Không còn Splendora, ông Đào Ngọc Thanh nuôi tham vọng biến dự án Cái Giá thành ‘Venice’ của Việt Nam

Sau ĐHĐCĐ thường niên 2021 của VCR, Chủ tịch HĐTQ Vinaconex Đào Ngọc Thanh chính thức được bầu làm tân chủ tịch VCR. Chia sẻ tại đại hội, ông Thanh đặt kỳ vọng phát triển dự án Cái Giá, Cát Bà có vốn đầu tư dự kiến lên đến 1 tỷ USD thành khu đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới, sánh với những thành phố nổi tiếng như Cannes, Venice.

Trong đại hội đồng cổ đông thường niên của Vinaconex ITC (Mã: VCR) ngày hôm qua (22/3), ông Đào Ngọc Thanh đã chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty, thay thế ông Dương Văn Mậu.

Về việc tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của VCR trong khi vẫn kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT của Vinaconex và Cotana, ông Thanh cho biết: "Công việc hiện tại cũng đã rất vất vả, nhưng tôi vẫn nhận trách nhiệm bởi tôi cho rằng dự án Cái Giá, Cát Bà là một dự án rất đặc biệt.

ITC mặc dù là một công ty phát triển bất động sản nhưng thực tế chỉ gắn với một dự án Cái Giá, Cát Bà. Đây là công ty của dự án chứ không phải như lẽ thường người ta nhắc đến là dự án của công ty.

Thời điểm tôi về thì công ty gần như tan rã, vốn chủ sở hữu 300 tỷ đồng nhưng vốn hóa thị trường chỉ rơi vào hơn 200 tỷ đồng; thủ tục pháp lý của dự án thì rất phức tạp.

Nhưng đến nay, chúng ta có một công ty vốn hóa hơn 4.300 tỷ đồng, gấp khoảng 20 lần trong hơn 2 năm. Đó là nói giông nói dài không bằng chính thị trường đánh giá."

Không còn Splendora, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh tham vọng biến dự án Cái Giá tỷ USD thành ‘Venice’ của Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Thanh phát biểu tại đại hội. (Ảnh: Thu Thủy).

Tham vọng phát triển dự án tỷ USD thành "Venice" của Việt Nam

Cát Bà là một hòn đảo nằm trong vịnh Hạ Long, một trong những kỳ quan thế giới. Tân chủ tịch VCR cho rằng ngay vị trí dự án đã khẳng định rằng đây là một dự án đặc biệt. Mục tiêu của VCR là xây dựng tại đây một khu đô thị nghỉ dưỡng tầm cỡ thế giới.

"Tại sao lại là khu đô thị, bởi đất ở đây được cấp cho cả người bản địa chứ không đơn thuần là khu nghỉ dưỡng. Đây là "xương sống" của dự án, là đặc điểm quan trọng và riêng biệt của dự án sẽ khẳng định vị thế của đảo Cát Bà", ông Thanh cho biết.

Đặc điểm quan trọng thứ hai khiến ông Thanh kỳ vọng vào dự án này, Cát Bà nằm ở khu sinh quyển thế giới, nên việc xây dựng tại đây một thành phố xanh là chưa đủ, mà phải không ô nhiễm – một hòn đảo tinh khiết.

Trong văn bản quy hoạch của thành phố ghi rất rõ về phát triển hệ thống giao thông, công nghệ thông tin cụ thể ra sao. Dự án Cái Giá, Cát Bà có đặc điểm quy hoạch mà những đồ án thiết kế quy hoạch khác không có được.

"Tất cả các phương tiện giao thông sử dụng xăng, dầu sẽ không được xuất hiện. Trên thế giới đang hướng đến năng lượng sạch, ngay Vinfast cũng đang phát triển mô hình taxi thông minh. Do dó, dự án Cái Giá, Cát Bà sẽ hướng đến là một thành phố không ô nhiễm", ông Thanh nói.

Điểm thứ ba, VCR hướng đến phát triển dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà trở thành một thành phố huyện đảo thông minh (smart city). VCR cho biết sẽ cùng VNPT xây dựng dự án thực sự trở thành thành phố công nghệ (từ nhận diện khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo, hệ thống internet…). Theo VCR, đây là nền tảng quy hoạch thiết kế của dự án Cái Giá và đã được phê duyệt.

Khi được hỏi về tiến độ dự án cũng như thời điểm dự kiến mở bán và có doanh thu, ông Đào Ngọc Thanh cho hay: "Về mặt tiền bạc, đương nhiên khi làm chúng ta phải hướng đến kết quả kinh doanh cao nhất, nhưng hơn thế là mong muốn dự án trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Không lý nào chúng ta không thể có những thành phố như thành phố điện ảnh Cannes hay thành phố nghỉ dưỡng Venice ở Địa Trung Hải.

