Cổ phiếu hàng không bay cao giữa những tia hi vọng mới

Trong tuần qua, giá cổ phiếu ngành hàng không Việt Nam và thế giới đồng loạt khởi sắc sau thông tin tích cực về vắc xin Covid-19 cũng như triển vọng "bong bóng du lịch" giữa một số thị trường.
Cổ phiếu hàng không bay cao giữa những tia hi vọng mới - Ảnh 1.

Tàu bay British Airways đậu tại sân bay Bournemouth (Anh) tháng 4/2020. (Ảnh: Reuters)

Lạc quan nhờ vắc xin

Hôm 9/11, tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết vắc xin Covid-19 do công ty này nghiên cứu cùng BioNTech của Đức có hiệu quả phòng bệnh đến trên 90%. Pfizer cũng tuyên bố có thể phân phối 1,3 tỉ liều vắc xin vào năm sau nếu sớm được cơ quan quản lí cấp phép.

Thông tin chấn động này đã mở ra cơ hội chấm dứt đại dịch trong tương lai không xa, giúp hoạt động kinh tế - đặc biệt là ngành hàng không và du lịch – bình thường trở lại. Cổ phiếu hàng không từng rớt giá thê thảm trong những tháng đầu đại dịch lập tức bật lên.

Tính chung cả tuần qua, tại thị trường chứng khoán Anh, cổ phiếu Tập đoàn Hàng không Quốc tế (IAG) – đơn vị sở hữu British Airways – tăng 40%. Hãng chế tạo động cơ tàu bay Rolls Royce cũng vọt lên 34%.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines tăng 10% trong tuần qua, tập đoàn chế tạo tàu bay Boeing cũng thêm gần 19%. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu Boeing đã tăng tổng cộng 30%.

Ngoài kì vọng vắc xin sẽ hồi sinh nhu cầu đi lại bằng đường không, Boeing còn đón nhận nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, dòng tàu bay 737 Max nhiều khả năng sắp được cấp phép bay trở lại sau khi phải nằm đất từ tháng 3/2019.

Ngoài ra, việc ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng áp đảo trong cuộc đua tổng thống trước ông Trump cũng được coi là tin tích cực với Boeing vì nhiều khả năng quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Biden sẽ được cải thiện, mà Trung Quốc chính là thị trường hàng không lớn nhất thế giới.

Ở Việt Nam, nhóm hàng không cũng đi lên theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán thế giới. Cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet tăng 6,6% trong tuần vừa qua, HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thêm 9%.

Ngoài cổ phiếu các hãng bay, cổ phiếu của các doanh nghiệp dịch vụ liên quan cũng diễn biến khả quan như AST (Dịch vụ Hàng không Taseco) tăng 8%, ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không) thêm 9,5%.

Cổ phiếu hàng không bay cao giữa những tia hi vọng mới - Ảnh 2.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc)

Hàng không còn nhiều nỗi lo

Diễn biến chung của các cổ phiếu hàng không Việt Nam và thế giới tuần qua là vọt lên ngay sau tin tức khả quan về vắc xin Covid-19, sau đó giảm nhẹ và đi ngang trong những phiên tiếp theo khi nhà đầu tư tỏ ra bình tĩnh và thận trọng hơn.

Tại Mỹ, liên tục trong 12 ngày từ 3/11 đến 14/11, số ca xác nhận nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày đều trên 100.000 ca. Đỉnh điểm là ngày 13/11 với hơn 177.000 ca dương tính. Trước tháng 11 này, nước Mỹ chưa bao giờ ghi nhận đến 100.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Tình hình dịch bệnh leo thang dữ dội có thể một phần là do nhiều người tập trung đi bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Vắc xin còn lâu mới được phân phối rộng rãi trong khi mối lo ngại trước mắt của các nhà đầu tư là nền kinh tế mới mở cửa một phần có thể lại phải đóng cửa thêm lần nữa. Hiện nay đã có 35 bang của Mỹ bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng.

North Dakota trở thành bang mới nhất áp dụng biện pháp phòng dịch này. Ngày 13/11, Thống đốc Doug Burgum cho biết: "Tình hình của chúng ta đã thay đổi và hành động của chúng ta cũng phải thay đổi theo".

Hiện nay vắc xin của Pfizer và BioNTech đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 và chưa được giới chức Mỹ phê duyệt chính thức. Dự kiến sản lượng trong năm 2020 này chỉ là khoảng 50 triệu liều, năm 2021 là 1,3 tỉ liều, tức là phải chờ đến năm sau thì vắc xin mới có thể được phổ biến.

Để đạt hiệu quả phòng dịch mong muốn, một người cần tiêm 2 liều với tổng chi phí 39 USD.

