏ quy định bắt buộc giáo viên là hoàn toàn hợp lý”.
Với những giáo viên lớn tuổi, việc học nâng cao ngoại ngữ, thi lấy chứng chỉ càng trở nên khó khăn hơn. Cô Lệ Thu, giáo viên Tiểu học sắp về hưu tại một trường ở TP HCM cảm thấy rất vui vì thông tư mới của Bộ: “Lớn tuổi rồi, còn vài năm nữa về hưu nên đối với tôi giờ mà đi học lấy chứng chỉ đúng là cực hình”.
Tuy tỏ ra vui mừng trước thông tin từ Bộ nhưng nhiều giáo viên đã bày tỏ sự lo lắng bởi chuyện chứng chỉ chưa quy định bắt buộc nhưng cũng là chuyện... sớm muộn phải có. Thầy C.L (nên viết tên), một giáo viên dạy Tiểu học Trần Quốc Toản (TP HCM) nhận định: “Bộ quy định rõ chưa yêu cầu ngay chứ không phải là không yêu cầu. Rôi ai cũng phải có chứng chỉ thôi! Đối với giáo viên nào muốn nâng lương thì phải nâng ngạch cả nên vẫn phải có bằng mới được chuyển ngạch lên Đại học”.
Khi được hỏi, một số giáo viên cũng bày tỏ: “Theo Bộ GD-ĐT, việc học tập, bồi dưỡng để đạt trình độ ngoại ngữ, tin học nên để giáo viên chủ động, bố trí sắp xếp lịch học, thời gian học để không ảnh hưởng đến các hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà trường. Như vậy thì có bỏ đâu mà vội mừng, cuối cùng thì cũng phải học thôi”.
Chuyện học có bằng Đại học nhưng đi dạy hưởng lương Trung cấp thường gặp ở nhiều giáo viên. Một cô giáo học hệ tiếng Pháp 7 năm, hiện đang dạy Tiểu học cho biết: “Muốn được nâng lương phải chờ thi nâng ngạch thì mới được hưởng lương Đại học. Chính vì vậy mà không ít người, dù sắp thi viên chức nhưng cũng ngậm ngùi vì thi không đậu thì không được dạy mà thi đậu thì hưởng lương trung cấp trong khi cầm bằng Đại học ra để cất!”.