Không còn Splendora, Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh tham vọng biến dự án Cái Giá tỷ USD thành ‘Venice’ của Việt Nam - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Cái Giá, Cát Bà. (Ảnh: VCR).

"Không chia lô bán nền"

Chủ tịch Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không chia lô bán nền để người mua vào xây nhà nên đừng hỏi bao giờ bán đất. Chúng tôi sẽ chỉ bán khi sản phẩm đạt tầm cỡ và đạt đúng như mục tiêu đặt ra. Tôi cũng không có ý định làm thêm một vị trí chủ tịch của công ty chia lô bán nền."

Chi tiết hơn về 3 giai đoạn của dự án Cái Giá: Giai đoạn 1 là giai đoạn đầu tư, triển khai (4 sao), giai đoạn 2 là thành phố trung tâm (5 sao) và giai đoạn cuối cùng là khu nghỉ dưỡng (6 sao) mà theo ông Đào Ngọc Thanh phải dành cho những người nhiều tiền nhất, đạt đẳng cấp thế giới. Ông Thanh cũng cho hay những phân khu theo từng giai đoạn này đã được phê duyệt rất rõ ràng.

Trong hai năm 2021 – 2022, công ty sẽ kinh doanh những khu đất mà trước đã bán và đã có chủ sở hữu, nhưng chiếm một phần rất nhỏ trên tổng thể quy hoạch.

Sang năm 2023, ông Thanh kỳ vọng có thể đưa một phần giai đoạn 1 của dự án vào kinh doanh: "Hy vọng trong năm 2021 công ty có thể triển khai những hạng mục hạ tầng cốt lõi để tiến tới triển khai những công trình trọng điểm như trung tâm thương mại, hai khu căn hộ khách sạn ở biển 2.000 phòng và sẽ đưa vào kinh doanh trong năm 2023. Sẽ có những tòa nhà, biệt thự nằm một nửa trên nước một nửa trên cạn hoặc hoàn toàn trên mặt nước."

Vinaconex dồn lực cho Khu đô thị Cái Giá sau khi rút khỏi Splendora

Câu chuyện Vinaconex hợp tác với VCR và sẽ đứng ra thu xếp toàn bộ vốn cho dự án Cái Giá khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm khi doanh nghiệp này đã không còn là công ty mẹ của VCR.

Với cương vị Chủ tịch HĐQT của Vinaconex kiêm Chủ tịch HĐQT VCR, ông Thanh cho rằng việc VCR hợp tác với Vinaconex chỉ có lợi chứ không hại: "Bản thân tôi đại diện cho Vinaconex tại VCR, việc hợp tác này chỉ lợi chứ không hại, không làm mất quyền lợi của ai. Nếu không là Vinaconex thì ai sẽ bỏ ra 300 tỷ đồng để giữ lại được dự án này ngay lúc VCR khó khăn nhất?"

Tân chủ tịch VCR cho rằng công ty có thể hợp tác với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào miễn là họ mang lại lợi ích.

Trước thời điểm Vinaconex hạ tỷ trọng sở hữu tại VCR, doanh nghiệp này đã lên loạt kế hoạch huy động vốn cho dự án Cái Giá, Cát Bà.

Cụ thể, hồi tháng 12/2020, Vinaconex ITC công bố chào bán riêng lẻ thành công 144 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược với giá 10.000 đồng/cp, ước tính thu về 1.440 tỷ đồng. Trước đó, cuối tháng 9/2020, Vinaconex ITC cũng chủ trương huy động 2.500 tỉ đồng từ Sacombank để đầu tư dự án Cát Bà giai đoạn 1.

Cùng thời gian trên, Vinaconex đã mua 300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi từ VCR để công ty có tiền nộp tiền sử dụng đất cho dự án Cái Giá khi dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi.

Việc Vinaconex trở lại dồn lực cho dự án Cái Giá diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này vừa rút khỏi siêu dự án Splendora Bắc An Khánh mà chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh từng đánh giá là "miếng đất lớn nhất của Hà Nội, cũng là dự án tốt nhất của khu vực hiện tại, chỉ cần xây nhà lên và bán".

Dự án này cũng là khởi nguồn của những "lùm xùm" giữa Vinaconex và nhóm cổ đông lớn Cường Vũ - Start Invest cùng bên góp vốn còn lại tại Splendora là Địa ốc Phú Long.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.