Theo Bloomberg, vắc xin của Pfizer tuy hứa hẹn có hiệu quả cao nhưng sẽ rất khó đến tay người dân ở các nước nghèo. Ngoài vấn đề giá cả còn là các yêu cầu rất khắt khe về cách bảo quản và vận chuyển. 

Để đảm bảo chất lượng, vắc xin phải được chứa trong các kho lạnh với nhiệt độ âm 70 độ C. Một số quốc gia như Ấn Độ gần như không thể sử dụng được loại vắc xin này.

Trong khi đó, thị trường hàng không quốc tế nhìn chung vẫn đang bị đóng băng. Các hãng hàng không chủ yếu phục vụ các chuyến bay trong nước nhưng nhu cầu cũng giảm sút đáng kể do lo ngại đại dịch.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đón gần 3,8 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm gần 71% so với cùng kì năm ngoái. Theo Cục Hàng không, tổng số chuyến bay mà các hãng nội địa khai thác trong 10 tháng vừa qua là 177.034 chuyến, giảm 36,6% so với cùng kì.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), công suất vận tải hành khách (tính theo RPK) trong tháng 9/2020 của toàn ngành giảm gần 73% so với tháng 9 năm ngoái.

Những tia hi vọng le lói

Một trong những niềm hi vọng hiện nay của các hãng hàng không và nhà đầu tư là mô hình "bong bóng du lịch" (travel bubble).

Tuy đại dịch tại Mỹ đang bùng phát dữ dội nhưng ở một số khu vực tại châu Á, tình hình dường như đang được kiểm soát khá tốt.

Hôm 11/11, Singapore và Hong Kong cùng thông báo sẽ hình thành bong bóng đi lại đầu tiên trên thế giới kể từ ngày 22/11. Theo mô hình mới này, hành khách đi lại giữa Singapore và Hong Kong sẽ chỉ cần xét nghiệm, không cần cách li như trước.

Mỗi tuần sẽ có một số chuyến bay do Singapore Airlines và Cathay Pacific Airlines thực hiện, số chuyến sẽ tăng dần kể từ ngày 7/12. Mỗi chuyến được chở theo tối đa 200 người. Sau một tháng, các điều khoản cụ thể sẽ được hai bên xem xét và điều chỉnh lại.

Theo Bloomberg, sau khi thoả thuận bong bóng du lịch nói trên được công bố, cổ phiếu Singapore Airlines có phiên tăng mạnh nhất trong 21 năm trở lại đây, cổ phiếu Cathay Pacific Airlines cũng ghi nhận phiên tăng sốc nhất kể từ năm 2008.

Khi không thể kiếm tiền thông qua bán vé, các hãng hàng không chuyển sang bán cổ phiếu, trái phiếu và thậm chí là cả máy bay để sống qua ngày.

Theo thống kê của Bloomberg, từ đầu năm đến nay, các hãng hàng không trên toàn thế giới đã huy động 88 tỉ USD thông qua phát hành trái phiếu, nhiều hơn tổng giá trị phát hành trong 39 năm trước cộng lại.

Nếu tính cả giá trị các khoản vay ngân hàng, khối nợ của các hãng hàng không hiện nay đã tăng 124 tỉ USD so với hồi cuối tháng 2.

Câu chuyện về vốn chủ sở hữu cũng tương tự. Tuần trước, Japan Airlines thông báo kế hoạch huy động 1,6 tỉ USD thông qua chào bán khối cổ phiếu tương đương khoảng 1/3 tổng số cổ phần đang lưu hành.

Hồi tháng 6, Singapore Airlines đã bán thêm cổ phần và thu về 6,5 tỉ USD, con số cao chưa từng thấy trong lịch sử hàng không thế giới.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, các hãng bay toàn cầu đã huy động 27 tỉ USD thông qua bán cổ phiếu, tương đương với con số của 6 năm trước cộng lại.

Nhiều hãng bán bớt tàu bay để có thêm dòng tiền. Tháng 11 này, EasyJet thu về 170 triệu USD nhờ nghiệp vụ bán và thuê lại (SLB) 11 tàu bay. Tháng trước, Air Canada có thêm 365 triệu USD nhờ bước đi tương tự. Wizz Air, United Airlines cũng đều phải bán bớt tàu bay.

Tại Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lên kế hoạch bán 9 tàu bay A321-200 CEO sản xuất năm 2007-2008 để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt.

Năm 2019, Vietnam Airlines có kế hoạch bán 5 chiếc A321 CEO. Quá trình bán đấu giá đã hoàn tất, tính đến tháng 6/2020, tổng công ty đã bàn giao ba tàu và thu về 28 triệu USD.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.