Không cần hộp đèn, taxi truyền thống sẽ chuyển sang công nghệ

Nếu không cần gắn hộp đèn, các hãng taxi truyền thống có thể chuyển sang xe hợp đồng điện tử để hưởng quyền lợi như loại hình này.

IMG_3458

Taxi truyền thống có thể không cần gắn hộp đèn mà chỉ cần dán chữ "XE TAXI". (Ảnh: Di Linh).

Taxi truyền thống sẽ chuyển sang công nghệ?

Mới đây, tại bản dự thảo Nghị định Qui định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô lần thứ 12 (thay thế nghị định 86) của Bộ GTVT, taxi truyền thống bất ngờ không phải gắn hộp đèn.

Cụ thể, bản dự thảo nêu rõ xe ô tô kinh doanh vận tải bằng taxi phải có phù hiệu "XE TAXI" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.

Niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 06 x 20 cm.

Đáng chú ý, dự thảo qui định xe taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12x30 cm.

Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI".

Trao đổi với chúng tôi về việc không bắt buộc gắn hộp đèn, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết bản chất đây là bộ nhận diện để người dân dễ nhận biết phương tiện, vây xe và lực lượng chức năng dễ quản lí.

"Người dân đi ra đường sẽ biết xe nào là taxi và của hãng nào. Nếu có vấn đề thì có thể gọi tổng đài để xử lí.

Ngoài ra, khi gắn hộp đèn, lực lượng chức năng như CSGT sẽ dễ dàng nhận diện, xử lí vi phạm. Nếu dán chữ, tài xế có thể không dán hoặc bóc ra..., rất khó kiểm soát", ông Hùng nói.

IMG_3475

Taxi truyền thống gắn hộp đèn, khách dễ nhận diện. (Ảnh: Di Linh).

Vị này cũng nhận định các hãng taxi truyền thống sẽ bỏ hộp đèn nếu không qui định và chuyển sang xe hợp đồng điện tử để hưởng quyền lợi như loại hình này. Bởi lẽ, các hãng taxi truyền thống cũng đang ứng dụng khoa học công nghệ.

"Các doanh nghiệp taxi truyền thống đang oằn mình chịu rất nhiều điều kiện kinh doanh. Họ sẽ chuyển sang xe hợp đồng điện tử để hưởng ưu đãi. Về mặt luật là làm tốt vì được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, hệ lụy là doanh nghiệp thanh lí hợp đồng với lái xe, chuyển thành kí với đối tác. Với khoảng 73.000 xe taxi trên cả nước, nếu chuyển sang xe hợp đồng điện tử sẽ kéo theo nhiều chính sách và có thể gây hỗn loạn thị trường vận tải.

Tôi đặt giả thuyết khi các doanh nghiệp taxi truyền thống chuyển sang loại hình này thì người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả, địa phương cũng tương tự khi lượng xe tăng nhanh", ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, taxi truyền thống hàng năm phải kiểm định taximet (thiết bị đo quãng đường xe di chuyển), xe công nghệ thì không, giá cước không phải kê khai... và khi "hỗn loạn" thì người dân phải chịu.

IMG_3464

Tài xế cho rằng bỏ hộp đèn sẽ ế khách. (Ảnh: Di Linh).

Tài xế nói gì?

Trao đổi với chúng tôi về việc có thể gắn hộp đèn hoặc không, anh Phạm Tuấn Vinh (30 tuổi, Thái Bình), một tài xế taxi cho rằng nên gắn hộp đèn thay vì dán cụm từ "XE TAXI".

"Taxi truyền thống khi gắn hộp đèn người dân sẽ dễ thấy để vẫy xe. Nếu dán chữ trến kính thì khi ùn tắc, phương tiện nhiều không phải ai cũng nhìn ra. Không có hộp đèn, buổi tối ai biết taxi mà vẫy?", anh Vinh đặt câu hỏi.

Anh Hoàng Văn Bảo (28 tuổi, Nam Định) từng chạy taxi truyền thống cho rằng người gọi xe thường là khách vãng lai. Nếu không gắn hộp đèn thì sẽ ít khách.

"Tôi cho rằng hiện nhiều người lựa chọn taxi công nghệ, nếu taxi công nghệ gắn thêm hộp đèn thì taxi truyền thống sẽ ế khách", anh Bảo nói.

Về vấn đề bỏ gắn hộp đèn, Bộ GTVT cho biết phù hợp qui định hiện hành, một số nước trên thế giới cũng không bắt buộc xe taxi phải có hộp đèn; đảm bảo tiết kiệm chi phí cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải; đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Đồng thời đảm bảo bình đẳng giữa loại hình xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ.

Theo Bộ này, việc quản lí nhà nước đối với 2 loại hình nói trên sẽ được thực hiện bằng các công cụ nhận biết trực quan, qua thiết bị giám sát hành trình và bằng chính phần mềm của doanh nghiệp.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030
Hà Nam là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2050. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.