Du nhập vào đất nước mặt trời mọc cách đây khoảng 1.200 năm, somen là mì truyền thống được người dân Nhật Bản yêu thích mỗi dịp mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa somen và các loại mì nổi tiếng khác của Nhật như udon, hiyamugi, ramen hay soba… chính là kích thước của sợi mì. Dù cùng được nhào nặn, chế biến từ bột mì nhưng sợi của somen mảnh hơn rất nhiều với đường kính chỉ khoảng 1,3mm.
Người ta làm ra loại mì này bằng cách kéo giãn phần bột mì được trộn lẫn cùng nước muối. Phải mất tới 36 giờ đồng hồ cùng 30 đợt kéo liên tục mới cho ra những sợi mì somen mảnh nhỏ, đạt đúng yêu cầu. Sau quá trình nhào nhặn công phu, người thợ bếp sẽ đợi từ 1 đến 2 năm để mì trong kho được chín ngấu rồi mới có thể mang ra sử dụng cho các món ăn.
Theo truyền thống, mì somen thường ướp đá xung quanh và được dùng lạnh kèm thêm chút rau củ, thịt và nước chấm tsuyu.
Ngoài tên gọi somen, loại mì nổi tiếng xứ sở hoa anh đào còn được biết đến với cái tên “mì lạnh” hay “mì máng tre” do cách thưởng thức vô cùng độc đáo của món ăn này.
Theo đó, trong những nhà hàng truyền thống, đầu bếp sẽ đặt một máng nước tre dọc quanh các bàn ăn. Sau đó, họ thả trôi những sợi mì somen theo chiều máng nước chảy. Thực khách khi thấy phần mì somen tới chỗ mình sẽ nhanh tay gắp lấy và thưởng thức trực tiếp với nước chấm tsuyu được làm từ katsuobushi, một loại cá ngừ khô phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản.
Nhiều địa phương tại Nhật, người dân có truyền thống ăn somen trong ngày lễ Thất Tịch mùng 7 tháng 7 âm lịch do quan niệm những sợi mì somen dài mảnh hệt như những sợi tơ mà nàng Tanabata-tsume đã dệt trong thời gian chờ đợi gặp lại chàng Hikoboshi.
Một truyền thuyết khác lại cho rằng, nguồn gốc món mì somen trong ngày lễ Thất Tịch bắt nguồn từ những nghi lễ và phong tục của Hoàng gia. Theo đó, vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm, giới hoàng tộc có nghi lễ dùng bánh Sakubi - tức mì Somen ngày nay giúp xua đuổi bệnh tật cũng như đem lại sức khỏe, may mắn cho những người trong gia tộc.
Cũng bởi những quan niệm có từ lâu đời trên mà thói quen ăn mì somen trong ngày lễ Thất Tịch vẫn còn lưu truyền cho đến tận ngày nay tại đất nước mặt trời mọc.
Nếu như Việt Nam chuộng các món ăn làm từ đậu đỏ, Hàn Quốc ưu tiên lúa mì thì người dân Nhật Bản lại vô cùng tự hào với mì somen nổi tiếng bao đời nay.
Tại Nhật, ngày lễ Thất Tịch thường được tổ chức từ tối ngày mùng 6 và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch hàng năm. Ngày này còn được biết đến nhiều hơn với cái tên “Tanabata”.
Theo thông tục truyền thống, người dân sẽ xếp giấy thành các mô hình quen thuộc như cánh hạc (Orizuru), Kimono bằng giấy (Kamigoromo), túi xách (Kinchaku), lưới (Toami), bao (Kuzukago)... để trang trí hoặc tặng cho bạn bè, người thân với mong muốn chúc an lành, may mắn đến với người ấy.
Nhiều người còn viết những điều ước lên các mảnh giấy ngũ sắc hình chữ nhật, sau đó treo lên cành cây trúc với ước nguyện mọi điều mong ước của bản thân sẽ sớm trở thành hiện thực.
Nam thanh nữ tú có đôi có cặp sẽ cùng nhau đến thờ Thần đạo Shinto để có thể ở bên nhau tới trọn đời. Với những người còn đang độc thân, ngày lễ Thất Tịch cũng là dịp cầu tình duyên mau tới.