'Không tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, nếu chỉ giải cứu Vietnam Airlines'

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VEPR nhận định rằng nếu chỉ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, mà không tính đến các hãng bay tư nhân khác trong kế hoạch giải cứu thì sẽ không tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng.

Hãng bay chìm trong thua lỗ vì Covid-19

Dịch Covid-19 giáng đòn mạnh chưa từng thấy lên các hãng bay trên toàn cầu. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá Covid-19 là khủng hoảng hàng không nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, khiến lượng khách đi lại bằng đường này giảm đến 61%.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa biết khi nào kết thúc.

Sau khi các đường bay trong nước bắt đầu nhộn nhịp trở lại vào tháng 6 và 7, quí III từng được kì vọng là thời điểm ngành hàng không có thể phục hồi. Nhưng làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 7 tiếp tục đẩy các hãng bay chìm trong thua lỗ.

‘Chỉ giải cứu một hãng hàng không sẽ không tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng’ - Ảnh 1.

Chiều nay 17/11, Quốc hội sẽ quyết giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. (Ảnh: VOV).

9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ ròng 10.676 tỉ đồng. Mức thua lỗ này thổi bay thành quả tổng lợi nhuận 10.380 tỉ đồng của hãng trong giai đoạn 2015-2019.

Với Vietjet Air, mức lỗ của công ty sau ba quí là 925 tỉ đồng.

Bamboo Airways hiện chưa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, trước đó, hãng này cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh đã ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỉ đồng trong quí I/2020.

Nên tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Chiều nay 17/11, Quốc hội sẽ biểu quyết Nghị quyết kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong đó đáng chú ý có nội dung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trước đó, Vietnam Airlines đã trình phương án xin hỗ trợ từ Chính phủ với số tiền 12.000 tỉ đồng, gồm 4.000 tỉ đồng thông qua cho vay và tăng vốn điều lệ 8.000 tỉ đồng (trong đó phần vốn nhà nước tương ứng theo tỉ lệ cổ phần nắm giữ là 6.800 tỉ đồng).

‘Chỉ giải cứu một hãng hàng không sẽ không tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng’ - Ảnh 2.

Giải cứu Vietnam Airlines hay giải cứu cả ngành hàng không? (Ảnh: Tri thức trực tuyến).

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định việc Chính phủ trình ra Quốc hội đề nghị thông qua giải pháp tháo gỡ khó khăn chỉ riêng cho Vietnam Airlines cho thấy "thực tế vẫn có sự phân biệt, vẫn ưu đãi doanh nghiệp nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân".

Bàn về tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, ông Long cho biết Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 một lần nữa xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

PGS.TS Ngô Trí Long dẫn thống kê từ Sách Trắng Việt Nam 2019, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

"Hàng không là động lực phát triển của nền kinh tế. Hàng không tư nhân hiện đã vươn lên chiếm lĩnh thị phần nội địa lớn nhất và đang tạo ra môi trường cạnh tranh thực sự với Vietnam Airlines về thị phần quốc tế", ông nói.

Theo ông Long, Nghị quyết của Đảng, pháp luật và các điều ước quốc tế đều khẳng định doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp hàng không nói riêng đều được đối xử bình đẳng.

"Về tạo bình đẳng, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. Theo tôi, cùng với việc hỗ trợ Vietnam Airlines Chính phủ cần đồng thời hỗ trợ các hãng bay tư nhân, tạo mọi cơ hội để các doanh nghiệp có thể khai thác và có một môi trường bình đẳng, công khai và minh bạch đối với mọi doanh nghiệp", ông Long nhận định.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng sẽ không tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng nếu chỉ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines mà không tính đến các hãng bay tư nhân khác trong kế hoạch giải cứu.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương khuyến nghị nếu đã có phương án tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, cũng nên hỗ trợ cho các hãng bay khác như Vietjet Air, Bamboo Airways. "Bởi việc chỉ ưu tiên giải cứu một hãng sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng".

Còn theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, chịu trách nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước, nên việc giải cứu doanh nghiệp này trước là điều dễ hiểu. Hơn nữa, trong điều kiện ngân sách của Việt Nam chưa thể dồi dào như hiện nay, thì phải chấp nhận việc chỉ giải cứu một hãng hàng không, thay vì nhiều hãng.

Cân nhắc gói hỗ trợ chung cho cả ngành hàng không

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA) dự báo các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỉ USD trong năm nay.

Hồi đầu tháng 9, nhằm hỗ trợ hãng bay khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cho biết đã đề nghị Thủ tướng tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3- 4 năm, cùng với đó là nhiều hỗ trợ về giảm 50% các loại phí dịch vụ.

Theo quan điểm của PGS.TS Ngô Trí Long, ông đánh giá đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không là hợp lí và công bằng. "Tuy nhiên, trong khi gói hỗ trợ chung chưa được thông qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận, xem xét giải pháp tháo gỡ riêng cho Vietnam Airlines. Tôi cho rằng điều này rõ ràng tạo lợi thế cho Vietnam Airlines và có thể gây bất lợi cho các hãng bay khác".

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng của VEPR cho rằng nên có một gói hỗ trợ cho cả ngành hàng không, thay vì chỉ tập trung vào một doanh nghiệp. 

"Theo nguyên tắc thị trường, việc chỉ tính phương án tháo gỡ khó khăn cho một hãng hàng không tạo ra sự thiên lệch giữa các hãng. Tôi cho rằng nên cân nhắc một gói hỗ trợ chung, tùy vào tình hình kinh doanh cụ thể của hãng hàng không mà đưa ra các tiêu chí nhận hỗ trợ, phương án cụ thể tháo gỡ khó khăn cho từng hãng đó", ông Thành nói.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), trong thông cáo báo chí ra ngày 15/4 về các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19, Bộ nêu rõ: "Bộ GTVT xác định phải đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho tất cả các hãng hàng không rất cụ thể đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch".

Tại phiên chất vấn kì họp thứ 10 của Quốc hội diễn ra hôm 6/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đang xem xét hỗ trợ các hãng hàng không theo hai nhóm.

Nhóm thứ nhất, liên quan đến trách nhiệm của Bộ GTVT, thời gian vừa qua, bộ này đã thực hiện 4 giải pháp để giúp các hãng hãng không.

Giải pháp đầu tiên, Bộ GTVT tăng cường các chuyến bay giữa các sân bay lẻ. Nếu các hãng hàng không đăng kí thì Bộ tạo mọi điều kiện để phát triển.

Thứ hai, Bộ GTVT làm việc với các hãng, các đơn vị, đặc biệt là Tổng Công ty ACV để giảm một số giá dịch vụ ở sân bay. Từ đó giảm chi phí cho các hãng hàng không.

Giải pháp thứ ba được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề cập đến là Bộ tạo điều kiện để các doanh nghiệp có các phương án kinh doanh mới. Ví dụ như Bamboo Airways đã mua tàu bay phản lực nhỏ để bay từ Hà Nội đến Côn Đảo.

Cuối cùng, Bộ đã điều chỉnh lại lịch bay của các hãng để các hãng đều được đối xử một cách công bằng, có điều kiện để kinh doanh, phát triển.

Nhóm thứ hai liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, người đừng đầu Bộ GTVT cho hay, bộ này đã tham mưu đầy đủ đề xuất của các hãng hàng không cho Chính phủ. Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết liên quan đến hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng rất lớn đến ngân sách, chính sách. Dưới góc độ Bộ GTVT, ông Thể cũng đề xuất các ngân hàng hoãn, giãn nợ, đồng thời cho vay thêm để các hãng hàng không có điều kiện tái cơ cấu.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.