Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM) vừa có giấy xác nhận về việc CTCP Xây dựng - Địa ốc Cao su (tên viết tắt: RCC, mã chứng khoán: RCD) và tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh từ ngày 15/5/2023 đến ngày 30/4/2024.
Trước đó, vào cuối tháng 4, Hội đồng quản trị RCC đã họp và thống nhất việc tạm ngừng kinh doanh nói trên để hạn chế thua lỗ thêm và tái cấu trúc lại công ty, sắp xếp lại công việc ngành nghề kinh doanh phù hợp và bảo toàn vốn cho cổ đông.
Việc tạm ngừng này căn cứ vào nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của doanh nghiệp, tổ chức vào tháng 6/2022, về việc nghiên cứu và quyết định phương án, giải pháp kinh doanh để giải quyết tồn đọng, tái cấu trúc khi công ty không có nguồn công việc mới cũng như tình hình dịch bệnh khi đó đang diễn ra phức tạp, khó lường nhằm hạn chế tối đa rủi ro thua lỗ.
Hội đồng quản trị RCC cũng cho biết, công việc kinh doanh của công ty trong thời gian qua kém hiệu quả, thiếu việc làm dẫn đến thua lỗ.
RCC là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, được thành lập từ năm 1993, cổ phần hóa vào năm 2004 và trở thành công ty đại chúng vào tháng 10/2005.
Lĩnh vực hoạt động chính của RCC là xây dựng.
Bên cạnh đó, công ty cũng từng góp vốn đầu tư vào nhiều dự án bất động sản như dự án Làng biệt thự sinh thái du lịch ven sông tại phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP HCM (đã bị thu hồi vào năm 2013); dự án Khu dân cư Trảng Bom tại tỉnh Đồng Nai.
RCC cũng là chủ đầu tư dự án Chung cư cao tầng số 381 Bến Chương Dương (địa chỉ mới là số 608 Võ Văn Kiệt) tại quận 1, TP HCM (hay VRG River View). Dự án này đã được RCC hoàn tất chuyển nhượng cho đối tác trong năm 2016.
Hiện, bên cạnh dự án Trảng Bom, công ty cũng hiện có bất động sản đầu tư cho thuê tại Quốc lộ số 13, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP HCM.
Các báo cáo tài chính đã kiểm toán của RCC cho thấy, trong giai đoạn từ 2013 - 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt đỉnh vào năm 2016, khi công ty chuyển nhượng toàn bộ dự án VRG River View, qua đó phát sinh doanh thu kinh doanh bất động sản 820 tỷ đồng.
Từ năm 2017, RCC không còn ghi nhận doanh thu từ bất động sản. Nguồn thu chính là từ các hợp đồng xây dựng cũng giảm qua từng năm so với cùng kỳ và đến năm 2022 không còn ghi nhận doanh thu mảng xây dựng.
Toàn bộ doanh thu thuần trong năm 2022 của RCC đều đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, đến từ việc cho thuê bất động sản đầu tư tại Quốc lộ số 13 nói trên.
Do đó, lợi nhuận sau thuế của RCC cũng giảm theo từng năm và báo lỗ sau thuế 39,5 tỷ đồng trong năm 2020.
Năm 2021, công ty tiếp tục lỗ sau thuế 1,8 tỷ đồng, song đã cải thiện so với kỳ trước nhờ không ghi nhận khoản lỗ kinh doanh chứng khoán, qua đó giảm chi phí tài chính so với cùng kỳ.
Đến năm 2022, RCC có lãi trở lại ở mức 1,3 tỷ đồng nhờ khoản cổ tức, lợi nhuận được chia tăng mạnh so với cùng kỳ (ghi nhận vào doanh thu tài chính), đồng thời giảm chi phí nhân công và chi phí dự phòng.
Tại ngày 31/12/2022, lợi nhuận lũy kế của RCC là gần 10 tỷ đồng. Công ty cũng không có khoản nợ vay tài chính nào.
Mặt khác, chiếm 76% trong tổng tài sản của RCC là các khoản phải thu ngắn hạn gần 70,7 tỷ đồng.
Trong đó, khoản phải thu từ CTCP Tân Đại Thắng với giá trị hơn 33 tỷ đồng. RCC cho biết đến nay vẫn chưa thu hồi được.
Khoản phải thu này liên quan đến thương vụ góp vốn đầu tư của RCC vào dự án Làng biệt thự sinh thái du lịch ven sông, do Tân Đại Thắng làm chủ đầu tư, theo hợp đồng hồi tháng 12/2007. Song, Tân Đại Thắng không có khả năng thực hiện dự án.
Do đó, đến năm 2013, dự án đã bị thu hồi theo quyết định của UBND quận 9, RCC đã khởi kiện chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư và thu hồi số vốn đã góp cùng với khoản lãi phát sinh theo thỏa thuận.
Tại thời điểm cuối năm 2022, giá trị nợ xấu khó có khả năng thu hồi mà RCC đang ghi nhận là gần 12,6 tỷ đồng, đều đến từ việc thu hồi vốn góp nói trên.