Những ngày qua, sự việc một giáo viên ở Long An phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh và một giáo viên ở Bến Tre bị học sinh bóp cổ khiến cho dư luận xã hội bàng hoàng.
Từ câu chuyện này, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục tại Trường Đại học Newcastle, Australia đã đưa ra một số kinh nghiệm của mình trong việc giáo dục những học trò nghịch ngợm.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền. Ảnh: NVCC. |
Ông Hiền chia sẻ: "Trong thực tiễn hoạt động dạy học, các giáo viên không chỉ chịu nhiều áp lực từ tiến độ chương trình, chất lượng giờ dạy, rồi việc quản lý lớp, quản lý học sinh... mà họ còn phải đối diện nhiều tình huống sư phạm mà không có trong bất kỳ chương trình đào tạo giáo viên nào mà họ từng được bồi dưỡng trước đó.
Trong những tình huống đó thường thì các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm họ sẻ có nhiều giải pháp để giải quyết một cách hợp lý và mang tính sư phạm. Tuy nhiên, những giáo viên trẻ mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm đứng lớp thì thường dễ mắc sai lầm khi giải quyết những tình huống như vậy.
Tôi có một kỷ niệm khi đi thực tập dạy ở một trường cấp 3, ngày đầu tiên nhận lớp dạy học sinh lớp 10. Một lớp có khá nhiều học sinh cá biệt. Khi được bàn giao lớp này, tôi đã được thầy chủ nhiệm lớp cảnh báo trước phải hết sức thận trọng khi dạy các em.
Khi nghe thầy nói vậy, là giáo viên mới ra trường nên tôi tự nhiên hoài nghi đặt câu hỏi: "Sao lại phải thận trọng, chúng là học sinh của mình mà? Mình là thầy chúng phải nể và sợ mình chứ?" Và rồi tôi để ngoài tai lời khuyên đó của thầy.
Ngày đầu tiên tôi bước vào lớp với tâm thế rất tự tin và hứng khởi, cái cảm giác lần đầu tiên được làm thầy nó không chỉ mang lại cho mình cảm giác thiêng liêng mà còn có chút tự hào về bản thân. Tôi đi rất hùng dũng vào lớp với khuôn mặt rất nghiêm nghị. Vừa bước vào, cả lớp đồng loạt đứng dậy rồi đồng thanh chào.
Tuy nhiên, khi nhìn xuống phía bàn gần cuối có một học sinh nữ, không đứng dậy chào. Tôi cho cả lớp ngồi xuống rồi tiến lại chỗ học sinh nữ ngồi rồi hỏi: "Sao cả lớp đứng dậy chào thầy mà em không đứng dậy chào". Học sinh này ngước mắt lên nhìn tôi rồi nói rất thách thức: "Chân em đau, em không đứng dậy chào được!" Tôi nhìn xuống thì thấy chân cô bé ấy không có dấu hiệu gì bị đau và nhắc nhở: "Em đừng nói dối thầy, chân em không sao cả. Nếu em không nói thật giờ này thầy sẽ cho giờ D."
Học sinh nữ kia đáp lại: "Thầy có giỏi thầy cho cả lớp giờ D đi. Còn em, em không đứng dậy chào thầy làm được gì em?" Tôi chỉ biết đứng lặng người như một kẻ thua cuộc, rồi nói chống chế dấu đi sự thất vọng và bất lực của mình: "Giờ này tôi cho lớp giờ D. Cả lớp vào bài mới." Tôi quay người đi cả lớp phía sau cười lên đắc thắng.
Cả giờ lên lớp đó tâm trạng tôi rất nặng nề không ngờ buổi đứng lớp đầu tiên của mình lại thất bại thảm hại đến vậy. Những ý nghĩ tốt đẹp về tình thầy trò bỗng nhiên tan biến và thay vào đó là cảm giác hụt hẫng vô cùng.
Sự việc một học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo dạy Tiếng Anh tại lớp khiến nhiều người bất ngờ. Ảnh: internet. |
Ngày hôm sau, lớp trưởng tìm gặp tôi và cho tôi biết rằng, học sinh nữ ấy cố ý để trêu thầy. Và sau này tìm hiểu thì tôi biết rằng cô bé ấy mồ côi bố, mẹ lấy chồng khác, sống với bà ngoại từ bé. Vì ít nhận được sự quan tâm của người thân nên cô bé rất bướng bỉnh, thích gây chú ý. Ngồi trong lớp hay bày trò quấy rối các bạn xung quanh.
Nghe xong tôi mới vỡ lẽ ra vì sao học sinh đó hành động như vậy. Kể từ đó trở đi tôi quan tâm động viên, hỏi han và khích lệ cô học trò ấy nhiều hơn. Tôi tổ chức thêm các buổi ngoại khoá để các bạn chia sẻ về khó khăn và ước mơ của mình. Dần dần, giữa tôi và cả lớp không còn khoảng cách thầy trò mà như người bạn, người anh. Tình cảm thầy trò gắn bó đến mức chia tay cả thầy và trò đều ôm nhau mà khóc.
Có một bạn tên Q. trong lớp này cũng khá cá biệt thường hay đánh nhau, nhưng khi được mình gần gũi cảm hoá, bỗng dưng tính nết thay đổi hẳn. Ngoan và chăm học hơn. Với những học sinh cá biệt vậy, tôi thường cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, thậm chí xuống tận gia đình các em để hiếu rõ hoàn cảnh các em hơn.
Sau 6 tháng thực tập mình rút ra được một bài học cho bản thân là phải tìm hiểu thật kỹ về các em trước khi nhận một lớp mới nào. Vì mỗi em có mỗi hoàn cảnh riêng, sở thích riêng, ước mơ riêng không ai giống ai. Điều quan trọng của một người thầy cô là phải thật sự đồng cảm và thấu hiểu các em, phải thật sự xem các em như người em người bạn của mình. Đừng cố tạo ra khoảng cách không nên có giữa thầy và trò.
Học trò chỉ tôn trọng chúng ta khi chúng ta cũng thật sự tôn trọng các em. Xã hội đã thay đổi, hãy cảm hoá các em bằng tình yêu thương bằng sự trách nhiệm nhưng cũng phải nghiêm khắc với những lỗi các em mắc phải. Giáo dục là một quá trình cần sự kiên nhẫn đồng cảm và thấu hiểu học trò của mình chứ không đơn thuần là một tiến trình truyền thụ kiến thức từ thầy sang trò, từ thế hệ trước cho thế hệ sau.
Bạn Q. thì bố đi tù, mà sau này khi tôi chia tay lớp, chính cậu ấy lại là người khóc nhiều nhất. Cứ một hai "thầy ơi, thầy đừng đi, thầy ở lại dạy bọn em". Thấy học trò khóc tôi cũng không cầm nổi nước mắt. Tôi không thể nào quên được kỷ niệm dạy học đó".
Nếu bị học sinh bóp cổ, các giáo viên sẽ làm gì?
Nhiều giáo viên chia sẻ cách xử lý của mình nếu rơi vào hoàn cảnh bị học sinh chửi, bóp cổ như trường hợp cô ... |