Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên thảo luận sáng 13.9. ẢNH GIA HÂN |
Buổi thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) đang diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của lãnh đạo một số tập đoàn lớn trong khu vực.
Dạy cho trẻ em biết thế giới là khó đoán định
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, dù các cuộc thăm dò cho thấy người dân Việt Nam nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng lạc quan về tương lai của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4, nhưng những nhà hoạch định chính sách sẽ không chỉ có lạc quan mà phải nghĩ nhiều hơn đến thách thức.
CMCN 4.0 sẽ mang lại rất nhiều nghề mới, nhưng cũng rất nhiều nghề sẽ bị thay thế, trong đó đặc biệt những nghề Việt Nam có tỉ trọng lao động lớn như dệt may, da giày, xây dựng, ngành điện tử, nghề thư ký...
Để đối phó với thách thức mới của lao động, theo Phó thủ tướng, sẽ phải đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập cho người lớn. “Khi nói đến người lớn, phần nhiều ta nghĩ đến 30 - 40, thậm chí 25 tuổi; rất ít người nói về học tập cho người 60 - 65 tuổi trở lên. Tôi cho rằng, cuộc cách mạng này phải tạo ra cơ hội cho tất cả, người già cũng phải nắm bắt được", Phó thủ tướng bày tỏ.
“Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh cải cách giáo dục, dù giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao, nhưng cũng phải đổi mới. Phải làm cho các em học sinh biết được thế giới tương lai là khó đoán định ngay từ nhỏ. Văn hóa Việt Nam, trẻ nhỏ được dạy vâng lời, nhưng điều này phải thay đổi, phải dạy trẻ em thay vì biết vâng lời, thì phải nghĩ khác đi. Phải đổi mới mạnh mẽ việc học từ bé tới già”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết, Việt Nam hiện có rất nhiều dự án khác nhau, kể cả liên quan đến hệ thống bằng cấp trong trường phổ thông, đổi mới trên tinh thần tương thích với khung trình độ ASEAN, sau đó là quốc tế. Ông Đam cho rằng, cần tiến tới hợp tác với nhau, công nhận bằng cấp của nhau, chia sẻ học liệu, kinh nghiệm để học được cái tốt nhất của nhau.
Cũng theo Phó thủ tướng, năm tới đây, Việt Nam sẽ ban hành chương trình sách giáo khoa mới cho trẻ em cấp 1, “khuyến khích sáng tạo, nhiều STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths - toán học) hơn, tôn trọng truyền thống nhưng phải dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi cho giáo viên”.
Ông Đam cũng thông tin: với người già và mọi người dân, đang có một chương trình xây dựng môi trường tri thức Việt số hóa, biên tập lại thành câu hỏi và câu trả lời đơn giản cho mọi lứa tuổi.
"Chúng tôi cố gắng tạo một kho dữ liệu và khuyến khích các startup “đào” kho dữ liệu đó để tạo ra các ứng dụng thông minh cho mọi người. Đó là sự nghiệp của các bạn startup, nhưng là cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Nếu làm tốt thì tất cả mọi người đều có thể học được", Phó thủ tướng nói, đồng thời cho hay, tới đây sẽ mở rộng diện bao phủ của smartphone để mọi người không cần đến trường vẫn có thể học được.
Phụ huynh cũng cần phải có tư duy mới
Theo ông Ian Lee, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Adecco, trong thời đại này, phụ huynh sẽ phải có tư duy mới, bởi nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm sống của mình trước đây là không đủ.
Bên cạnh đó, học sinh sẽ không chỉ cần kỹ năng cứng, như STEM, mà còn phải có kỹ năng mềm.
“Trước đây, người ta rất chú trọng tới nghề kế toán, tới đây có thể không còn nữa vì sự phát triển của máy móc. Điều quan trọng là phải trang bị cho mọi người những kỹ năng mới. Kỹ năng của thế kỷ 20 sẽ không còn phù hợp trong thế kỷ 21 nữa”, ông Ian nói.
Bà Vivian Lau, Chủ tịch JA châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng bản chất của CMCN 4.0 là cuộc cuộc cách mạng về con người và trọng tâm của cuộc cách mạng về con người là cách mạng giáo dục.
“Không ai dự đoán được tương lai, không có một phương thuốc nào chữa bách bệnh. Cái chúng ta cần làm là tạo ra một nền tảng, một cách thức để mọi người có thể “tiến hóa”, thích nghi”, bà Vivian nói.
Cũng theo bà Vivian, hiện tuổi thọ con người đang tăng lên, 60 - 70 tuổi vẫn còn trẻ, nên việc học tập suốt đời rất cần thiết. Giáo dục không chỉ mang tính chất nhất thời tập trung vào giới trẻ, mà phải phủ rộng hơn, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào việc học cái gì thì học thế nào - tức là kỹ năng học, sẽ là rất quan trọng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu một điểm khác biệt của Việt Nam, là mọi người luôn có 2 nghề (có thể bắt đầu từ thời bao cấp khó khăn), kể cả công chức cũng làm những nghề riêng. Do đó, các đợt khủng hoảng như năm 1997 thì Việt Nam vẫn đứng vững.
“Việt Nam có đặc thù là có kinh nghiệm làm nghề phụ, chúng tôi sẽ phát huy mạnh cái đó. Chỉ có điều khác biệt là trước đây mọi người làm thêm chỉ để đủ sống, giờ sẽ phát huy để chăm sóc cảm xúc của nhau hơn”, ông Đam chia sẻ.
Phó thủ tướng cũng cảnh báo việc rào cản ngôn ngữ - một trong những rào cản chính ngăn trở việc di chuyển thể nhân trước đây cũng sắp bị bước qua, với sự tiến bộ của công nghệ, nên sự cạnh tranh về việc làm sẽ sớm là toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách cần có tư duy chuẩn bị cho điều đó.
100 triệu cuốn sách giáo khoa thành giấy vụn, lãng phí nghìn tỷ đồng
Mỗi năm, NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT - cơ quan độc quyền về sách giáo khoa - phát hành hơn 100 triệu ... |
Nhiều trường thành phố đóng 7 - 8 triệu/tháng, sao phải hỗ trợ miễn học phí?
Đề xuất miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở (THCS) mới được đưa vào dự luật Giáo ... |
Phó Thủ tướng nói về thí điểm Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại
“Gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu học tập dạy cho trẻ mới đi học. Chuyện sách Công nghệ giáo dục ... |